Saturday 28 May 2016

Kệ ngôn 113 - Pháp Nhãn Tối Thượng - TT Giác Đẳng

Psychotheraphy, Meditation
Kệ Ngôn 113 
Pháp Nhãn Tối Thượng


Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Giác Đẳng 

Sống trọn kiếp trăm năm
Không thấy pháp sanh diệt
Chẳng bằng chỉ một ngày
Lẽ vô thường thấu triệt






.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali
Yo ce vassasata.m jiive
apassa.m udayavyaya.m
Ekaaha.m jiivita.m seyyo
passato udayavyaya.m


Minh Hạnh chuyển biên:

Kệ ngôn 113 kinh Pháp Cú một câu kệ rất quen thuộc trong cách trình bày của phẩm Muôn Ngàn mà chúng ta được nghe Đức Phật làm một sự so sánh. Và đồng thời bên cạnh đó chúng ta lại nghe một câu chuyện rất quen thuộc khác đã trở thành một trong những tiền đề hết sức tiêu biểu cho truyền thống tu tập của Đạo Phật. Câu chuyện nói lên một người nhờ vào chánh pháp vượt qua nỗi trầm luân khổ ải của bản thân mình, câu chuyện nói đến một con người bị dìm xuống vì sự đau khổ vật vã và đã dùng đau khổ làm điểm tựa để đứng dậy bước tới và thành tựu tuệ giác nhờ thấu triển được sự đau khổ.

Có lẽ không có một cái gì khiến cho người ta dễ suy nghĩ về đạo Phật bằng hình ảnh Đạo Phật cứu khổ. Cứu khổ ở đây trong nhiều phương diện nhưng phương diện quan trọng nhất là đề cập đến đời sống tâm lý một người có thể tìm thấy ánh sáng của tuệ giác, có thể tìm thấy một cái nhìn mới xuyên qua sự bình tỉnh để phản tỉnh về nỗi đau khổ riêng của mình.

Trong câu chuyện này một lần nữa chúng ta nghe về một con người rất đáng thương. Thật ra, bởi vì xảy ra dồn dập nhiều thứ thì trở nên rất đáng thương, nhưng thân phận của người này cũng có thể là thân phận của nhiều người trong chúng ta chỉ khác nhau là một lúc trong một thời gian rất ngắn thiếu phụ Patàcàrà đã phải nhận chịu rất nhiều tang thương của đời sống.

Patàcàrà xuất thân từ một tiểu thư đài các con nhà giàu đem lòng thương yêu một thanh niên làm công trong nhà. Bất chấp sự phản đối của cha mẹ nàng quyết định sẽ sống trọn cuộc đời với chàng thanh niên này và dĩ nhiên cha mẹ cực lực phản đối họ đã dắt dìu nhau ra đi. Ra đi bởi vì thuần một động lực là chạy theo tiếng gọi của trái tim, cuối cùng họ cũng tìm thấy một nơi để xây dựng tổ ấm cho hai người.

Nhưng rồi năm dài tháng rộng đặc biệt lúc nàng mang thai, chúng ta được nghe rất nhiều những phong tục của Ấn Độ thời xưa và của một vài quốc gia ở vùng Trung Ấn có phong tục hễ mỗi khi người con gái có thai thì về quê mẹ để sanh nở. Patàcàrà cũng chạnh lòng một phần vì nhớ gia đình một phần vì nghĩ đến thân phận của mình cho dù rất thương chồng nhưng trong thời kỳ mang thai vẫn mong muốn được trở về bên mái ấm của gia đình.

Nàng không thuyết phục được chồng nên tự mình đã bỏ đi và đi giữa đường lại chuyển bụng và hạ sanh đứa con đầu lòng, ngay giờ phút đó người chồng rượt theo tìm tới được đem cả hai mẹ con trở về nhà. Không lâu sau đó nàng lại có thai đứa con thứ nhì và lần này cũng như lần trước, mặc dù rất thương chồng, mặc dù hiểu đường xa nguy hiểm cho một thai phụ như nàng nhưng nàng vẫn tha thiết mong mỏi được trở về để có thể khai hoa nở nhụy trong căn nhà của chính mình hồi còn thơ ấu và được sự chăm sóc của mẹ mình.

