Thursday 11 April 2019

Kệ Ngôn 118 - Chứa thiện, được an lạc - TT Giác Đẳng

Psychotheraphy, Meditation


Kệ Ngôn 118 

Chứa thiện, được an lạc

Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Giác Đẳng 

Người đã làm điều thiện,
Nên tiếp tục làm thêm.
Hãy ước muốn điều thiện,
Tích phước, ắc được vui.






.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali
Puññañ-ce puriso kayi rā, kayi rāthetaṁ punappunaṁ,
tamhi chandaṁ kayirātha, sukho puññassa uccayo.

Minh Hạnh chuyển biên:

TT Giác Đẳng: TT Giác Đẳng: Duyên sự kinh Pháp Cú kệ ngôn 118 nói về 3 nhân vật; một vị Tiên, một vị Thánh, một vị Phật. Vị Tiên là Tiên nữ Làjà khi thọ sanh vào cõi an lạc (cõi trời) quán xét thấy nghiệp trước của mình do túc duyên cao qúi, một lần Ngài Tôn giả Ðại Ca-diếp (Maha Kassapa) sau khi xuất định đi ngang đám ruộng, Ngài có dụng ý tạo cơ hội để Thiên nữ Làjà lúc bấy giờ tiền kiếp là một thiếu phụ làm ruộng phát tâm cúng dường, do sự phát tâm cúng dường đó với lời nguyện kiếp sau sẽ được dự phần vào Thánh Quả, nên khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi trời trở thành một Thiên nữ có nhan sắc thù thắng. Khi quán xét thấy túc nghiệp của mình như vậy nên vị Tiên nữ này phát tâm tinh tấn để mong mỏi làm thêm phước nghiệp, và nhớ kiếp trước nhờ Tôn Giả Maha Kassapa tạo cho mình được gieo hạt giống lành qúi báu, nên vị tiên nữ này xuống trần gian để quét dọn am cốc của trưởng lão Kassapa.
Chúng ta nói về một vị Tiên. Vị tiên đã sanh ra trong cuộc đời với bao nhiêu phước hạnh. Khi nói đến một vị Tiên sanh vào cõi an lạc thật sự rất khó để chúng ta mườn tượng được thế nào là hạnh phúc của những vị Chư Thiên này, thiên sắc, thiên hương, thiên vị, thiên xúc v.v... tất cả những phước báu đó chỉ là phần nhỏ ở trong tâm tư những gì một vị Thiên có thể hưởng được. Nếu chúng ta sống ở cõi trần gian trong cảnh giới chật hẹp bây giờ chúng ta sanh vào cõi an lạc, hay chúng ta được dời đến định cư một vùng đất nào đó có cuộc sống đầy đủ và tốt đẹp hơn trăm thứ, chắc chắn chúng ta rất cảm kích, đó là tâm trạng của Thiên nữ Làjà.
Ngược lại, có tâm tư khác của một bậc Thánh, một đại đệ tử của Phật, hơn nữa vị này đã có một đóng góp quan trọng trong lịch sử Đạo Phật, đó là Ngài Maha Kassapa. Có rất nhiều vị đệ tử Phật tên Ca-diếp, thuờng thường Tôn Giả Ca-diếp ở đây chúng ta gọi là Đại Ca-diếp, Ngài xuất thân từ một gia đình đặc biệt, gia đình giàu có, cha mẹ tìm một người thiếu nữ tài mạo vẹn toàn để cưới làm vợ cho Ngài. Khi hai người gặp nhau do căn lành kiếp trước hai người phát nguyện sẽ không sống với nhau như vợ chồng mà xem nhau như anh em ruột, như pháp huynh pháp muội cùng chia sẻ sự tu tập với nhau, đến khi gặp được Đức Phật cả hai vị đều đi xuất gia, và vị Tôn Giả này trong thời gian 7 ngày đã thành tựu được quả vị vô sanh.