Nàng lên đường nhưng lần này không phải chỉ lên đường với bào thai trong bụng mà nàng lên đường dắt theo đứa con đầu lòng, đứa con còn rất nhỏ đi với nàng. Câu chuyện cho chúng ta biết cuộc hành trình đó là cuộc hành trình đầy nước mắt, nàng cũng đi và băng qua một đoạn đường rất vắng vẻ của núi rừng rồi chồng của nàng khi đi ra bên ngoài để kiếm củi về không thấy vợ của mình thì cũng chạy theo và cuối cùng bắt kịp nàng. Cũng vào giờ phút đó nghiệp duyên dun rủi một phần đường xa vất vả và một phần nữa đã tới thời kỳ sanh nở nên nàng sanh đứa con thứ hai ở bên vệ đường tại ven rừng. Người chồng bấy giờ vốn có một chút kinh nghiệm thấy thời tiết rất xấu mưa và rất lạnh nên tìm một nơi khô ráo tương đối cho vợ và hai đứa con của mình nghỉ ngơi tạm, người chồng lại vào trong rừng tìm củi với ý định trở về để sưởi ấm cho ba mẹ con.

Kể từ giây phút đó trở đi nàng phải đón nhận rất nhiều tai họa. Ngồi trú mưa ở một nơi khô ráo rất lâu vẫn không thấy chồng trở lại trời đã chiều rồi nàng mới dắt đứa con đi tìm, đi chỉ một đỗi rất ngắn thấy chồng nằm ở đó bây giờ chỉ là cái xác không hồn và nàng biết được với nét mặt và với vết thương biết là trong lúc đi tìm củi bị một con độc xà cắn chết. Vừa mới sanh con bây giờ lại một mình với hai đứa con thơ ở giữa rừng với xác chồng như vậy nàng chỉ làm được một việc duy nhất với đôi bàn tay yếu đuối của mình tìm một ít thứ có thể đắp lên trên thi thể của chồng, sau đó cắm một cái gì đó để làm dấu tích.

Sau khi đã làm những gì có thể làm được với đôi bàn tay yếu ớt của mình ở nơi rừng sâu núi thẳm như vậy nàng lại dắt dìu hai đứa con đi tìm về quê ngoại. Lúc bấy giờ theo câu chuyện kể thì thời tiết rất xấu mưa nhiều một cơn bão vừa mới đi qua nên khi đi ngang qua một giòng suối nước chảy hết sức mạnh nàng không cách gì để một thân mình mà ẵm hai đứa con đi qua được nên nàng để đứa con đầu ở bên bờ này và một mình ẵm đứa con vừa mới sinh băng qua ngang giòng suối để đứa con vừa mới sinh nằm bên bờ bên kia và trở lại với ý định sẽ mang đứa con còn lại qua bên bờ, lúc nàng đi được giữa giòng thì một con chim nhìn thấy một hai nhi đỏ hỏn nằm ven bờ giòng suối như một cục thịt thì con chim đó nhào xuống và cắp đứa bé đi.

Trong lúc đó nàng không biết làm gì, thân phụ nữ đứng giữa giòng suốt như vậy chỉ còn có nước đưa hai tay lên kêu gào để hi vọng rất mỏng manh con chim nghe tiếng sợ mà buông đứa con của nàng xuống. Nhưng tiếng kêu gào và đôi bàn tay vẫy lên như vậy đã không cứu được đứa con sơ sinh của nàng mà trái lại đứa con đầu đứng bên bờ bên kia tưởng đâu mẹ gọi mình nên nó đi xuống suối và bị nước cuốn đi chết đuối giữa giòng. Chỉ trong một thời gian rất ngắn nàng mất cả hai đứa con sau cái tang chồng.

Một buổi chiều trời rất buồn và chính bản thân của nàng bị gánh chịu số phận nghiệt ngã nhất của đời người phụ nữ đó là chồng và hai đứa con bị chết trong một thời gian rất ngắn chỉ vọn vẹn trước sau có một vài giờ. Thì có lẽ tâm trạng của nàng trên con đường trở về quê cũ là tâm trạng của một người lá rụng về cuội, bấy giờ với tất cả đau thương phũ phàng nghiệt ngã của đời sống tìm về với cha với mẹ tìm về đời sống gia đình dù có bị la rày dù có bị nhiếc mắng dù có bị người khác xem thường thì ở dưới tình thương của cha của mẹ có lẽ là niềm an ủi còn lại trong cuộc đời của nàng sau khi đã hứng chịu quá nhiều mất mát.