Tôn Giả Maha Kassapa là một người rất đặc biệt từ đời sống cho đến những phước duyên và vai trò trong lịch sử của Đạo Phật, Ngài là một người hành trọn vẹn 13 pháp thọ trì hạnh đầu đà.
Với 13 pháp thọ trì hạnh đầu đà này được nói đến trong Thanh Tịnh Đạo và Luật Tạng, là những pháp như mặc chỉ một bộ y, ăn một ngày một buổi, hoặc giả chỉ sống ở dưới cội cây v.v... Tôn Giả Ca-diếp thực hành pháp đầu đà như vậy mặc dù đã không còn cần thiết để thực hành nữa bởi vì Ngài đã đoạn tận được phiền não, nhưng Ngài vẫn muốn làm gương cho hậu thế.
Tôn Giả Maha Kassapa đã được một ân phước rất lớn ở trong đời, được Đức Phật Ngài trao chiếc y Tăng-già-lê do chính Ngài tự lượm vải và giặt. Khi Đức Thế Tôn làm việc này quả đất chấn động, là một vị hoàng tử, một vị Phật lượm vải phấn tảo để may chiếc y và trao lại Ngài Ca Diếp như là một món quà tinh thần.
Có lẽ từ ý nghĩa này, về sau bên Thiền Tông cho rằng Đức Phật Ngài trao truyền Y Bát Chánh Pháp Nhãn Tạng cho Tôn Giả Ca-diếp, thật ra đó là quan niệm của Thiền Tông.
Thật ra, trong tất cả hàng Thinh Văn đệ tử, vị nào thành tựu được quả vị Giác Ngộ đều được Đức Phật trao truyền Chánh Pháp Nhãn Tạng, không riêng mình Ngài Ca Diếp.
Điểm đặc biệt, Tôn Giả Ca-diếp là một người sống nêu cao gương lành cho những vị sống cùng thời Ngài và những đời sống về sau này. Có đôi khi với sự phát triển mạnh mẽ của Đạo Phật những năm về sau này Chư Tăng vào trong giáo đoàn Tăng Lữ rất đông và có một số có hạnh kiểm không đẹp, chính Ngài Ca-diếp thật sự không có bằng lòng về việc này.
Trong cuốn chú giải kinh Pháp Cú của Ngài Buddhaghosa (Phật Âm) viết khi Tôn Giả Ca-diếp biết được Tiên nữ Làjà đến dọn dẹp am cốc của mình Ngài bảo rằng:
Thiên nữ, hãy đi ngay! E rằng về sau các Pháp sư được cầm quạt ngũ sắc và ngồi xuống, sẽ có lý do để nói có một thiên nữ đến hầu hạ và lấy nước cho Trưởng lão Ðại Ca-diếp. Ðừng đến đây nữa hãy đi nơi khác!
Trong câu nói đó Tôn Giả Ca-diếp nghĩ về sau này có thể những vị Pháp sư nhận được sự cung kính lợi dưỡng như vậy và họ mong mỏi sự phục dịch của những người khác vì lấy hình ảnh của Ngài Ca-diếp làm gương cho mình. Do vậy Tôn Giả Kassapa trong cái nhìn của một bậc Thánh, một vị đã có những thành tựu trọn vẹn, những thành tựu to lớn trong đời sống nội tại và mang tâm bi mẫn trong sự giáo hoá muôn loài.
Và ở đây, chúng ta phải nói đến một hình ảnh rất đẹp là Tiên nữ Làjà ở trong tiền kiếp vì lòng bi mẫn của Ngài. Theo trong kinh, một vị đã nhập diệt thọ tưởng định trong vòng 7 ngày và vị đó xả định đi vào xóm khất thực, bất cứ vị thí chủ nào cúng thực phẩm đầu tiên vào trong bình bát của vị đó và vị đó thọ thực thì vị thí chủ đó được công đức vô lượng. Do vậy không riêng gì Ngài Ca-diếp, ngay cả Tôn Giả Xá-lợi-phất thỉnh thoảng khi nhập diệt thọ tưởng định xong các Ngài vẫn thường quán sát coi ai là người hữu duyên để các Ngài có thể tạo điều kiện cho những vị đó tạo duyên lành, nên chi đây là phúc nghiệp rất thù thắng.
Có đôi lúc chúng ta ngộ nhận những vị Thanh Văn đệ tử Phật là những vị thiếu lòng từ bi, thiếu lòng đại bi tâm, nhưng nếu đọc kỹ vào cuộc đời của các Ngài chúng ta thấy cảnh giới của các Ngài, lòng đại bi của các Ngài, và hành xử của các Ngài vượt ngoài tư nghì của chúng ta, và chúng ta không thể đánh giá các Ngài qua cái nhìn hời hợt được.
Tôn Giả Kassapa vì lòng bi mẫn đã đi khất thức ngang cánh đồng của một thiếu phụ đang cầy ruộng, và bây giờ thiếu nữ đó sanh trở thành Tiên nữ xuống dọn dẹp trú xứ của Ngài thì Ngài lại không bằng lòng, Ngài bảo đi đi, khi Ngài không bằng lòng như vậy cũng có lý do chánh đáng là bởi vì Ngài nghĩ rằng có thể điều đó tạo thành hình ảnh một tấm gương không được tốt cho các vị về sau này lấy đó làm cớ để mong cầu được sự phục dịch.
Tiên nữ Làjà rất buồn, đó là tâm trạng tự nhiên. Cũng như có nhiều người trong cuộc đời này có thiện tâm có hảo ý muốn làm một việc gì đó tốt đẹp nhưng bị từ chối. Ở đây, Tiên nữ Làjà chỉ có một mục đích làm công quả là đến quét dọn nơi trú xứ của Tôn Giả Kassapa.
Chúng ta đã nói về một vị Tiên, một vị Thánh, bây giờ chúng ta nói về một vị Phật.
Đức Thế Tôn xuất hiện lúc Tiên nữ Làjà đang buồn, và Ngài nói:
- "Trưởng Lão Ca-diếp đệ tử của ta, có lý do chánh đáng để làm như vậy."
Đức Phật Ngài xác nhận với Tiên nữ Làjà thái độ và hành động của Tôn Giả Kassapa có lý do hoàn toàn chánh đáng để làm như vậy. Có nghĩa là trong lời nói này Đức Phật mặc nhiên thừa nhận Tôn Giả Kassapa hoàn toàn có lý do chánh đáng để từ chối sự phục dịch của Tiên nữ Làjà. Nhưng bên cạnh đó, Đức Phật ở trong cái nhìn của vị Phật, của bậc Nhất Thiết Chủng Trí, của một bậc Toàn Giác, Ngài cũng có những lời khuyến cáo rất đẹp cho Tiên nữ Làjà với bài kệ 118.
Người đã làm thiện hạnh,
Nên tiếp tục làm thêm.
Hãy ước muốn điều thiện,
Tích phước, ắt được vui.
Câu đầu tiên Đức Phật Ngài mặc nhiên xác nhận thái độ của Tôn Giả Ca-diếp là chánh đáng, trong câu kệ ngôn 118 Đức Thế Tôn đã mặc nhiên xác nhận Tiên nữ Làjà có lý do chánh đáng để mong cầu việc tạo phước như vậy.
Ở trong đời sống nếu mình đã làm được việc thiện và đã có những phước lành, mình nên tiếp tục làm thêm, nếu không mình chỉ là ăn thức ăn cũ còn xót lại của ngày hôm qua của kiếp trước mà thôi, như tín nữ đại thí chủ Visakha đã từng nói về cách sống của người cha chồng của mình chỉ hưởng phước cũ không tạo phước mới.
Ở đây, Đức Phật Ngài ca ngợi và khuyến khích không phải cho riêng Tiên nữ Làjà, mà cho tất cả những ai sanh ra ở đời này có được túc nghiệp tốt đang được hưởng phước tốt bây giờ nên tiếp tục làm thêm. Ngài đã dạy rất rõ ràng:
- "Tích phước, ắt được vui".
Câu kệ này nói về một vị Tiên, một vị Thánh, một vị Phật. Trong các đối thoại, các ngôn từ, các thái độ, các quan điểm, tất cả đều đẹp, đều cao qúi, nhưng có những bất đồng cho chúng ta nhiều bài học cao qúi. Câu chuyện kể ra không phải để chúng ta nói người này đúng, hay người kia sai. Câu chuyện của 3 nhân vật vĩ đại này một vị Tiên, một vị Thánh, một vị Phật không phải là một câu chuyện đơn giản để chúng ta tiêu hóa trong đời sống, câu chuyện này cho chúng ta rất nhiều về những câu chuyện xảy ra rất thường ở trong các ngôi chùa khi những người Phật tử đến chùa tạo phước ai cũng có lý do để tạo phước, nhưng thỉnh thoảng chúng ta lại nghe những lời nói khiến cho những vị Phật tử này không vui lòng, ví dụ như đa số Phật tử thường thích làm những công việc tạo phước như xây chùa, đúc tượng, làm trai tăng. Thỉnh thoảng Chư Tăng cũng nhắc nhở qúi vị ngoài những công đức hữu lậu nên tạo những công đức khác thay vì quanh năm lúc nào cũng đi bố thí, đôi lúc cũng nên xếp một bên những công quả của mình để lo tu tập thiền định, trì giới.
Chúng tôi cũng nghe một câu chuyện tương tự, có một số Phật tử đến chùa để hành thiền của Ngài Thiền Sư Kim Triệu. Khi đến để hành thiền bởi vì những vị này rất có lòng thành và đặc biệt với tâm ngưỡng kính đối với Ngài Thiền Sư nên bỏ nhiều thì giờ để nấu ăn pha trà nước cho Ngài, những việc đó đáng lẽ chỉ nên làm đơn giản thì những người này lúc nào cũng bận rộn ở nhà bếp, bận rộn với những buổi ăn, thì Ngài dạy rằng không nên như vậy, những người này cảm thấy buồn bởi vì tại sao có lòng với Ngài nhưng Ngài không hoan hỉ. Nếu những người Phật tử có lòng làm công quả rất là tốt, nhưng trong lúc đi hành thiền thay vì dành thì giờ để lo chuyện nấu bếp thì nên làm một cách gọn đơn giản, và tập trú vào việc hành thiền thì thích hợp hơn.
Tất nhiên là những câu chuyện như vậy chỉ là một trong vô số thí dụ chúng ta gặp trong đời sống hàng ngày, nhưng ở đây chúng ta lại nghe đến một lời dạy của Đức Phật trước khi Ngài dạy kệ ngôn 118 này Ngài cũng đã mặc nhiên xác nhận ý nghĩ và thái độ cũng như quyết định của Tôn Giả Ca-diếp hoàn toàn hợp lý và chánh đáng, nếu Tôn Giả Ca-diếp quan tâm đến đàn hậu tín thì chắc chắn không có lý do gì để nói Đức Phật không quan tâm, nhưng bên cạnh đó Đức Phật Ngài cũng soi sáng cho Tiên nữ Làjà thấy không nên vì như vậy mà cảm thấy buồn, bởi vì một người đã làm được việc lành thì nên tiếp tục làm việc lành. Câu kệ Ngài dạy chúng ta được nghe ở tại đây đó là:
"Tích phước, ắt được vui"
Tại sao tích phước, ắt được vui. Câu này nếu chúng ta hiểu rõ ý nghĩa thì chúng ta sẽ rất hoan hỉ ở trong đời sống hàng ngày của mình, bởi vì chúng ta đã tạo ra rất nhiều thứ, đặc biệt là qúi vị đã sống qua cuộc đời của mình, nào là mình đã đầu tư rất nhiều cho một bằng cấp, đầu tư rất nhiều thì giờ cho một cuộc tình, cho một hôn nhân, rồi cho con cái, rồi cho gia tài sự nghiệp, cho bạn bè, cho tổ quốc, cho những hoài bão của mình. Nhưng tất cả những đầu tư đó, tất cả những trọng điểm đó đôi lúc làm chúng ta cảm thấy buồn. Ví dụ, chúng ta lo cho con rất nhiều nhưng con lớn lên nó không thiết đến cha mẹ. Ví dụ, chúng ta đầu tư rất nhiều cho bằng cấp nhưng tới khi chúng ta đạt được học vị đó rồi thì thấy xu thế mới của xã hội bằng cấp đó học vị đó không đáng giá bao nhiêu. Hoặc giả, chúng ta cũng có thể bỏ ra rất nhiều thì giờ tâm trí để đầu tư cho một đảng phái, cho một tổ chức chính trị, hay cho một công trình văn hóa rồi cuối cùng chúng ta thấy tất cả những thứ đó mang tánh cách giai đoạn không mang tánh cách trường cửu chúng ta cảm thấy rất buồn.
Thì nếu chúng ta có những nỗi buồn có những cái gì trong lòng không được hoan hỉ chúng ta hãy nghe lại câu kệ của Đức Phật ở tại đây:
"Tích phước, ắt được vui"
Bây giờ chúng ta nói thêm một việc khác.
Trong sự phát triển của Thiền Tông ở Việt Nam chúng ta thường nghe câu chuyện đối thoại giữa Tổ Đạt Ma và vua Lương Võ Đế, trong cuộc đối thoại này có thể vì ảnh hưởng về sau khiến chúng ta thường có thái độ phân định giữa tu phước và tu huệ.
- Tu Phước. Khi đề cập đến tu phước chúng ta hiểu những công quả mình làm như bố thí, đúc tượng, xây chùa, ấn tống kinh sách v.v... và khi nói đến tu phước người ta quan niệm đó là những phước cho chúng ta về sau này sanh ra được giàu có, sống lâu, sắc đẹp.
- Tu Huệ. Khi nói đến tu huệ, chúng ta nói đến sự trưởng dưỡng đời sống nội tâm, chúng ta muốn nói đến cuộc sống hướng cầu giải thoát của tâm linh làm bừng khai tuệ giác của mình.
Phước báu được nói trong kinh điển hiểu rất rộng, phước vô lậu hay phước hữu lậu. Theo các cách nói thường thức chúng ta hay nói đến tu phước và tu huệ thì hầu như tu phước có nghĩa là tạo phước hữu lậu và tu huệ là tạo phước vô lậu. Chữ phước ngày xưa hiểu rất rộng.
Và chữ phước chữ thiện ở đây Đức Phật Ngài dạy không có hàm ý chỉ là những người tạo phước báu chỉ mong cầu được giàu có, sắc đẹp, được danh thơm tiếng tốt, mà phước báu Đức Phật Ngài dạy ở tại đây nói chung là những việc gì làm với tâm lành mang lại an lạc.
sukho puññassa uccayo- Người làm phước, ắt được vui
Câu này nên là một câu thần chú, nên là một câu chúng ta thường tâm niệm trong đời sống hàng ngày.
Cuộc sống này, một người có thể làm một việc thiện và qua việc thiện đó khiến cho họ cảm nhận được sự hoan hỉ, nếu việc thiện đó làm cho họ cảm thấy tìm được một ý nghĩa cho cuộc sống phù du giả tạm này, thì quả thật "tích phước ắt, được vui".
Trên phương diện tâm lý, kinh Kalama Đức Phật nói khuynh hướng phần đông của chúng ta là ưu tư về tương lai, chúng ta làm việc phước bởi vì chúng ta có nghĩ về tương lai của mình. Có thể nói đời sống hàng ngày của chúng ta làm cho hiện tại thì ít, nếu nói đến hiện tại đôi khi chúng ta cần một ly nước lạnh, chỉ cần ngồi một chỗ êm ái, chỉ cần một nụ cười là quá đủ, chúng ta không cần nhiều hơn để được hạnh phúc. Nhưng thông thường những gì chúng ta muốn thật nhiều kể cả chuyện thâu góp tài sản, chuyện làm kế hoạch lâu dài cho việc đầu tư tiền bạc của mình, việc tu hành phước thiện là chuyện chúng ta nghĩ đến tương lai. Tương lai là cái gì chúng ta băn khoăn trăn trở, chúng ta mong muốn thấy được tương lai tốt. Trong bài kinh Kalama Đức Phật dạy một người làm thiện mà thật sự cảm nhận được cái thiện của mình thì người này có thể có một niềm vui cho dù họ không biết về kiếp sau họ không nghĩ đến kiếp sau, nhưng họ biết hễ kiếp này làm thiện thì đời sau ắt được an lạc. Do vậy đối với Đạo Phật như một câu kệ ngôn 18 trong phẩm Phẩm Song Yếu:
- Nay vui, đời sau vui
Người thiện hai đời vui
Vui thấy "mình làm thiện"
Sanh cõi thiện vui hơn
Nói đến niềm vui niềm hoan hỉ hay tích phước ắt được an lạc, là chúng ta nói đến một công hạnh nói đến một cảm xúc. Ở đây, Đức Phật dạy trực tiếp cho Tiên nữ Làjà đang đứng giữa hư không với khuôn mặt sầu não vì mình đã đem tất cả tấm lòng thiện chí mong được làm công quả phục dịch cho Tôn Giả Ca-diếp mà không được chấp nhận, cảm thấy Tôn Giả không cảm kích còn đuổi mình đi nơi khác. Đức Phật cũng nhắc Thiên nữ Làjà:
sukho puññassa uccayo- Người làm phước, ắt được vui
Vui ở đây là nghĩ đến tâm lành của mình, nghĩ đến thiện sự của mình chứ không phải nghĩ đến ngoại cảnh ở bên ngoài.
Thật ra trong cuộc đời này có vô số trường hợp người làm thiện không được ai để ý đến, thế gian này thường chỉ để ý đến những ồn ào, những điều kỳ lạ, hoặc giả họ để ý đến những người làm việc xấu. Một kẻ bắn chết hàng loạt người trong khu shopping hay trong một trường học thì được nổi tiếng khắp thế giới, đó là điều người đó mong muốn và điều đó cũng phản ảnh một sự việc là thế giới này thường để ý đến những hành động kỳ quặc, những hành động tội lỗi. Có bao nhiêu tâm hồn tốt đẹp, có bao nhiêu hạnh lành được thể hiện mỗi ngày ở trong các xóm làng trong các thành phố, nhưng báo chí không nói nhiều mà chỉ nói nhiều đến chuyện cướp của giết người. Và thật sự ít ai có thể hiểu, có thể nói được gì nhiều về một hành động thiện, điều đó có nghĩa khi mình làm thiện thì sự cảm kích ở bên ngoài không có nhiều. Và tự mỗi người chúng ta đều phải biết được giá trị của mình. Một người làm lành làm điều tốt tự mình không có khả năng để đánh giá chính mình thì điều đó cũng là một sự mất mát, sự thiếu thốn, là một sự tổn thất lớn cho mình, bởi vì không có ai biết được mình hơn chính mình. Và với việc lành việc thiện thì thường thường là những việc làm mang tánh cách âm thầm.
Chúng tôi thường rất cảm kích công quả của qúi Phật tử. Lấy ví dụ, lớp học Phật Pháp như rơom Diệu Pháp giảng kinh Pháp Cú, mỗi ngày qúi vị vào trong rơom có thể nghe Chư Tăng và nghe qúi Phật tử thảo luận trong hai giờ đồng hồ về Phật Pháp, nhưng bên cạnh đó có rất nhiều công quả những công quả đó hết sức âm thầm, của nhiều người bỏ tâm trí bỏ tiền bạc bỏ thì giờ để làm việc, và có thể những gì họ làm ít ai nhắc đến và ít có ai nói là cảm kích, nhưng điều đó không có nghĩa việc làm của họ là vô ích, hoặc hoàn toàn không có công đức. Nếu một người thật sự hiểu được giá trị việc làm của mình thì chắc chắn không ai khác hơn chính mình.
Nên chi, trong đạo Phật cũng đề cập đến một viên mãn thiện sự, việc thiện gọi là viên mãn là việc làm có ba trạng thái tâm: tư tiền, tư hiện và tư hậu,
- Tư tiền, trước khi làm có chuẩn bị, có để tâm, có sự trù liệu rõ ràng để công việc làm của mình được tốt.
- Tư hiện, trong khi làm tâm tư gắng bó với những gì mình đang làm, nếu mình làm mà không để tâm trí vào thì đó là thiếu tác ý, thiếu thiện tâm trong lúc đang làm.
- Tư hậu: Một thiện sự được viên mãn phải có tư hậu. Tư hậu là khả năng để phản tỉnh, để phản chiếu lại cái gì mình đã làm và dùng việc thiện của mình đã làm như một đề mục tâm niệm.
Ví dụ như mình đã làm một buổi lễ Tăng Y, hoặc đã tham dự một khóa thiền 10 ngày hay mình vào lớp Phật Pháp mỗi buổi sáng hay buổi tối để nghe kinh Pháp Cú chẳng hạn, lâu ngày cũng nên nhớ phước thiện đó. Nếu những việc lành chúng ta không để ý và để nó chìm vào trong quên lãng thì thật sự việc làm đó đôi khi không được viên mãn. Đôi khi nhìn lại những gì mình làm nó cho chúng ta một cái nhìn rất đặc biệt về những việc thiện gì mình đã làm.
Nên chi ở đây Đức Phật Ngài gọi là tích phước, ắt được vui.
Đức Phật đã đặc biệt trực tiếp dạy cho Tiên nữ Làjà để Tiên nữ này có thể nhìn lại những công hạnh những phúc nghiệp nào mình đã làm trong đời trước và trong đời này và nên hoan hỉ với điều đó, thay vì chỉ đem tâm phiền muộn nghĩ rằng Tôn Giả Kassapa đã không bằng lòng với việc của mình và đuổi mình đi v.v.... Đức Phật Ngài đã hướng tâm tư của Thiên nữ Làjà lại đúng chỗ đúng vị trí.
Nói về vị trí của Tôn Giả Kassapa Ngài hoàn toàn có lý do chánh đáng như Đức Phật đã xác định, nhưng trong tâm nguyện cao đẹp của Tiên nữ Làjà điều đó Đức Phật Ngài cũng tán thán, sở dĩ Tiên nữ Làjà buồn vì không khéo nghĩ. Đức Phật trong cương vị của bậc Chánh Đẳng Chánh Giác Ngài đã có những khuyến khích và Ngài đã có một sự chỉ dẫn nên nghĩ như thế nào cho hợp tình hợp lý, như trong bài kệ ngôn 118.
Người đã làm thiện hạnh
Nên tiếp tục làm thêm
Hãy hoan hỉ việc lành
Tích phước, ắt được vui
Kệ ngôn này nói về ba hình ảnh, ba thái độ, ba cái nhìn, của vị Tiên nữ Làjà, của vị Thánh đại đệ tử Phật là Thánh Ca-diếp và của Đức Phật, câu chuyện này soi sáng về nhiều trường hợp xảy ra trong đời sống hàng ngày của chúng ta, đặc biệt trong khung cảnh chùa chiền. Điều chúng tôi muốn nói ở tại đây có lẽ là chúng ta nên tâm niệm thường xuyên về hạnh lành của mình, có đôi khi thái độ của chúng ta là thái độ cực đoan, chúng ta bắt chước thái độ của Tổ Đạt Ma khi nói chuyện với Vương Võ Đế phủ nhận thẳng thừng là mình làm phước không cầu phước. Nghĩ như vậy cũng là một điều rất hay. Thật ra thái độ đó chưa chắc là một thái độ chánh đáng. Đức Phật là một vị đã giải thoát khỏi cõi tam giới và chúng ta không có lý do gì để nghi ngờ sự giải thoát của Ngài, nhưng Đức Phật Ngài có những lời dạy chúng ta phải nhìn vào đó để suy nghĩ, ví dụ Đức Phật dạy một người cư sĩ nếu hưởng phước, nếu hưởng tài sản của mình do chính mồ hôi nước mắt, do chính bàn tay của mình làm ra một cách lương thiện, điều đó là điều đáng hoan hỉ.
Đức Phật là một bậc giải thoát, chúng ta có thể nghĩ đối với chuyện thụ hưởng tài sản thế gian Đức Phật hoàn toàn xem nhẹ, quả thật như vậy, Đức Phật cũng xem nhẹ. Nhưng khi Ngài dạy như vậy, Ngài dạy con người ở trong vị trí đó làm việc đó là thích hợp. Nên chi thái độ của chúng ta là thái độ cực đoan, chúng ta dùng một lý lẽ nào đó để xóa đi tất cả, để phủ nhận tất cả, chúng ta quên rằng mỗi một trường hợp, mỗi một con người, mỗi một căn tính, mỗi một bối cảnh có một tinh thần khác nhau, và ở tại đó tinh thần nào thích hợp thì nên làm việc đó.
Chúng tôi cũng nghe rất nhiều quan điểm của một số Phật tử cho rằng những bà cụ những người đi chùa lạy Phật, làm phước như Trai Tăng hay in kinh sách mong cầu được phước là việc sai lầm, họ cực lực trỉ trích những người đó. Quan điểm như vậy cũng là quan điểm cực đoan, chúng ta phải hiểu được cái bối cảnh nào mà người đó làm, cái gì nên khuyến khích và cái gì nên phê bình.
Ví dụ, trường hợp một vị Thiền Sư thấy những bà cụ đến chùa trong một khóa thiền không chịu hành thiền mà chỉ lo việc nấu bếp công quả thì Ngài khiển trách, việc khiển trách đó rất nên, nhưng việc khiển trách đó phải do Ngài khiển trách ở trong bối cảnh đang hành thiền, và những người đó nếu họ được khiển trách như vậy họ có cơ hội để hành thiền, đó là việc nên làm.
Nhưng nếu chúng ta là người Phật tử vào chùa thấy một số người nào đó đang làm công quả nói "việc làm công quả như vậy không ích lợi gì hết, tại sao không làm những việc khác tốt hơn như đọc kinh sách, hay tu thiền, hoặc tu những pháp môn khác cao hơn". Đôi khi chúng ta nói không đúng thời, không đúng lúc, không đúng người thì lời nói của chúng ta chẳng những không mang lại sự tốt đẹp mà nó lại dẫn đến nhiều sự bất hạnh cho người khác và cho mình.
Đức Phật Ngài thường lưu ý chúng ta; một lời nói hay thái độ gì trong đời sống đặc biệt liên quan đến thiện sự chúng ta phải cân nhắc rất nhiều. Ví dụ, Đức Phật dạy một lời nên nói thì lời nói đó ít nhất là phải đi với sự thật, lời nói đó phải đi với tâm từ, lời nói đó phải có lợi ích, lời nói đó phải là lời nói bằng ái ngữ tức là nói dịu dàng, lời nói đó phải là lời nói đúng thời. Nhưng, sự việc đó không phải đơn giản bởi vì chúng ta thường nói một cách vô tội vạ cái gì mình thích thì mình nói, mình không có sự cân nhắc trước sau.
Đức Phật dạy, một vị thiện trí khi nói, khi hành động phải có 7 pháp của bậc thiện trí như: phải biết người, phải biết mình, phải biết nhân, biết quả, phải biết thời gian thích hợp, phải biết chừng mực vừa phải, và phải biết đám đông - tri nhân, tri quả, tri kỷ, tri bỉ, tri thời, tri hội, tri độ, như vậy nói lên một khía cạnh khác rất quan trọng, đó là chúng ta không nên lượng định đánh giá công việc một cách hời hợt cho dù một câu nói có giá trị ở trong một bối cảnh nào đó chưa chắc là nó đã có giá trị hoàn toàn ở trong mọi thời gian mọi hoàn cảnh.
Trong câu chuyện này chúng ta lại tìm thấy những nét rất thú vị, những điểm rất quan trọng:
1 - Cái nhìn của một vị Tiên muốn tạo thêm phước thiện cho mình và Đức Phật Ngài khuyến khích như vậy.
2 - Cái nhìn của một bậc Thánh muốn giữ gương lành tốt cho người đời sau Đức Phật Ngài xác nhận đó là chánh đáng.
3 - Và Đức Phật trong cái nhìn của bậc Đạo Sư Tối Thượng Ngài có những lời dạy thích hợp không những cho Tiên nữ Làjà mà cho chúng ta những người hậu học về sau này.
Xin tất cả chúng ta luôn tâm niệm và không bao giờ quên câu nói Đức Phật đã dạy: Tích phước, ắt được vui./. 