Cuối cùng qua bao nhiêu gian truân khổ ải nàng cũng tìm về được quê hương của mình. Vừa đến đầu làng nàng gặp những người thân quen nàng hỏi thăm về cha mẹ của mình, một người lớn tuổi nghe hỏi im lặng trong giây lát rồi họ chỉ cho nàng từ xa những vầng khói quyện lên như một đám cháy lớn nói đó là nơi dân trong làng đang hỏa táng cha mẹ nàng bởi vì cơn bão ngày hôm qua đã đi ngang làng giết chết rất nhiều người trong đó kể cả cha mẹ của nàng.
Với một người yếu ớt một người mẫn cảm mà lại trong thời gian hết sức ngắn bị nhiều khổ nạn, khổ nạn không phải trút lên thân của mình mà là cướp đi tất cả những người thân của mình. Chúng tôi có nghe một người nói rằng đôi lúc một người bị cụt tay cụt chân thì cái khổ đó không khổ lớn bằng khổ sanh ly tử biệt cái khổ phải xa người thân của mình. Cái khổ phân ly biệt ly đối với người thân của mình đôi lúc khổ đó nặng như một trái núi có thể nhiều hơn bất cứ nỗi đau khổ nào khác mà chỉ có những người trong cuộc mới cảm nhận được như vậy.

Ở trong trường hợp này chúng ta không cần phải dông dài cũng hiểu mọi sự việc xảy ra 5 cái chết của 5 người thân quả thật không còn có gì khác hơn nữa để cho nàng tìm thấy một điểm tựa nào và bấy giờ thì nàng trở nên điên loạn. Một người mà trong thời gian ngắn thân nhân mất đi và tất cả đều là tai nạn không có ai để trách móc mà chỉ có kêu gào với trời đất. Trong một lúc sự mất mát đó đưa nàng về với sự cô đơn tuyệt đỉnh, một sự tuyệt vọng không còn có một chút ánh sáng một chút ý nghĩa nào của cuộc sống tương lai nữa. Theo trong kinh nói Patàcàrà đã trở lên cuồng tâm loạn trí, nàng đã đi thất thểu ngoài đường, vừa đi vừa kêu gào lúc khóc, lúc cười ban đầu với tấm thân của thiếu nữ đau khổ rồi dần dà nàng trở nên loạn trí đến nỗi xé nát tất cả quần áo trên người của nàng. Nhưng bởi vì có túc duyên đã tạo nhiều ba la mật trong quá khứ nên phước báu dông rủi đã đưa nàng đến chùa Kỳ Viên và đi vào trong giảng đường nơi Đức Phật đang thuyết pháp. Có một người nào đó ở trong thính chúng lấy làm tội nghiệp trước hình ảnh một thiếu phụ cuồng tâm loạn trí như vậy đã ném cho nàng một chiếc khăn choàng và nàng tạm thời che tấm thân lỏa lồ của nàng.

Hình ảnh lời nói phong nghi của Đức Phật đã khiến cho nàng tìm thấy được một chút điềm tỉnh trong sự điềm tỉnh nàng có thể lấy chiếc khăn choàng đó phủ lên người của mình và ngồi xuống để nghe Đức Phật thuyết pháp. Đức Phật đã nói cho đại chúng như là lời nói trực tiếp cho nàng, Đức Phật đã cho nàng biết nước mắt sanh ly tử biệt trên mỗi một chúng sanh từ nhiều vô lượng kiếp nước mắt đó nhiều hơn nước trong bốn bể. Đức Phật đã không an ủi với một lời an ủi bình thường, hoặc an ủi với những lời hứa hẹn mà Đức Phật Ngài chỉ soi sáng cho Patàcàrà thấy nỗi khổ đó nó là một nỗi khổ trong muôn ngàn nỗi khổ và đó là bản chất thật của đời sống. Có thể thấy không ai trong cuộc đời này khi gặp sự khổ mà không cần sự an ủi. Ở đây, Đức Phật Ngài không dùng lời an ủi để dành cho Patàcàrà người thiếu phụ bất hạnh đó mà Ngài nhân dịp đó chỉ khai tâm và cho Patàcàrà thấy được nỗi khổ đó chỉ là nỗi khổ điển hình trong muôn ngàn cái khổ của kiếp trầm luân. Lời dạy của Đức Phật đã làm cho Patàcàrà ngộ và nàng thấy rằng đây là lúc thích hợp để trở thành vị Tỳ Kheo Ni.