Wednesday 31 August 2016

Kệ Ngôn 126 - Hiện Tại và Tương lai

Kinh Phap Cu - Pham 9
Kệ Ngôn 126 

Hiện tại và tương lai

Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Giác Đẳng 

Một số đi đầu thai
Kẻ ác sinh địa ngục
Người thiện sinh cõi phúc
Bậc vô lậu niết bàn







.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali
Gabbhameke uppajjanti, nirayaṃ pāpakammino;
Saggaṃ sugatino yanti, parinibbanti anāsavā.


DUYÊN SỰ

Trưởng lão Tissa đến nhà người thợ kim hoàn thọ trai. Trong lúc chủ nhà bận việc phía sau, một con ngỗng nuôi trong nhà nuốt vào bụng viên ngọc của nhà vua đã đưa để mài. Mặc dù là người rất tín tâm nhưng vì hốt hoảng đã làm mất viên ngọc của vua nên, người thợ kim hoàn đã vặn hỏi thậm chí tra tấn Trưởng lão Tissa đến nỗi bị thương đổ máu ngất xỉu bất chấp sự can gián hết lời của người vợ. Con ngỗng ngửi thấy máu tới gần cũng bị đập một cây chết ngay lập tức. Khi tỉnh dậy Trưỏng lão Tissa cho biết chính con ngỗng đã nuốt viên ngọc nhưng không thể nói vì sẽ làm con ngỗng bị giết. Người thợ hoàn vô cùng ăn năn xin được tha thứ. Không lâu sau đó Trưởng lão viên tịch Niết Bàn vì thương tích. Sau nầy khi các tỳ khưu bạch hỏi Phật về cảnh giới thọ sanh của con ngỗng, người thợ kim hoàn và người vợ, cũng như trưởng lão Tissa, Đức Phật đã dạy kệ ngôn. 

Minh Hạnh chuyển biên:


TT Giác Đẳng: Hôm nay chúng ta được nghe câu chuyện cổ tích chắc chắn quen thuộc bởi vì có trong nhiều bản dịch cũng như nhiều tác phẩm cổ tích Phật Giáo liên quan đến câu chuyện này.

Tỳ kheo Tissa đến nhà một người thợ bạc để thọ trai và con ngỗng trong nhà đã nuốt viên ngọc của nhà vua mang đến cho người thợ này mài dũa và kết quả đã tạo thành bi kịch. Câu chuyện này cho một cái nhìn khác về điều gọi là tội ác và hệ lụy ở trong kiếp người. Nhìn vào câu chuyện thì tất cả những người liên hệ kể cả người đã tạo lên những hành động hết sức dã man ở tại đây là người thợ kim hoàn. Nhìn ở góc cạnh nào đó chúng ta thấy người này cũng là một người đáng tội nghiệp. Cái tội nghiệp ở tại đây như trong sớ giải cho biết người thợ kim hoàn này suốt 12 năm trời ngày nào cũng thỉnh Tôn Giả Tissa đến nhà để cúng dường trai phạn, Tôn Giả đã đến nhà người kim hoàn này xem anh như một đàn tín một người đệ tử. Và chúng ta cũng được biết Tôn Giả Tissa đã nhận lời như một sự ban bố một cơ hội cho anh thợ kim hoàn và những người trong gia đình tạo phúc. Mười hai năm dài như vậy chắc chắn đã xây dựng được rất nhiều trên phương diện tín tâm đạo tình cũng như quan hệ mật thiết.

1. - Điểm thứ nhất.

Như bây giờ chúng ta thường nghe những câu chuyện đôi lúc vận không may nào đó xảy ra cho chúng ta, chúng ta lại có mặt ở một nơi không đúng thời, không đúng chỗ, không đúng người, và không đúng việc, ba bốn yếu tố không đúng đó nhập lại với nhau và tạo lên những bi kịch của đời sống. Câu chuyện chúng ta nghe Trưởng Lão Tissa gặp nạn vẫn thường xảy ra rất nhiều ở trong thời đại ngày hôm nay. Có câu chuyện xảy ra tại công viên Centre Park ở New York, một nhóm 5 em thanh niên nhỏ đi chơi tại công viên này và cả 5 người như vậy mà vào giờ đó không may hôm đó xảy ra một chuyện hãm hiếp ở Centre Park và qua lời khai cũng như qua thái độ thiếu khôn ngoan một lúc nào không tỉnh táo của 5 thanh niên này mà 5 người này đã bị rơi vào vòng lao lý một thời gian dài cho đến khi người ta tìm ra hung thủ và hung thủ cũng tự thú thì mới biết 5 người này cũng là nạn nhân trong một bi kịch của kiếp người của kiếp trầm luân.


Có thể nói rằng sự khôn ngoan của đời sống, đạo đức của đời sống và ngay cả vận may của chính mình đôi lúc không đủ khả năng để bạo vệ mình. Những cái dông rủi tai bay họa gửi và đồng thời bao nhiêu ách nạn vốn dĩ là một phần rất tự nhiên của kiếp người, một phần tự nhiên của cuộc sống trầm luân này.

Chúng ta nhìn vào câu chuyện một chút sẽ thấy tất cả những người liên hệ trong câu chuyện đều rất đáng tội nghiệp, cho dù đó là con ngỗng, con ngỗng nhìn thấy viên ngọc theo trong sớ giải lúc đó anh thợ kim hoàn đang nấu thức ăn và khi người lính của nhà vua mang viên ngọc đến anh đã cầm viên ngọc đó lên xem xét và một ít thức ăn dính vào viên ngọc, con ngỗng đánh hơi mùi thức ăn đã nuốt viên ngọc vào trong bụng. Con ngỗng nuốt viên ngọc vào trong bụng cũng là một hành động rất bản năng, con ngỗng không có ý đánh cắp viên ngọc đó và dĩ nhiên đối với con ngỗng viên ngọc đó không có giá trị hơn một miếng ăn nào, nó chỉ là một thứ miếng ăn không hơn không kém và có thể đó là một miếng ăn khó nuốt
.
Chúng ta lại nghe câu chuyện của bà vợ là người rất có tín tâm cùng với chồng đã bao nhiêu năm lo lắng cho Tôn Giả Tissa đối với Tôn Giả Tissa như một người thân, như một vị Thầy, như một chỗ nương tựa tinh thần, bây giờ nhìn thấy chồng mình đánh đập tra khảo Tôn Giả Tissa thì thật sự không có lời nói không có can trường nào đủ làm cho người vợ của người thợ kim hoàn cảm thấy có thể cầm lòng được.

Tội nghiệp nhất hai người đó là Trưởng Lão Tissa và anh thợ kim hoàn. Trưởng Lão Tissa có lý do hoàn toàn chính đáng để im lặng, Ngài là vị Tỳ Kheo là một vị Thánh, nếu lời nói đó có liên hệ đến mạng của một chúng sanh khác thì không thể là lời nói nhẹ được mà là lời nói phải cân nhắc rất nhiều. Đôi lúc trong những trường hợp người ta không thể nói thì chỉ biết chọn lấy im lặng và cái giá của sự im lặng đó không phải là một cái giá nhỏ, ở tại đây một sự im lặng lại tạo ra một bi kịch lớn, nhưng mà nói gì đây, mình biết chắc chắn rằng chỉ một lời nói của Ngài là con ngỗng đã nuốt viên ngọc vào bụng thì con ngỗng lập tức bị đem ra cắt cổ mổ bụng để lấy viên ngọc ra, Ngài là một bậc Thánh một vị Tỳ kheo Ngài không thể nói như vậy,

Nhưng mà rồi anh thợ kim hoàn lại là một người mặc dù đã tạo ra thảm kịch này nhưng anh cũng là một nạn nhân, anh là nạn nhân của kiếp luân hồi và nạn nhân của chính mình. Nạn nhân của kiếp luân hồi là đã sống thì phải mưu sinh, đã sống thì phải liệu toan, đã sống thì phải nhận lấy trách nhiệm, và đã sống thì phải trả cái giá cho sự mưu sinh của mình. Là một người được nhà vua thưởng thức tài nghệ mài dũa những viên ngọc của cung đình và anh là một người làm ra rất nhiều tiền nhờ đó anh có cuộc sống thoải mái nhưng bây giờ khi viên ngọc nhà vua đem đến không cánh mà bay và ở trong căn phòng đó ngoài Trưởng Lão Tissa không có người nào khác, cái mạng của mình treo như chỉ mành treo chuông. Và có thể nói rằng trong lúc túng quẩn anh không biết phải làm thứ gì. Đây là một điều chúng ta được biết có rất nhiều trường hợp Đức Phật Ngài khuyên các vị Tỳ kheo các đệ tử của Ngài nên tránh đi những nơi không thích hợp, những chỗ không thích đáng, những chỗ phi thời, tại vì những tai bay họa gửi đến đôi lúc mình không tránh né được.

Ngay cả trong một xã hội nền pháp luật được hổ trợ bằng nhiều kỹ thuật tinh vi thì hàng năm có rất nhiều người bị oan uổng một cách hết sức là oan uổng. Quí vị cũng nghe được tại Hoa Kỳ ở trong 10 người lên ghế điện có 4 người vào giờ chót người ta khám phá ra không phải như vậy, bởi vì một lúc nào đó vì sự sai lầm của công tố viên người ta chỉ lượng định được tội trạng dựa trên một thứ kỹ thuật và kỹ thuật vô tri đó đôi lúc lại không thể xác định hoàn toàn một cách chính xác, và có thể nói người ta có thể vương vào những tội đại hình rất dễ dàng chỉ vì một chút lầm lẫn của công tố viên. Chuyện đó chúng ta thường thấy nhan nhãn ở trên báo chí.

Trong câu chuyện này đúng là tình ngay lý gian và quả thật rất khó để người thợ kim hoàn có thể kiên nhẫn được, anh không thể kiên nhẫn được tại vì viên ngọc đó không nằm trong khả năng anh có thể bồi thường được, anh không thể kiên nhẫn được bởi vì anh có thể mất đầu, bị nhà vua đem chém đầu vì đã làm mất viên ngọc quí của nhà vua và anh không có một cách lựa chọn nào khác, ở trong lúc đó con người bị dồn đến một sự thử thách tuyệt đối hoặc giả có thể chấp nhận thân phận để bảo vệ đạo nghĩa của mình, hoặc giả trong lúc cuống quít mất bình tỉnh có thể làm bất cứ cái gì có thể làm được để truy tìm cho bằng được một vật đã mất. Anh thợ kim hoàn đã lựa chọn thái độ thứ hai đem một vị Thầy một vị Tỳ Kheo một người mình quen biết rất lâu để vặn hỏi, vặn hỏi không được thậm chí dùng đến bạo lực dùng đến tra tấn và Tôn Giả Tissa đã ngất sỉu trước những cú đánh rất hung hiểm của anh thợ kim hoàn.

Bi kịch chúng ta được nghe như vậy là một câu chuyện như Tôn Giả Tissa đã nói sau đó:

"Đó là nỗi của kiếp trầm luân".

Sống trong cuộc đời này chúng ta không những là nạn nhân của hoàn cảnh mà còn là nạn nhân của nghiệp quá khứ. Chúng ta là nạn nhân của những tâm bất thiện mình đã có ở trong một kiếp xa xưa nào đó.

- Bây giờ sống trong một kiếp người có ai dám nói mình có một quá khứ nhiều đời nhiều kiếp hoàn toàn tích tập những nghiệp thiện?

- Chắc chắn ở trong di sản mình thừa tự từ quá khứ nó bao gồm cả hai thứ thiện lẫn bất thiện, ác nghiệp lẫn thiện nghiệp.

Phải nói rằng trong nhiều đời nhiều kiếp, vô lượng kiếp luân hồi mà chúng ta đã trải qua từ trong nhiều đời quá khứ thì chắc chắn là ác nghiệp tạo nhiều hơn thiện nghiệp.

Có hiểu được ý nghĩa này, tại sao trầm luân sanh tử không phải một điều đáng cho chúng ta dính mắc đáng cho chúng ta bám víu. Đúng ra khi nói đến tội của trầm luân khi nói đến lỗi của kiếp luân hồi chúng ta nghe như là một câu nói triết lý như một câu nói đạo đức nhưng nếu nghiệm lại tất cả cái không may, tất cả những cái đưa đẩy sơ xảy có thể xảy ra, tất cả cái phiền lụy của kiếp luân hồi thì bậc thiện trí không có gì để hoan hỉ ở trong cuộc sống luân hồi này.

Chúng tôi có lần thăm thành phố lớn ở Ấn Độ thành phố Calcutta một thành phố nổi tiếng ở các quốc gia Tây phương tại đó có dì phước Têrêsa. Nhưng thành phố từ số người đông đảo chật chội cho đến muôn ngàn cái dơ bẩn, phiền phức của trời nắng của bão lụt từ vịnh Bengal thổi vào và xe cộ chạy mất trật tự v.v... khiến cho thành phố này không có lấy gì hoan hỉ đối với bản thân chúng tôi khi ở đó 3 ngày. Chúng tôi có đến thăm các ngôi chùa có đi thăm một số các di tích cũ nhưng Calcutta không bao giờ là một thành phố chúng tôi thật sự ưa thích đến ở đó. Phải nói rằng một buổi sáng trong 3,4 tiếng đồ hồ chỉ đi bộ ngang tòa Thị Chính, ngoại trừ khu thương mại chính Calcutta còn những nơi khác có trăm ngàn thứ phiền lụy. Những lúc đi lang thang trong thành phố này chúng tôi lại tự nghĩ đến một việc một thành phố đã được loài người xây dựng với chừng đó công trình xem ra còn ít có phiền lụy hơn là kiếp luân hồi, một sự dong rủi đưa đẩy chúng ta thật sự không biết cái gì sẽ xảy ra cho đời sống của mình.

Đôi lúc nghe một bi kịch xảy ra cho người khác chúng ta khen, chê hay đánh giá hay phê bình, chúng ta nói rằng người đó tài người đó giỏi. Cụ Nguyễn Du có nói "Chữ tài cùng với chữ tai một vần, chữ tâm kia mới bằng ba tài". Cụ có nói cách gì đi nữa thì sự so sánh đó không có đáng không đủ để nói hết tất cả. Những gì thuộc về khả năng của chúng ta hết sức là nhỏ bé so với cái phiền lụy, so với cái bất trắc, so với những điều chúng ta không biết được không có tiên liệu được của kiếp người. Có thể trong một vai trò nào đó ở trong một cương vị nào đó chúng ta thấy khả năng của mình có thể di sơn đảo hải có thể an bày rất nhiều thứ của cuộc sống, nhưng chúng ta hãy nhìn lại kiếp người những quyết định quan trọng nhất của cuộc đời những khúc quanh của chúng ta những thứ đó đã đến từ sự sắp đặt liệu toan từ tài năng trí tuệ của mình hay là chỉ là sự đưa đẩy. Một trong những danh nhân được biết nhiều ở xã hội Tây Phương, ông Albert Einstein đã nói : "Nếu chúng ta làm 10 chuyện mà thành công 1 chuyện thất bại 9 chuyện kể là một chuyện đáng hoan hỉ lắm rồi". Xác xuất về luân hồi, cái gì nằm trong khả năng, nằm trong tài trí của mình thì ít mà cái gì nằm ở trong cái bất định nằm ở trong sự đưa đẩy dong rủi thì nhiều.

HT ở chùa Ngài thường nói một câu chúng tôi rất thấm thía: "Cái gì mình có được không phải tại mình khéo giữ mà tại vì người khác chưa muốn lấy. Cái gì mình bị mất không phải vì mình bất tài mà tại vì người khác khéo lấy mà thôi."