Chúng tôi nhắc thêm một điều nữa, ngày xưa đời sống xuất gia có khác hơn bây giờ rất nhiều. Ngày xưa một người đau khổ bỏ vào chùa xuất gia có khác với ngày hôm nay, hôm nay đôi khi người ta nghĩ mái chùa là nơi nương náu, là dưỡng đường, là nơi dung thân cho những người không còn sinh lộ ở trong đời sống thế tục nữa. Thật ra một người xuất gia vào thời Đức Phật còn tại thế một hình ảnh đầy phấn đấu đó là sự lựa chọn rất can đảm bởi vì nhiều lắm ở trong chùa thì chỉ có một am tranh hoặc những gốc cây đó đây trong tăng viện hay ni viện còn lại thì vị tỳ kheo hay tỳ kheo ni hoàn toàn phải tự lo lấy đời sống của mình ngày ngày đi khất thực và khi trở về thì làm một việc cần thiết mà bậc xuất gia đã làm đó là tu tập cho đến khi thành tựu đắc đạo chứng quả , do vậy hình ảnh của nàng trở về trong đạo tràng của Đức Phật là một hình ảnh chuyển mình là một hình ảnh đi vào trong giai đoạn mới.
Rồi có một lần tỳ kheo ni Patàcàrà khi dội nước lên chân để rửa đã nhìn thấy những giọt nước rửa chân tan biến vào trong lòng đất đã chợt thấy được bản chất của hiện hữu. 

Hiện hữu chỉ là sự nắm bắt ở trong một lúc nào đó ví dụ như chúng ta nhìn thấy một cánh hoa đẹp, chúng ta nhìn thấy chiêu dương lên trên đầu núi cái óng ả của những sợi nắng buổi ban mai mình nghĩ đó là đẹp, thật ra mình chỉ nhìn ở trong một khoản khắc nào đó hình ảnh đó đi vào trong lòng. Nhưng nếu cuộc sống nhìn một cách toàn diện, cái gì đến và cái gì đi, cái gì do duyên có mặt rồi do duyên diệt tận, nhìn thấy một hình ảnh toàn diện như vậy chắc chắn chúng ta sẽ có một thái độ hoàn toàn khác với đời sống của mình nó giống như một ít nước giữ trong gáo dội lên chân và từ từ tan biến vào trong lòng đất những sự hiện hữu được nhìn thấy ở những lúc sanh cho đến lúc diệt.

Và không phải chỉ có chừng đó, nó còn một gợi ý rất lớn là ở trong mỗi con người chúng ta từ mỗi một sát na pháp cho đến sát na tâm pháp, từ hơi thở ra vào cho đến cảm giác vui buồn, từ cảm giác dễ chịu cho đến cảm giác khó chịu của cơ thể v.v.. mọi thứ không có tồn tại lâu dài mà nó chỉ là những đắp đổi của những bóng hình thoạt đến thoạt đi và sự hiện hữu là sự kết hợp của những pháp sanh diệt liên tục như vậy. Thấy biết và chứng ngộ Patàcàrà đã trở thành một vị Thánh Ni với đầy đủ lục thông, đây là một trong những thành tựu rất lớn để làm vừa đoạn tận phiền não mà cả hai phương diện tâm giải thoát và tuệ giải thoát rất cao. Về phương diện tâm giải thoát và chứng đắc các tầng thiền sắc giới, vô sắc giới và về phương diện tuệ giải thoát là thành tựu đạo quả và vị này thành tựu với đầy đủ lục thông có thể chứng đắc tứ thiền và cộng với lậu tận thông như vậy vị này là một trong những vị Thánh Ni có những thành tựu lớn về phương diện chứng đắc giải thoát kể cả hai phương diện tâm giải thoát và tuệ giải thoát.

Sống trọn kiếp trăm năm
Không thấy pháp sanh diệt
Chẳng bằng chỉ một ngày
Lẽ vô thường thấu triệt

Chúng ta đã nghe những câu Phật ngôn với ý nghĩa tương tự như vậy không phải một lần mà rất nhiều lần ở trong đời sống của mình có thể quá quen thuộc đến đỗi chúng ta nghĩ đó là một thứ nhân sinh quan của một đạo giáo một nhân sinh quan của một người Phật tử nói lên tâm trạng yếm thế của Đạo Phật. Nhưng bài kệ đó không phải là một bài kệ đơn giản để suy tư mà là một bài kệ đơn giản nói lên quan niệm của Đạo Phật về kiếp người.