Thật ra, chúng ta có nhiều cách nghĩ cho dù nghĩ cách nào đi nữa chúng ta hãy nghe Tôn Giả Tissa nói, Ngài nhìn lại toàn bộ những bi kịch xảy ra trên tấm thân của Ngài, xảy ra trên giòng nghiệp lực hết sức nghiệt ngã của anh thợ kim hoàn, và xảy ra đối với toàn diện câu chuyện này thì không có ai để trách dầu là anh thợ kim hoàn, dầu là Tôn Giả Tissa, dầu là con ngỗng dầu là một đấng thiêng liêng nào đó, bi kịch thì nó bi kịch và khi bi kịch diễn ra thì chỉ có một điều nói tại cuộc sống không hoàn hảo, cuộc sống không có như ý và Ngài đã nói "Đó là lỗi của kiếp trầm luân"

Đức Phật tuy vậy trong một nhân sinh quan trong một cái nhìn Ngài nhìn từ con mắt của vị Giác Ngộ Ngài nói kệ ngôn:

Một số đi đầu thai
Kẻ ác sinh địa ngục
Người thiện sinh cõi phúc
Bậc vô lậu niết bàn

2. - Điểm thứ hai:

Trong đoạn đầu chúng ta nói đến sự bấp bênh vô định của đời sống, nói đến một cái gì hầu như chúng ta chỉ lấy mắt nhìn trong đôi tay nhỏ bé của mình không thể làm gì được. Nhưng ở đây Đức Phật Ngài có nói:

Một số đi đầu thai
Kẻ ác sinh địa ngục
Người thiện sinh cõi phúc
Bậc vô lậu niết bàn

Khi Đức Phật nói điều này Ngài nói lên một vị trí rất đặc biệt đó là vị trí của từng trình độ tâm linh, vị trí của những sở hành sai biệt, vị trí của người có tu và không có tu, vị trí của sự lựa chọn mà từ ở trong sự khác biệt nhìn thoáng qua thì rất nhỏ bé này nhưng lại đưa đẩy chúng ta đến nhiều vùng trời hoàn toàn khác biệt.

Thành phố St. Louis xây một cổng hình cầu vồng rất lớn, những vị kỹ sư cho biết khi họ cất một cổng hình cầu vồng như vậy từ bên này họ bắt đầu xây và bên kia họ cũng bắt đầu xây ở dưới đất chỉ chênh lệch nhau vài milimét thôi thì hai đoạn bên trái và bên phải không bao giờ gặp nhau được. Cái chênh lệch một vài milimét đó tương tự như ở trong một giây phút nào đó tâm tư của con người, người thợ kim hoàn có lý do để lo lắng, có lý do để hốt hoảng, có lý do để mất bình tỉnh, và có lý do để trở thành một con người hết sức tàn nhẫn. Bên cạnh đó chúng ta nhìn thấy hình ảnh của người vợ của người thợ kim hoàn nếu chồng mình bị rơi đầu cũng có thể mình bị rơi đầu, nếu viên ngọc bị mất thì gia đình nhà tan cửa nát, không phải chỉ có người thợ kim hoàn mới nhà tan mà người vợ người thợ kim hoàn cũng nhà tan của nát. Nhưng ở đây trong cái nóng nảy trong cái cuồng nộ trong cái lo sợ anh thợ kim hoàn đã làm một quyết định đáng tiếc cho anh và đáng tiếc cho Ngài Tissa và nó đã tạo lên một bi kịch. Người vợ mặc dầu không thay đổi được tình thế nhưng người vợ đã chạy theo năn nỉ khóc lóc khuyên ngăn hết lời, cũng sợ hãi, cũng đối diện với điều đó nhưng người vợ đã có lựa chọn khác, có lẽ là bà đã lựa chọn trong trực giác của người phụ nữ, bà đã lựa chọn trong một thái độ nặng về lòng tin hơn là lo sợ những tai họa sắp đến, bà đã có một sự lựa chọn hoàn toàn dựa trên thiện tâm của mình, cái nhỏ nhoi đó đã tạo một sự khác biệt và đã đưa hai người về hai cảnh giới khác nhau.

Một số đi đầu thai
Kẻ ác sinh địa ngục
Người thiện sinh cõi phúc
Bậc vô lậu niết bàn

Khi Đức Phật nói điều đó Ngài không nói bằng cái nhìn phán quyết, Ngài không phê bình kẻ này hay kẻ kia dở, Ngài chỉ nói là có một sự thật tương ứng giữa một tâm tư và cảnh giới đi tái sanh, Ngài chỉ nói đó là một điều tự nhiên của hành trạng của mỗi cá nhân, hành trạng của mỗi chúng sanh trong cuộc đời này, kiếp người là vậy và sự lựa chọn đó đã khiến cho đạo Phật hoàn toàn khác biệt với thuyết về định mệnh.

Người ta thường cho rằng Đạo Phật nhìn cuộc đời là khổ và người Phật tử thường nói đến nghiệp quá khứ là cái gì an bày cho tất cả. Nhưng trong câu kệ này chúng ta hãy đọc lại từng giòng và đem câu kệ này so với bi kịch đó chúng ta nhìn thấy Đức Phật cho chúng ta biết ở trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng phải nhìn thấy tâm thiện và tâm bất thiện khác biệt. Nếu gọi là đối diện với sợ hãi thì ai cũng đối diện với sợ hãi, nếu đối diện với hiểm nguy thì ai cũng đối diện với hiểm nguy, phải nói trong những trường hợp đó mới biết người có tu hay không có tu.

Người không tu khi gặp chuyện rủi ro để bảo vệ chính mình để có thể tìm ra một giải pháp, người đó có thể trở thành bất cứ một người nào khác và họ có thể quay lưng lại với tất cả. Trong trường hợp này anh thợ kim hoàn vì quá lo sợ chết, vì quá lo sợ hậu quả của việc mất viên ngọc đã quay lưng lại với một vị Thầy, với một người bạn khả kính, với một người mình đã trao gửi niềm tin trong suốt 12 năm trời.

Điều này không phải là một điều để trách. Nhưng nói sự lựa chọn lúc đó giống như chúng ta đang đi thi. Chúng ta phải đối diện với chính mình, thử xem đạo tâm, thiện tâm, sự hiểu biết, sự bình tỉnh, và một thái độ chấp nhận hậu quả có đủ làm cho chúng ta đứng vững trên đôi chân của mình hay chúng ta sẽ cuồng loạn lên. Và ở đó không có gì để phê phán là đúng, là sai, là hay, là dở, nhưng sự lựa chọn đó sẽ đưa chúng ta đi về một hướng mà hướng đó hoàn toàn khác biệt.


3. - Điểm thứ ba:

Bây giờ chúng ta đề cập đến câu chuyện này chúng ta lại nói đến một khía cạnh quan trọng khác của đạo Phật, khía cạnh đó là thái độ thưởng phạt không có chỗ đứng trong giáo lý của Đức Phật.

Có 2 tác phẩm đã ảnh hưởng lớn đến cái nhìn của người Phật tử VN và Phật tử Trung Hoa về phương diện nhân sinh quan đó là tác phẩm Hồi Dương Nhân Quả và Ngọc Lịch Minh Kính, hai tác phẩm này đã nói rất nhiều về sự việc một người chết đi người đó sanh vào địa ngục. Theo quan niệm của tác phẩm này thì tất cả mỗi người sau khi rời khỏi trần gian này đều phải đi vào cảnh giới địa ngục để nghe sự phán xét công tội của các vị phán quan của thập điện Diêm Vương. Phải nói rằng cho đến ngày hôm nay hầu hết các tôn giáo trừ Phật Giáo ra đều xem ngày phán xét cuối cùng, ngày phán xét tận thế, ngày mở Hội Long Hoa như chúng ta nghe nhiều trong bản sấm ký của miền Nam "khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm". Người ta nói đến ngày tận thế và ngày đó Thượng Đế sẽ luận công luận tội của mỗi cá nhân, sự luận công luận tội đôi khi không có chỗ đứng trong Đạo Phật.

Trong câu chuyện này chúng ta sẽ trách ai đây? Chúng ta có thể đem Ngài Tissa ra trách tại sao Ngài không lên tiếng, nếu Ngài lên tiếng thì con ngỗng chỉ bị giết thôi anh thợ kim hoàn sẽ không phạm ác nghiệp to lớn đó là xúc phạm đến Ngài. Chúng ta có thể trách anh thợ kim hoàn tại sao không bình tỉnh một chút đi tìm một ánh sáng nào khả dĩ mà lại quyết định vội vàng như vậy. Chúng ta có thể trách con ngỗng là đã tạo lên bi kịch đã tạo lên bao nhiêu hiểu lầm bao nhiêu cái phiền lụy cho chính thân của con ngỗng và cho Ngài Tissa kể cả cho người thợ kim hoàn.

Nhưng nếu xét đi xét lại tất cả đều do hoàn cảnh dung rủi và hoàn cảnh dung rủi đó được Ngài Tissa nói một cách cô đọng "Đó là lỗi của kiếp trầm luân". Ở trong kiếp trầm luân thì không có chuyện gì để phán xét công và tội, để lấy cây thước đo để nói rằng như thế này như thế khác.

Chúng tôi đã đọc rất nhiều bài viết về những bi kịch xảy ra tại quốc gia nghèo, lấy ví dụ là tại các vùng sơn cước những vùng rất nghèo miền thượng du đông bắc Thái Lan cha mẹ quá nghèo con thì đông không biết phải làm gì để cải thiện đời sống gia đình, họ bán những đứa con gái của mình vào những ổ mại dâm tại thành phố Bangkok. Người ta gặp những cô gái này, những cô gái này có thể có những hành động không lương hảo, người ta có thể khinh miệt những cô gái này, nhưng một số người nào đó đã cảm thấy những cô gái này chỉ là nạn nhân, họ trách gia đình tại sao cha mẹ lại nỡ vì đồng tiền mà đi bán con của mình, rồi người ta cũng trách chính quyền đã để việc đó xảy ra, rồi người ta cũng trách xã hội là xã hội đã dung túng đã để cho những người con gái vô tội đó phải hi sinh cả cuộc đời của mình để chỉ vì một ít đồng tiền, xã hội đã không làm một việc gì khả dĩ có thể thay đổi tình thế.

Nếu gọi là trách móc thì chúng ta có nhiều chuyện để trách móc nhưng khi nhìn vào toàn diện câu chuyện dù câu chuyện xảy ra bất cứ nơi nào chúng ta thấy đôi lúc chuyện phê phán là đúng, là sai, là hay, là dở, không phải là vấn đề, nó hoàn toàn không phải là vấn đề. Đức Phật trong một cái nhìn minh triết của bậc Giác Ngộ, trong cái nhìn của vị Toàn Giác Ngài đã không nói ai hay ai dở, Ngài chỉ nói có những cảnh giới tương xứng với hạnh nghiệp. Và lời nói như vậy đã quá đủ cho bất cứ chúng ta những ai lựa chọn thái độ của đời sống.

Chúng ta trôi dạt về đâu, đến nơi nào sống, trong hoàn cảnh nào đôi lúc không phải là vấn đề phê phán. Chúng ta phải hiểu do đâu chúng ta có mặt tại đó, và có mặt tại đó thì những quyết định của chúng ta lại đưa đẩy chúng ta đến một phương trời vô định khác. Điều quan trọng nhất, chúng ta hãy nhìn vào từng quyết định của mình hơn ngồi đó để thị phi, hơn ngồi đó để nói chuyện hơn thiệt. Những hơn thiệt những thị phi của đời sống đôi lúc hoàn toàn vô nghĩa kể cả một sự phán xét ở tại đây dù sự phán xét đó là phán xét của Thượng Đế hay sự phán xét của các vị phán quan ở trong địa ngục thì những sự phán xét đó cũng không nhằm gì hết. Phán xét điều gì khi chúng ta biết một cái gì xảy ra, như người Tây Phương từng nói hễ có một cái gì trục trặc thì toàn bộ máy trục trặc và toàn thể bộ máy trục trặc thì chỉ có việc cải thiện bộ máy chứ không có cách gì để người ta ngồi đó than thở vò đầu bức tóc chửi bới trỉ trích, nói như Ngài Tissa thì đó là "Lỗi của kiếp luân hồi".