Sống trọn kiếp trăm năm
Không thấy pháp sanh diệt
Chẳng bằng chỉ một ngày
Lẽ vô thường thấu triệt

Nói lên một sự nhận thức xác thực và sự nhận thức này có đôi lúc được xem như một cánh cửa đi vào giác ngộ giải thoát mà cổ Đức đã dùng chữ giải thoát môn để chỉ cho tính vô thường của sự vật.

Thật ra vô thường không phải là một triết lý, vô thường nói lên một cái nhìn chân xác về đời sống, chúng ta có thể nhìn thấy rất nhiều thứ ở trong đời sống của mình nhưng chúng ta chỉ nhìn thấy một khía cạnh duy nhất đó là những gì mình thích. Lấy ví dụ chúng ta chỉ nhìn đóa hoa lúc nó nở lúc nó đẹp và khi đóa hoa đó tàn thật sự nó không nằm trong sự chú ý của chúng ta nữa. Hoặc giả cái gì mình có mình thủ đắc được ở trong đời sống trong lòng thì mình chỉ nghĩ đến những lúc những thứ đó thuộc về của mình, mình làm chủ nó và nó hiện hữu với tất cả sự hiện hữu khả ái khả ý nhất của điều đó. Nhưng khi nó đi rồi thì chúng ta tìm cách lãng quên, có thể chúng ta sẽ đi tìm đuổi bắt những hình ảnh khác mà chúng ta nghĩ rằng có thể thay thế hình ảnh này nhưng quả thật ở trên đời này không có cái gì có thể thay thế được.

Hơi thở vào hơi thở ra và vạn vật cũng vậy có sanh có diệt không phải là vì chúng ta chỉ muốn nhìn thấy sự hiện hữu của sự vật chúng ta có thể chối từ được sự chấm dứt của sự vật. Cuộc đời không giống như một cuốn phim video chúng ta coi trong máy, ở trong máy đoạn nào không thích chúng ta có thể cho nó qua nhanh như chúng ta muốn, nhưng cuộc sống thì nó đến và nó đi theo trật tự riêng của nó, chỉ có bậc trí nhìn thấy tiến trình trọn vẹn thành tụ hoại không của một kiếp, sanh tiến dị diệt của một sát na sắc pháp chúng ta tìm thấy được một sự hình thành và diệt tận của vô số nhân duyên của đời sống này thì lúc đó chúng ta mới có hình ảnh rõ nét về đời sống.

Ở đây, có một điều rất thú vị. Đạo Phật không dạy chúng ta phải đi rất xa phải học rất nhiều với một kiến văn rộng lớn thì chúng ta mới có hình ảnh xác thực về đời sống nhưng cái hình ảnh xác thực về đời sống có nghĩa là cái gì có đến có đi, cái gì có sanh có diệt mà chúng ta có thể nhìn thấy, và có thể nhìn thấy được chân tướng của vạn pháp ở trong thể trạng của hiện hữu và tan biến như vậy thì chúng ta mới có một hình ảnh trọn vẹn.

Và Đức Phật dạy không có mấy người thực sự hiểu bởi vì nếu chúng ta có thực sự hiểu được sanh diệt của vạn vật nó không những chỉ chuyển hóa được cái nhìn của mình về đời sống mà đó là một sự chuyển hóa toàn bộ những căn để của đời sống kể cả phiền não.

Chúng tôi lấy ví dụ những vị thiền sư thường đề cập đến đời sống của chúng ta là một đời sống của trốn thoát của tránh né. Chúng ta ngồi một lúc nào đó mỏi chúng ta đứng dậy bước đi, chúng ta đi một lúc chán thì đứng lại hay nằm xuống. Chỉ thái độ thay đổi oai nghi trong đời sống theo ý muốn của mình, mình thấy nó là tự tại nhưng với các vị thiền sư đó chỉ là sự né tránh thôi. Có đôi lúc các Ngài dạy nếu trong lúc chúng ta ngồi chân bắt đầu đau hãy ráng thêm một chút, cái ráng thêm một chút đó nó chẳng những gia tăng ý lực của chúng ta mà nó còn cho chúng ta thấy một khía cạnh, nó hé mở cho chúng ta thấy một thế giới khác đó là sự bất toàn của đời sống đó là sự chấm dứt cảm giác lạc thú.