Có nhiều ý nghĩa để học từ bài học này, một trong những ý nghĩa lớn là chúng ta có thể tìm thấy ngay cả một bậc đã giải thoát. Không lâu sau đó Tôn Giả Tissa Niết-bàn. Mặc dù người thợ kim hoàn rất hối hận khi tìm ra viên ngọc ở trong bụng con ngỗng đã khẩn khoảng thỉnh Ngài Tissa tiếp tục ở lại nhà để thọ trai, Ngài Tissa đã nhã nhặn từ tốn từ chối không phải vì Ngài giận, không có một chút bất mãn hờn giận nào trong lòng của một vị đã đoạn tận lậu hoặc, Ngài chỉ thấy một chuyện đó là đến những nơi không thích hợp có thể có những phiền lụy không cần thiết. Và Ngài đã lựa chọn một con đường ra đi thong dong như ngàn xưa Đức Phật đã dạy, ngàn xưa Chư Phật đã làm đó là mỗi buổi sáng đi chầm chậm từng nhà khất thực nếu có gì người ta cúng dường vào trong bình bát thì cảm ơn bằng sự im lặng tiếp tục ra đi, cả người cúng dường lẫn người thọ thí không có ai rảng buột ai, không có ai bị vương hệ lụy với ai và điều đó không làm cho ai phải buồn lòng. Thái độ lựa chọn của Ngài là một thái độ lựa chọn rất tự nhiên không phải vì buồn không phải vì phiền. Ít lâu sau đó Ngài đã viên tịch vì vết thương chí mạng vì bệnh hậu không thể tránh khỏi sau một cuộc tra tấn cực kỳ dã man.

Rất đau xót rất tội nghiệp cho câu chuyện này nhưng chúng tôi tin rằng nếu chúng ta xét kỹ thì tìm thấy ở trong đó cả 4 chúng sinh có liên hệ đó là Ngài Tissa, người thợ kim hoàn, người vợ của người thợ kim hoàn và con ngỗng cả 4 người đều chỉ là một sự dong rủi của kiếp trầm luân và ở trong đó nếu có điều gì được nói lên và nói một cách thích đáng một cách đẹp nhất thì câu nói đó phải là câu nói từ bậc Giác Ngộ.

Một số đi đầu thai
Kẻ ác sinh địa ngục
Người thiện sinh cõi phúc
Bậc vô lậu niết bàn


4. - Kết Luận

Trước một bi kịch như vậy điều duy nhất chúng ta được nghe Đức Phật dạy tại đây chúng sinh đến đi trong cuộc đời này là sự đi đến những cảnh giới thích hợp với những hạnh nghiệp mình đã tạo và những hạnh nghiệp đó là một thể hiện của một tâm và tâm đó có khéo tu hay không khéo tu, tâm đó có đủ khả năng để giúp cho mình đối diện với những nghịch cảnh, tâm tư đó có đủ khả năng để giúp cho mình không bị nao lòng, không bị nản trí, không bị thay đổi bản chất tốt đẹp của mình hay không thì đó là một điều mình phải tự trả lời cho mình không ai có thể trả lời cho mình được điều này.

Phải có rất nhiều thì giờ để chiêm nghiệm mới hiểu được nhân sinh quan của Đạo Phật. Đạo Phật dạy cho con người sống gần với tự nhiên và ở trong một mức độ tự nhiên nào đó của nghiệp lực của duyên nghiệp thì ở đó không còn là một sự vui buồn, không còn là sự phán quyết của thương của ghét, của vui của buồn nữa. Ở đó chúng ta chỉ nhìn thấy một điều ai sống hợp với lẽ đạo, ai sống hợp với tự nhiên người đó được sự an lạc. Nếu bất cứ ai nghĩ nghiệp báo bằng quan niệm riêng tư của mình, bằng cái nhìn vui buồn của mình người đó chưa thể nào nhận được lý nghiệp báo.

Giống như trong khu vườn của mình chúng ta không thể giận cỏ dại được, chúng ta không thể giận những cây tại sao mình chăm sóc nhiều nó không chịu lớn, cỏ dại mình không chăm sóc thì lại lớn mạnh. Hễ ở đâu có điều kiện tốt cho cỏ dại thì cỏ dại tăng trưởng, ở đâu có điều kiện tốt cho cây thì cây tăng trưởng. Thay vì giận những cây hoang cỏ dại, thay vì trách móc những cây mình trồng thì mình lên làm đúng, nếu mình đúng mình có thể đạt được những gì mình muốn.

Ngày nay người ta càng chú trọng đến khoa học tự nhiên người ta càng khám phá ra nhiều lãnh vực quan trọng. Ngày xưa có những người họ đã muốn cất cánh bay xa những người khác mỉa mai nói nếu Thượng Đế quả thật muốn con người bay được đã tạo cho con người cặp cánh. Câu nói đó hoàn toàn dựa trên triết lý dựa trên niềm tin và dựa trên cảm xúc của mình. Nhưng mà rồi, con người đã biết khai thác nền khoa học tự nhiên, nếu nền khoa học này tạo thành một điểm y cứ và trên đó người ta đã thành tựu được nhiều bước tiến quan trọng trong ngành khoa học kỹ thuật và đã thay đổi toàn bộ khuôn mặt của loài người trong trái đất này thì chúng ta thấy khoa học tự nhiên đó chỉ giới thiệu cho chúng ta một phần liên quan đến vật chất.

Nhưng điều Đạo Phật gọi là tự nhiên thì tự nhiên này bao gồm cả tâm lý, vật lý, cả danh pháp, sắc pháp, cả cái mình thấy được và cái mình không thấy được. Và cái tự nhiên đó có thể ở một phương diện nào đó giống như chữ "Đạo" trong triết lý của Lão Trang, chữ "Đạo" trong triết lý, trong những tác phẩm của kinh Vệ Đà. Chúng ta cũng nghe nói đến cái tự nhiên nó là bất cứ một phương diện gì liên quan đến cái không dự phần của vui của buồn, của cái không dự phần vào tâm muốn thống trị, tâm muốn chi phối, tâm muốn làm chủ của con người.

Nhưng mà, mỉa mai thay cho chúng ta khi chúng ta muốn làm một điều gì đó thì ý muốn là một yếu tố, và tánh chất tự nhiên của hoàn cảnh, tự nhiên của cuộc sống nó lại là một yếu tố khác.

Chỉ cho đến khi nào ý muốn đó thuận hợp với lẽ tự nhiên thì cái đó mới dẫn chúng ta đến được mục tiêu chúng ta mong muốn.

Ở đây, Đức Phật Ngài đã dạy một câu kệ mới nghe dường như chỉ là một câu trả lời về cảnh giới thọ sanh. Nhưng trong câu trả lời đó cho chúng ta thấy chúng sanh đến đi trong cuộc đời này theo hạnh nghiệp của mình và hạnh nghiệp đó dựa trên một chủ tâm tạo tác và chủ tâm tạo tác là cái quyết định hoàn toàn. Chúng ta có quyền lựa chọn mặc dù trong một hoàn cảnh hầu như không có quyền lựa chọn anh thợ kim hoàn và người vợ của anh hai người đều đối diện với một hoàn cảnh, hoàn cảnh của lo sợ hoặc hoàn cảnh của bối rối nhưng hai người đã có 2 sự lựa chọn hoàn toàn khác nhau. Vì vậy đã đưa họ về 2 phương trời hoàn toàn khác biệt./.

Monday 11 July 2016

Kệ ngôn 117 - Tích Ác, Thì Tất Khổ - TT Giác Đẳng giảng

Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 117 

Tích ác, thì tất khổ

Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Giác Đẳng 

Ðã phạm phải điều ác,
Chớ tiếp tục phạm hoài,
Ðừng ham làm việc ác,
Tích ác, khổ dằng dai






.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali
Paapa.m ce puriso kayiraa
 na ta.m kayiraa punappuna.m
Na tamhi chanda.m kayiraatha
 dukkho paapassa uccayo.

Minh Hạnh chuyển biên:

TT Giác Đẳng: Hôm nay chúng ta sẽ thảo luận kệ ngôn 117, phẩm ác hạnh. Có lẽ khi đi qua phẩm này chúng ta dễ dàng nhận thấy chữ ác hạnh ở đây Đức Phật Ngài đã đề cập đến với rất nhiều ý nghĩa. Có thể một hành động đối với người khác không mang lại tai hại cho bất cứ ai nhưng riêng tự thân thì làm tổn hại bản thân của mình, đánh mất lợi ích của mình, Đức Phật Ngài cũng gọi những bất thiện pháp đó là ác.

Phải nói rằng ác nghiệp là một phần hết sức dễ nhận ra trong đời sống của chúng ta, chúng ta không thể nói anh A xấu anh B tốt, vì vậy giữa anh A và anh B hai vấn đề nên thảo luận riêng biệt với nhau. Khi đi qua những câu Phật ngôn ở đây chúng ta dễ dàng nhận thấy đối với Đức Phật thì mỗi chúng ta đều có khả năng rất lớn trong việc trở thành một người tốt và đồng thời chúng ta có một khả năng rất lớn trong việc trở thành một người xấu. Là một người phàm dĩ nhiên một chúng sanh sống trong cuộc đời này chúng ta không thể quên rằng những phiền não trong nội tâm chúng ta rất có thể dễ dàng bộc phát đến độ nó có thể đánh mất đi tất cả những lợi lạc, Đức Phật Ngài dùng chữ "tự đào bới lấy gốc của mình".

Trong bài kệ 117, trước nhất chúng ta thấy có 3 điểm rất nổi bậc:

1. Điểm đầu tiên, Đức Phật Ngài đề cập đến những phiền não như một phần chúng ta phải để ý ở trong đời sống tu tập của mình và đặc biệt hết sức để ý.
2. Điểm thứ hai, bài kệ này mang tánh cách một lời kêu gọi, một lời nhắc bảo.
3. Điểm thứ ba, nhắc tới tại đây chúng ta sẽ có dịp nhìn sơ qua về một số bản chất phiền não của tội lỗi ở trong mỗi chúng ta.

Có thể nói hình ảnh thầy Tỳ Kheo Seyyasaka cũng là hình ảnh của đa số chúng ta sống trong cuộc đời này, mình cố gắng làm chuyện gì đó rất tốt và mình cố gắng giữ một cái gì đó rất hoàn hảo, một khi nó đã không tốt, một khi nó không hoàn hảo nữa thì chúng ta buông tay bỏ cuộc và chúng ta không còn thiết đến chuyện làm sao để giữ cho nó tốt đẹp nữa, chính vì vậy chúng ta buông suôi, chẳng những buông suôi mà chúng ta đánh mất đi sự phấn đấu của mình, chúng ta đánh mất đi căn bản ban đầu mình đã có chủ tâm theo đuổi bởi vì mình thấy công việc không có thành tựu.

Chúng tôi nhớ hồi còn nhỏ khi ở nhà với thân sinh của chúng tôi, Người dạy chúng tôi chuốt những cây chỉ, thợ mộc thường có cây chỉ nhỏ giống như những cây nẹp để đóng kiếng, mỗi lần chuốt hai góc vuông phẳng và hai góc kia phải tròn, khi chuốt một cây chỉ phải làm sao cho đều tròn. Bởi vì hồi còn nhỏ chúng tôi luôn luôn với tinh thần hiếu thắng là muốn chuốt như thế nào để cho một cây nẹp chỉ hoàn hảo nhưng khi đã lỡ tay làm sướt gỗ hay lỡ tay bào quá sâu hay chuốt không đều tự nhiên không còn muốn đụng tới cây chỉ đó nữa mà chỉ muốn làm nó hỏng thêm thôi. Có lẽ đặc tính đời sống con người hễ một bước sa chân chúng ta lại tiếp tục và tiếp tục sa chân nữa cuối cùng chúng ta buông mình theo hướng đi trôi dạt.

Việc này không chỉ xảy ra đối với bản thân của chúng ta mà vốn xảy ra trong mọi lãnh vực đời sống mình từ nghề nghiệp cho đến học thuật cho đến tôn giáo cho đến quan niệm về cách ăn ở hàng ngày.

Một lần Đức Phật Ngài dùng hình ảnh trong kinh Ngài dạy các thầy Tỳ Kheo vào chùa tu tập nên giữ tâm niệm giống như nàng dâu mới về nhà chồng nghĩa là lúc nào cũng cẩn thận lúc nào cũng cân nhắc nhưng đừng để tâm tư của mình giống như nàng dâu ở trong nhà chồng quá lâu rồi lờn, khi mình không còn là một người mới nữa và đã quen dần rồi đâm ra lờn. Tâm tư của chúng ta cũng vậy rất dễ dàng để chúng ta buông ra. Có nhiều người trong cuộc đời này ở một cương vị nào đó người ta có thể gìn giữ lấy, ví dụ như người ta đề cập đến một số phụ nữ khi lớn lên lúc nào cũng chau chuốt nhưng khi có gia đình rồi lâu ngày không còn tha thiết đến đời sống không còn phải tự chưng diện chính mình nữa lúc đó chỉ còn thái độ buông tay. Hoặc giả chúng ta xem những câu chuyện kể những người sống trong giang hồ mới vừa dấn thân vào giang hồ còn gìn giữ được đạo nghĩa nhưng khi đã lỡ phạm lầm lỗi rồi thì thường lầm lỗi này dẫn chúng ta đến lầm lỗi khác.

Trong bài kinh Khởi Thế Nhân Bổn, Đức Phật Ngài đưa ra một hiện tượng về xã hội, hiện tượng này cho chúng ta thấy một việc rất rõ là một khi xã hội đã có khuynh hướng bị chi phối bởi phiền não, bởi những ác quấy, những ác hạnh rồi thì những ác hạnh này lại kéo theo những ác hạnh khác và dần dà ở trong xã hội đầy dẫy loạn lạc nhân tâm ly tán.

Đức Phật dạy: "Ở đâu có đao trượng thì ở đó có sát sinh. Sát sinh sanh khởi thì trộm cắp sanh khởi thì nhiều thứ khác cũng sanh khởi". Nó là thế cờ domino nghĩa là cái này sụp đổ thì cái kia cũng sụp đổ. Hiện tượng xã hội, hiện tượng tâm lý và bất cứ việc gì phạm tội chúng ta được biết trong xã hội này chung qui có thể hết 50% cơ sở nằm lên trên điều chúng ta đang nói ở đây. Bởi vì tâm trạng Tỳ Kheo Seyyasaka là một vị khi vào tu thì mong mỏi đời sống của mình hoàn hảo một đời sống hoàn thiện, và khi mình đã làm điều lầm lỗi rồi thì cảm nhận thất vọng với chính mình, bất mãn với chính mình, và trong sự thất vọng bất mãn đó thì nghĩ rằng mình có làm gì đi nữa mình cũng không hoàn hảo được, mình có làm gì đi nữa  mình cũng vậy thôi và mình tiếp tục lầm lỗi.

Đây là tâm trạng đã dẫn con người đi từ sai lầm này sang sai lầm khác, đi từ đọa lạc này sang đọa lạc khác. Lời dạy của Đức Phật như một lời kêu gọi và lời kêu gọi này không phải là một lời kêu gọi đơn thuần mà là một sự cảnh tỉnh lay động rất lớn.

Ở đây trong bài kệ, chữ punappuna.m là một sự lập đi lập lại, chúng ta thường gọi là ngựa quen đường cũ.

Lập đi lập lại là một khi chúng ta làm một điều sai lầm thì điều lầm đó không phải chỉ để hậu quả trực tiếp như chúng ta nói sát sanh thì bị chết yểu hoặc giả trộm cắp thì bị mất của, những quả báo đó thấy lớn nhưng thật sự nó không lớn so với những thói quen mà nó tạo nên.

Tại vì đơn giản là mỗi chúng ta đều có một ngã tính riêng của mình và khi mình làm việc gì sai lầm thì thông thường chúng ta phải tìm một cái gì đó để biện hộ và ít nhất cho mình cảm thấy yên lòng không mặc cảm về điều này và sự vuốt ve xoa dịu đó lâu ngày cho chúng ta một thứ dễ chịu giả tạo, do sự giả tạo này lập đi lập lại một trạng thái có khuynh hướng dễ dàng để chúng ta lập đi lập lại.

Chúng ta tự hỏi tại sao một việc xấu con người dễ lập đi lập lại hơn một việc thiện?

Sự lập đi lập lại của việc xấu ở đây Đức Phật dùng chữ punappuna.m là cảm giác để cố gắng xoa dịu bản ngã của mình.

Quí vị cứ tưởng tượng như một ngày nào đó chúng ta bỗng dưng quên mình nói một câu lỡ lời làm ai đó buồn lòng và khi trở về chúng ta thường có thói quen nói đi nói lại điều đó trong lòng mình. Nói đi nói lại để làm gì? Để tự tìm xem có một phần nào, một chỗ nào mình có thể nghĩ có lý do chánh đáng để mình nói vậy hay không. Thái độ tự biện hộ và thái độ tự vuốt ve bản ngã, tự cứu vớt mặc cảm của mình là nguyên nhân khiến cho rất nhiều tội ác lập đi lập lại. Và một điều còn tệ hại hơn nữa về phương diện tâm lý là nhiều lúc trong sự cố gắng biện minh cho chính mình thì mình tìm thấy được một ý nghĩa mới và ý nghĩa mới làm chúng ta ưa thích cảm thấy việc làm đó có lý. Đối với Đức Phật Ngài rất đơn giản, Ngài khuyên đừng ưa thích những chuyện đó như vậy nữa vì chứa ác thì tất khổ.

Chứa ác tích khổ ở đây là một câu nói tuy rất gọn nhưng Đức Phật Ngài nói một cách rất cô đọng, rất xúc tích:

- Dukkho paapassa uccayo - Tích ác, thì tất khổ

Những ai chất chứa những bất thiện tâm thì điều đó mang lại đau khổ, cho dù có lý một ngàn phần, cho dù chúng ta có thể biện minh cách nào đi nữa nhưng chứa ác thì tích khổ.

Chúng ta lấy một ví dụ, ở trong người chúng ta có những độc tố, chúng ta có thể đem những độc tố đó vào trong người và bởi vì nhiều lý do nhưng hễ chứa những độc tố thì những độc tố đó có cơ hội phát tán được.

Cái nhìn của bậc thiện trí thì chuyện đó rất dứt khoát: biết rõ cái gì hại và cái gì lợi. Còn chúng ta thì đi vòng quanh nó, chúng ta cố gắng tìm một lý do chánh đáng để giải thích, và cho dù lời nói chính đáng của chúng ta có giải thích đến đâu đi nữa thì bất thiện pháp cũng là bất thiện pháp thôi. Tâm tư của bậc Thánh tuy giản dị mà thâm sâu, tâm tư phàm phu của chúng ta tuy phức tạp mà nó nông cạn. Cái nhìn của bậc Thánh là cái nhìn rất thẳng rất thực, các Ngài nhìn vấn đề trực diện với vấn đề và khi các Ngài đối diện đề cập đến vấn đề thì không quanh co như chúng ta. Bởi vì các Ngài không có bản ngã để tự biện hộ, còn đối với chúng ta thì thường là chúng ta đi từ lầm lỗi này sang lầm lỗi khác.

Một lúc nào đó chúng ta thử xem một cuốn phim nói về những lầm lỗi của con người, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy những nhân vật ở trong phim vì một chút tham gia tài đã có những mưu đồ, và thường thường nó đi từ lầm lỗi này sang lầm lỗi khác thậm chí có thể giết cha giết mẹ của mình, thậm chí có thể dấn thân vào việc phi pháp và cuối cùng khi phải đối diện với sự thật thì thấy những quyết định của mình là những quyết định sai lầm hàng loạt. Và chúng ta không bao giờ thấy được như vậy.

- Tại sao bậc thiện trí sống trong lòng thanh thản ? Tại vì bậc thiện trí làm thiện.

- Tại sao người ác họ sống không được thanh thản ? Tại vì người ác họ phải tìm lời nói để biện hộ cho hành động chính mình và họ phải có lý do để chứng minh những việc làm đó có lý. Và bởi vì để chứng minh việc làm đó có lý do đó họ cố gắng để lập đi lập lại một việc làm mà đáng lẽ họ phải chấm dứt từ ban đầu.

Người Việt Nam chúng ta có nhiều câu nói về việc này. Như "bàn tay đã nhúng chàm" hay "lỡ bước xa chân". Những thành ngữ đó nói cho chúng ta thấy một sự việc hễ chúng ta đã bắt đầu lầm lỡ bước vào những ác nghiệp thì rất khó để có thể quay đầu trở lại bởi vì bản ngã, bởi vì sự phê phán của xã hội, bởi vì tự bảo vệ lấy chính mình trước những đòn phép thù hận của bên này bên kia và do vậy chúng ta tiếp tục và tiếp tục.

Nên chi Đức Phật Ngài dùng chữ punappuna.m ở đây. Và chúng ta hỏi tại sao Đức Phật lại dùng chữ chanda.m (Na tamhi chanda.m kayiraatha) chữ chanda.m ở đây nghĩa là ưa thích là ham muốn.

Đã làm lỗi thì có gì mà ưa thích, nhưng khuynh hướng ưa thích ở đây là một khuynh hướng để xoa dịu tự ngã của mình và khi tự ngã được xoa dịu chúng ta cũng tìm thấy một vị ngọt, cái ngọt ngào đó có thể là vị ngọt của ly rượu độc nhưng người ta vẫn thích vị ngọt ngào đó. Bởi vì vậy nên ở trong thế gian này đôi lúc ở trong một cơn hận thù, trong lúc một cơn cuồng nộ người ta cũng tìm thấy một cái gì rất hả hê, một cái gì rất thỏa mãn. Nhưng cái hả hê thỏa mãn đó nó chỉ nói lên sự lầm lẫn này tiếp nối qua lầm lẫn khác mà thôi.

Có thể nói một khuynh hướng giúp cho chúng ta đạt được nhiều lợi ích ở trong việc thực hành, đạo Phật gọi là Sacca pāramī-chân thật balamật.

Chân thật balamat ở đây nói lên một thái độ rất thành thật để nhận cái gì trắng là trắng, cái gì đen là đen, cái gì vui là vui, cái gì khổ là khổ. Có thể chúng ta không hoàn hảo nhưng chúng ta cứ nhận mình không hoàn hảo thì việc đó sẽ đỡ cho chúng ta rất nhiều. Vì vậy chúng ta cần đến chánh pháp, cần đến một sự soi sáng.

Thật ra, chúng ta cũng cần phải nhắc chính mình một điều là con người của chúng ta rất dễ dàng để xử dụng bất cứ thứ gì có thể xử dụng được ở trong khẩu tài, ở trong ngôn ngữ, ở trong quan niệm cuộc sống. Để làm gì? Để che dấu ác nghiệp của chính mình, một bản chất mà thật ra trong kinh nói có một vị Tu Đà Hườn một vị Thánh Sơ Quả các Ngài không còn có những hành vi khuất lấp nữa, còn đa số chúng ta khi còn thân kiến chúng ta vẫn còn có thái độ như vậy, vì vậy mới sanh ra những chuyện như giải thích Phật Pháp một cách tùy tiện, hễ cái nào mình thích thì mình cho cái đó là nhất, còn cái nào mình không thích thì mình né tránh đi, nhưng chúng ta quên rằng thái độ thành thật giúp cho chúng ta một phần và một phần nữa chính sự khách quan của Phật Pháp giúp cho chúng ta lay tỉnh cơn mê của mình. Cứ tưởng tượng một lúc nào đó chúng ta không còn tự chủ nữa, một lúc nào đó chúng ta dấn thân vào một cuộc phiêu lưu thì không biết trong cuộc phiêu lưu đó ai là người sẽ nhắc nhở cho chúng ta ngoài sự thành thật với chính mình, ngoài chánh pháp soi sáng cho mình.

Có nhiều người nói rằng Đức Phật là một người rất pragmatic, là một người theo chủ nghĩa thực dụng, chúng tôi không biết chữ đó dùng có chính xác hay không bởi vì nó là một điều cần bàn đến cho rõ ràng, con người mà nói chuyện bằng nhãn hiệu rất dễ sai lầm rất dễ dẫn đến lý luận điên rồ. Nhưng chúng ta biết một điều rằng Đức Phật Ngài khuyên chúng ta nên tỉnh táo nhìn vấn đề một cách rất trực tiếp, trực tiếp đến nỗi chúng ta không nhất thiết phải dùng nhiều danh từ hoa mỹ, dùng nhiều hý luận của ngôn từ để nói quá nhiều về một điểm. Trong lúc đó thì rất cần thiết chỉ đơn giản một việc nhỏ là chúng ta mở mắt ra thì thấy rõ rằng "chứa ác tất khổ". Nếu chúng ta phạm một lầm lỗi gì đó và từ đó mình cố gắng để có một giải pháp mình phải tự hỏi rằng sau giải pháp đó mình có lớn mạnh trong thiện pháp, sau giải pháp đó mình có cảm thấy mình được trưởng dưỡng trong điều kiện khác hay không? Hay chúng ta cứ tiếp tục lao theo nó, giống như một người phóng lao thì phải theo lao, hay một người cưỡi lưng cọp, đa số chúng ta hễ lầm rồi dẫn đến lở, chúng ta tiếp tục sa chân chứ chúng ta ít có dịp để quay đầu trở lại.