Phải nói rằng có những lúc chúng ta vào ngồi thiền chúng ta rất hoan hỉ và hoan hỉ ngồi trước bàn Phật trước vị thiền Sư trong không khí nhẹ nhàng trang nghiêm để ngồi thiền. Nhưng cảm giác hoan hỉ đó chỉ có thể tồn đọng trong 10 phút, 20 phút rồi chúng ta cũng phải đối diện với một thứ khác đó là cảm giác lạc thọ không có tồn tại hoài ở trên thân của chúng ta. Và hỉ thọ không tồn tại hoài ở trong tâm của chúng ta mà nhường vào chỗ đó là tê nhức đó là đau buốt, đó là mệt mỏi, đó là mong muốn buổi ngồi thiền được chấm dứt. Chỉ khi nào chúng ta thực sự ngồi và có cố gắng thì chúng ta mới có thể nhìn thấy được sự vật rõ nét hơn như vậy còn nếu không cuộc sống của chúng ta chỉ là một cuộc chạy trốn thực tại.

Thì ở đây, khi đề cập đến trạng thái sanh diệt "Ai sống một trăm năm không thấy pháp sanh diệt", chữ sanh diệt ở đây có thể nói đó là một hình ảnh trọn vẹn một hình ảnh có đoạn đầu có đoạn giữa có đoạn cuối và không phải những thứ đó nó quá mờ ảo, không phải những thứ đó nó quá nhạt nhòa đến đỗi chúng ta không thấy được. Cái lý do chúng ta không thấy được tại vì thói quen của chúng ta không muốn thấy.

Những vị thiền sư thường mời chúng ta làm một cố gắng rất nhỏ là nếu chúng ta thích một cái gì đó thì đừng chận nó lại. Ví dụ quí vị thích mua một cái gì đó thì cứ đi mua đi nhưng bên cạnh đó chúng ta làm một tín hiệu của hiền giả đó là nhìn cảm giác đó một cách lẳng lặng để thử xem mình thích những thứ đó như thế nào và khi mình có nó thì cảm giác như thế nào và cảm giác ưa thích đó nó tồn tại bao lâu và nó chấm dứt lúc nào? Nếu chúng ta có được một cái nhìn lẳng lặng từ lúc nó sanh lên cho đến lúc nó chấm dứt thì cái nhìn đó là một cái nhìn toàn diện, chữ toàn diện ở đây không nhất thiết là cái nhìn đông tây kim cổ, không nhất thiết là cái nhìn nhân ngã bỉ thử, không nhất thiết là cái nhìn của hữu hình của siêu hình. Cái nhìn ở đây chỉ nhìn một sự việc trọn vẹn cả một tiến trình mà điều đó có một thay đổi lớn với đời sống đó là một bức tranh rõ nét toàn diện chứ không phải là cái nhìn bình thường của chúng ta chỉ nhìn cái gì mình thích và chỉ tập trung vào cái gì thật sự bắt mắt mình, điều đó không có ở trong cái nhìn của một thiền giả. Và vì vậy với một người có tập thiền và có đọc những trang kinh Phật thì hiểu rất rõ ý nghĩa này.

Ngài Ajahn Chah nói một con người có thể nắm một miếng vải không nhất thiết họ phải nắm được tất cả nhưng nếu nắm được một góc nào đó thì có thể kéo nguyên cả tấm vải lên.Thì tương tự như vậy người ta có thể nhìn thấy được sự vô thường trong cảm thọ của mình, trong hơi thở của mình, trong những chuyển biến của thân mình, nhưng mà ở đó người ta có thể nhìn thấy chân tướng của vạn pháp và của toàn thể các trạng thái pháp hữu vi như là Patàcàrà có thể nhìn thấy chân tướng của cuộc đời này trong những giọt nước tan biến vào trong lòng đất.

Chính vì vậy không ai có thể xem thường điều đó nếu nói một cách nghiêm túc bởi vì trong đó họ hiểu được tất cả giống như những người nghiên cứu ở phòng thí nghiệm đôi lúc vật thí nghiệm mà họ nhìn nó không nhất thiết là một vật lớn hay đôi lúc cái mẫu họ quan sát nó chỉ là mẫu rất nhỏ thôi nhưng hiểu được bản chất của mẫu thí nghiệm đó thì qua đó họ hiểu được rất nhiều về những gì tương tự. Thì ở đây khi một người nhìn thấy được đặc tính của sanh và diệt của đến và đi người đó hiểu được một điều quan trọng đầu tiên đó là thay đổi cái nhìn của mình, cái nhìn của mình là cái nhìn rất hời hợt cái nhìn của mình chỉ là cái nhìn thuần về bản năng, cái nhìn đó Đức Phật gọi là cái nhìn không có tu luyện.

Có những năm tháng chúng tôi ít để ý đến các loài cây kiểng trồng ở trong sân chùa, nhưng một lần quen với một đạo hữu thích trồng bonsai trồng kiểng đạo hữu đó có đề cập đến cách quan sát một cái cây, nhìn thân cây như thế nào để hiểu cái rễ, nhìn thân cây như thế nào để có thể hiểu loại đó thích hợp với mùa màng như thế nào v.v... Thì cái nhìn của vị chuyên nghiệp về trồng cây đó không phải là cái nhìn đơn giản chúng ta lấy mắt ngó mà chúng ta có thể có cái nhìn đó, mà cái nhìn đó phải dựa trên một cơ sở căn bản của sự hiểu biết, và chỉ khi nào mình thay đổi cái nhìn của mình thì cũng chiếc lá đó, cũng cái rễ đó, cũng thân cây đó chúng ta có thể lãnh hội sự việc khác đi. Tương tự như vậy, một hành giả nhìn thấy sanh và diệt của sự vật lâu ngày, đặc biệt là qua hơi thở của mình, qua cảm thọ của mình có cái gì liên quan đến nội thân, liên quan đến ngoại, thân liên quan đến 5 uẩn sắc thọ tưởng hình thức thì người này tự thấy được một chuyện rất quan trọng đó là cái nhìn bản năng của mình có vấn đề, cái vấn đề của nó là nó chỉ biết có một chuyện mà thôi.

Chúng tôi rất nhiều lần được nghe những câu chuyện về những ông cha bà mẹ có con ở trong tuổi 15, 16, 17, 18 cái tuổi con cái bắt đầu vừa mới lớn ham chơi và thích được tụ tập với bạn bè, một trong những điều cha mẹ rất khó là làm sao để cho con có một đánh giá đúng mức về thì giờ của mình, về bạn bè mà mình giao thiệp, về cái ưu tiên của đời sống để mình theo đuổi. Thông thường việc làm đó cha mẹ rất vất vả cho đến khi con lớn lên một chút mới biết cảm kích, thông thường thì con không hoan hỉ. Thì ở đó nói lên trong cuộc sống này không phải chúng ta mở con mắt chúng ta ra ở giữa ban ngày nhìn một chiếc lá trước mặt là ai nhìn cũng giống nhau, hoặc giả quí vị bước vô chánh điện không phải ai nhìn tượng Phật cũng có cảm giác giống nhau, và cũng không phải ai trong chúng ta ngồi ở trong pháp hội này khi đọc bài kệ:

Sống trọn kiếp trăm năm
Không thấy pháp sanh diệt
Chẳng bằng chỉ một ngày
Lẽ vô thường thấu triệt

Không phải ai trong chúng ta đọc bài kệ đó cũng có cảm giác giống nhau hết.

Một người quen thuộc với đề tài họ sẽ có cảm giác khác, một người có thể đào sâu vào đề tài có thể có cảm giác khác. Đôi khi chúng ta có kiến văn rất là quan trọng, kiến văn rất rộng lớn nhưng ngay lúc đó tự nhiên không thấy điều đó có ý nghĩa gì với mình hết. Không phải có một lần mà có rất nhiều lần trong đời sống của mình những cảnh ngộ bỗng nhiên làm cho chúng ta nhớ đến, nhớ đến cái gì? chúng ta nhớ đến một câu tục ngữ một câu thành ngữ nào đó ông bà đã để lại, câu thành ngữ đó mộc mạc đơn sơ giống như tâm hồn chơn chất của những người nông dân và có lẽ khi chúng ta còn nhỏ chúng ta không bận tâm chuyện đó, chúng ta chấp nhận câu chuyện gì cao xa, chúng ta thích những công trình nghiên cứu về khoa học, chúng ta muốn nói chuyện đông tây kim cổ. Nhưng mà rồi trong một cảnh ngộ nào đó bỗng nhiên một câu nói rất thường tình mà câu nói thường tình đó lại làm cho chúng ta hết sức thấm thía. Tại sao nó thấm thía là tại vì nó mở con mắt huệ của chúng ta, nó cho phép chúng ta đứng trên một vị trí mới nhìn thấy sự việc với một thái độ mới.