Nên chi câu kệ ngôn này như một lời nói rất thân thiết, Đức Phật Ngài nhắc chúng ta như trong rất nhiều bài kinh, những bài kinh chúng ta đọc như bài kinh Khởi Thế Nhân Bổn chẳng hạn, những bài kinh đó tuy được giảng vào thời kỳ con người chưa dạy môn phạm tội học ở trong trường học của loài người nhưng bài kinh đó nói cho chúng ta rất rõ về tình tự của xã hội, ở trong một xã hội khi con người đã tạo ra một số lầm lẫn này hay một số phiền lụy kia thì nó dẫn ra hàng loạt hết cái này tới cái khác, và chỉ có bậc thiện trí mới đứng ra ngoài điều đó mới tỉnh táo thấy rằng đã đi quá xa là lúc nên dừng lại, phải dừng lại ở điểm nào đó ít nhất cho phép chúng ta trở mình, cho phép chúng ta tìm về một con đường sáng sủa hơn.

Bài kệ 117 qua duyên sự và qua ý nghĩa bài kệ một lần nữa Đức Phật nhắc đến một góc cạnh bóng tối của mỗi người chúng ta trong cuộc sống, bóng tối là có một cái gì đó giữ lại cho dù chúng ta muốn hay không muốn, cho dù vì hoàn cảnh bên ngoài hay bởi vì bất cứ lý do sâu thẳm nào đó, chúng ta hãy làm một việc là chấm dứt một cách đơn giản như câu nói Đức Phật dạy "chứa ác tất khổ". Phải có một kết luận thẳng thừng như vậy, trong kết luận thẳng thừng mới đủ giúp chúng ta vượt lên trên cái gì chúng ta đang bị vướng vấp vào.

Hầu như ở trong cuộc sống chúng ta dành 1/5 thì giờ để có những quyết định quan trọng và 4/5 thì giờ để biện hộ cho những quyết định của mình. Khi chúng ta đã làm thiện chúng ta không cần phải biện hộ như vậy, một người làm thiện để có được niềm vui thấm nhuần ở trong thân tâm của mình, một người có trí thì không cần phải nhiều lời. Đức Phật Ngài dạy: "Hễ nước sâu thì nó chảy rất nhẹ nhàng mà hễ nước cạn thì ồn ào, thùng rỗng thì kêu to". Con người chúng ta sống trong cuộc đời này chính những cái gì mà người ta dương cờ gióng trống người ta ầm ĩ hô hào bằng bao nhiêu nhãn hiệu danh từ hoa mỹ những thứ đó chúng ta phải coi chừng tại vì nếu nó đã thật sự tốt thì người ta không cần phải như vậy.

Chính bản thân của chúng ta cũng vậy. Do vậy đừng nói trong bản năng của mình trong trực giác của mình cái gì mình tốt mình biết nó tốt, cái gì mình xấu mình biết nó xấu và khi đã biết nó tốt đã biết nó xấu thì chúng ta có thái độ thích hợp. Đừng ngây thơ mà tin tưởng như vậy. Bởi vì ở trong xã hội loài người thông thường những cái tệ nhất những cái xấu nhứt thì những cái đó người ta ầm ĩ cổ võ nhiều nhất.

Tại sao người ta cổ võ ầm ĩ nhiều nhất? Bởi vì người ta vẫn chưa bao giờ cảm thấy tự an ổn lấy chính mình, làm sao có thể an ổn được khi một cái chủ nghĩa khi mà một quan niệm, khi mà thái độ sống mà lầm lẫn thì nó không bao giờ an ổn được do đó người ta phải dùng bao nhiêu danh từ bao nhiêu thứ để tô hồng chuốt lục tô điểm cho nó. Không may cho chúng ta chuyện đó không phải là chuyện của người mà chính là chuyện của mỗi chúng ta.

Vì vậy chúng ta phải có một thái độ như ở tại đây Đức Phật Ngài dạy một thái độ rất đơn giản như "tích ác tất khổ". Trong thái độ đó cho phép chúng ta nhìn mọi vấn đề một cách rõ nét một cách thẳng thắng và trong cái thẳng thắng đó mọi thứ đối với chúng ta hiện ra trước mắt không có lầm lẫn không làm cho chúng ta bị bối rối.

Thật ra sự lầm lỗi nó không phải là một điều quá tệ để dìm chúng ta xuống bùn nhưng chính vì một sự cố gắng để biện hộ cho những lầm lỗi đó nó là cái gì đẩy chúng ta đi xa đến đỗi bản thân của mình và những người chung quanh mình không ai có thể cứu vớt lấy chính mình.

Nên chi, đức tánh thành thật chúng ta nói đến chân thật balamat, chúng ta muốn nói đến một thái độ phát lộ thành thật ở trong đời sống này để làm cho chúng ta sớm chấm dứt được những phiền lụy do chính mình tạo nên.

Trong bài kinh này Đức Phật Ngài dạy nhân thầy tỳ kheo Seyyasaka đã phạm lỗi và trong sự phạm lỗi này lại sanh tâm phiền não bất mãn, cái bất mãn này là một điều rất dễ hiểu tâm trạng của vị đó như tâm trạng của chúng ta, chúng ta muốn bộ đồ của mình là bộ đồ trắng trẻo hoàn toàn không có một vết bẩn nào nhưng mà rồi khi chúng ta đã đi vào một con đường lầy lội và lỡ có một vài vết bẩn vấy lên áo chúng ta rồi thì chúng ta buông tay phó mặc. Và đa phần những gì chúng ta đi quá xa là những lầm lỗi to lớn chúng ta vướng vào ngay ban đầu nếu chúng ta sớm biết nếu chúng ta sớm chấm dứt thì không đến đỗi như vậy, phần lớn bởi vì chúng ta không tìm thấy được ánh sáng mà chúng ta chỉ chạy theo khuynh hướng vuốt ve tự ái làm sao để cứu vãng mặc cảm của mình mà thôi.

Bởi vậy chúng ta cần đến chánh pháp, bởi vậy chúng ta cần đến bậc đạo sư, đến một tiếng nói thứ ba, phải có tiếng nói khác hơn là tự thân của mình, hơn là những người nào chỉ có vuốt ve tâng bốc mình, mà có những lúc nào đó chánh pháp phải là ngọn đèn để soi sáng cho những gì ở trong đời sống của mình cho dù mình thích hay không thích. Không có thời đại nào tệ hại như thời đại ngày hôm nay khi con người chạy theo chủ nghĩa tiêu thụ. Nền tảng của chủ nghĩa tiêu thụ là gì đó thỏa mãn được thị hiếu của con người.

Đạo giáo cũng vậy và triết học tư tưởng cũng vậy, những sản phẩm nào được giới thiệu vào xã hội loài người những sản phầm đó thường làm sao để đẹp lòng người. Không may cho chúng ta những cái gì mà có chủ tâm để mê hoặc chúng ta, để làm đẹp chúng ta thường đó là không lợi cho mình. Chúng ta đã quên đi rất nhiều rằng có đôi khi bậc thiện trí phải đứng lên trong cái bước đi chập chững của chính mình và té xuống rất đau chứ không phải là không đau. Có đôi lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào tấm gương để nhìn thấy khuôn mặc của mình, chúng ta nhìn vào bàn tay để nhìn thấy những vết sần sùi của chính mình, những điều đó nó không đẹp những điều đó nó làm cho chúng ta thấy cuộc sống không có hoàn hảo, chúng ta có mặc cảm là nó không xứng đáng nhưng mà rồi điều đó lại tốt cho chúng ta; "Thuốc hay thì dã tật". Vì vậy người ta đã nói rất nhiều về sự thỏa hiệp của thiện và ác trong cuộc đời này nhưng người ta quên đi mục đích của chánh pháp không phải là một sự thỏa hiệp để mong cầu được một chỗ đứng trong xã hội.

Đức Phật Ngài không xá gì với cái danh và cái lợi của cuộc đời, và Ngài cũng không màn đến việc có bao nhiêu người theo Ngài, cái con số đông của quần chúng không phải là điều Đức Phật tha thiết, điều đó chúng ta phải nói thẳng và nói thực như vậy. Đối với Đức Phật một người vinh danh Ngài, hay một trăm người vinh danh Ngài, hay một ngàn người vinh danh Ngài không có cần thiết. Điều cần thiết Ngài muốn cho chúng ta biết đó là chúng ta có thật sự được trưởng thành trong thiện pháp, chúng ta có thật sự tỉnh táo ở trong cuộc sống mê mờ này, chúng ta có thật sự tìm được phương lương dược chữa trị căn bệnh của chúng ta hay không chứ không phải là những điệu ru, và những điệu ru đó làm cho chúng ta cảm thấy hài lòng mãn ý. Chính vì vậy tư cách khách quan của chánh pháp cần được tôn trọng, vị trí khách quan của chánh pháp cần được có để nhắc nhở chúng ta trong trường hợp như vậy.

Ở đây, chúng ta đọc lại kỹ câu số 3, Đức Phật Ngài dùng chữ không đơn giản "Na tamhi chanda.m kayiraatha" Ngài dùng chữ "chanda.m" tức là ưa thích điều ác.

Nghe một người nào nói với chúng ta ưa thích điều bất thiện ưa thích ác nghiệp chúng ta giẫy nảy lên và phản đối ầm ĩ rằng đã nói bất thiện đã nói là ác có cái gì để ưa thích. Nhưng phải nói chúng ta sẽ ưa thích nó nếu những điều bất thiện đó đánh bóng được bản ngã của mình, nếu những điều bất thiện đó nó vuốt ve mơn trớn cho chúng ta được cảm giác dễ chịu thấy rằng mình cũng không đến nỗi tệ lắm, việc đó nó cũng tốt, và nó thế này thế khác. Có trăm ngàn muôn cách, có trăm ngàn ngôn ngữ biện minh nó làm cho chúng ta ưa thích một việc mà chúng ta hoàn toàn không nên ưa thích.

Về điểm này, chúng tôi phải nói một lần nữa câu chuyện này cũng như bao nhiêu câu chuyện khác trong kinh Pháp Cú Đức Phật Ngài giảng chúng ta không nên nghĩ Đức Phật Ngài đang nói cho nhân vật ở trong câu chuyện hay Ngài nói cho một ai đó không phải là Phật tử, mà những lời này Đức Phật Ngài dạy sự soi sáng của Ngài cho tất cả mọi chúng ta. Chúng ta có thể có ít hoặc có nhiều, chúng ta có thể không có tâm chán nản bất mãn như vị tỳ kheo ở trong duyên sự đề cập nhưng chúng ta cũng có thể có những cái nhìn tương tự ở trong những hoàn cảnh tương tự, những lời dạy này của Đức Phật là những lời dạy cho chúng ta một cái nhìn mới một cái nhìn khác và phải coi chừng lấy chính mình.

Chúng tôi xin dứt bài kệ này ở đây. Thật ra ý nghĩa bài kệ này rất quan trọng, ý nghĩa này đây là mạch văn kêu gọi nhưng về phương diện Phạn ngữ từ ngữ thì không có nhiều từ ngữ đặc biệt tuy nhiên có nhiều chữ rất thú vị như chữ "punappuna.m" nghĩa là lập đi lập lại, chúng ta nhớ đến thí dụ Ngài Ajahn chaa thường gọi là "giống như con kiến bò chung quanh miệng chén". Tại sao con người thích nhai đi nhai lại giống nhu bò nhai cỏ? Tại vì có thể một cái gì đó không làm chúng ta thỏa mãn nên nó mới làm chúng ta phải nhai đi nhai lại giống như con bò nhai cỏ, punappuna.m, hay là con kiến bò chung quanh miệng chén./.