Ở đây, khi Đức Phật Ngài đề cập đến pháp sanh diệt, sự sanh diệt của pháp, chữ udayavyaya.m tức là sanh phải diệt. Hầu như đó là một việc rất đơn giản như chúng ta chỉ cầm một cái ly và ném cái ly xuống là chúng ta có thể nhìn thấy thế nào là một sự hiện hữu và sự hiện hữu biến mất. Nhưng ở trên thực tế thì không dễ dàng nếu chúng ta có thể nhìn thấy cái đứng, cái đi, cái sanh, cái diệt của thân mình, của tâm mình, cảm thọ của mình cái gì mà nó xảy ra trong mỗi chúng ta và thường chuyên thấy như vậy và thấy bằng thái độ có hiểu biết, thấy bằng thái độ thanh thản nhận chân ra sự vật thì nhân sinh quan của chúng ta không giống như nhân sinh quan của mình đang có.

Có thể nói, ngày xưa khi đề cập đến giáo lý vô thường, khổ, vô ngã người ta gọi là tam pháp ấn hay tam giải thoát môn hoặc giả người ta có thể dùng nhiều danh từ rất hoa mỹ rất cầu kỳ hoặc danh từ rất bình thường thì chúng ta nghe những điều đó nghe chỉ để nghe thôi. Nhưng bây giờ tự hỏi một câu ở trong trường hợp của Patàcàrà có thể cũng là hình ảnh của chúng ta trong một sự dồn dập trong một thời gian ngắn nào đó bỗng dưng có quá nhiều điều phiền lụy và sự phiền lụy ở đây hầu như từ sự tuyệt vọng này dẫn đến tuyệt vọng khác, một ông chồng bị rắn độc cắn chết mình có thể làm được gì, đứa con bị chim tha, một đứa con bị chết đuối giữa giòng mình có thể làm được gì, cha mẹ chết trong cơn thiên tai bão lụt mình làm được gì, và tất cả những điều đó có thể là mình hoàn toàn không muốn, tất cả những điều đó có thể mình sẽ bằng lòng đánh đổi nếu một người có một thân nhân qua đời và đặc biệt người thân nhân đó rất gần và rất thương đối với bản thân của mình thì có thể lúc đó mình có thể đánh đổi bất cứ thứ gì.

Chúng tôi mồ côi cha rất sớm lúc 10 tuổi, khi biết cha mình mất rồi có những lúc cho dù bắt đầu một cuộc hành trình đi không biết qua bao nhiêu gian khổ mà có thể tìm thấy được sự sống của người cha có thể mình cũng sẽ đi, mình chỉ mong gặp lại người cha của mình thôi. Tâm trạng đó khi nói đến khổ của sanh ly tử biệt đa số chúng ta phải làm gì với chuyện đó cho đến khi nào mình đặt mình ở trong tâm trạng đó và chúng ta có thể hiểu một phần tâm trạng của Patàcàrà thì lúc đó mình mới hiểu tại sao chỉ có những giải thoát môn của vô thường, khổ, vô ngã, chỉ có một người mà thay vì dùng tất cả sức bình sinh của mình để khóc và khóc mãi không ngừng thì chúng ta vận dụng tất cả can đảm mở mắt ra và nhìn thấy được nó là như vậy, con người ai cũng gặp sự sanh ly tử biệt lúc đó chúng ta sẽ hiểu được tại sao chỉ trong một phút nhìn thấy được sanh diệt hơn cả trăm năm sống trong cuộc đời này vô thường.

Nên chi đề tài 3 pháp vô thường khổ vô ngã Đạo Phật thường đề cập đến rất nhiều ở trong các pháp thoại, đề cập đến rất nhiều ở trong kinh điển, có đôi khi không khó để chúng ta hiểu trên phương diện lý luận trên phương diện ngôn ngữ, có đôi khi hoàn toàn không khó để chúng ta có thể hiểu trên phương diện triết lý nhưng rất khó để chúng ta đem sự hiểu biết đó hòa quyện ngay với cái nhìn thực tại của mình, cái nhìn thực tại đó là cái nhìn mà nó có khoản cách rất xa.

Chúng ta đọc câu chuyện của Patàcàrà chúng ta nghe những người chết vì bệnh sida, chúng ta nghe những người chết ở trong những trận chiến tranh, mình nghe hầu như là nỗi thương đau đó nó rất xa với mình và chuyện đó hầu như không bao giờ xảy ra cho mình. Mình có thể đọc những câu chuyện của những người chết vì tai nạn lưu thông, Việt Nam là một trong những nước tai nạn lưu thông xảy ra nhiều nhất trong thế giới tính theo tỉ lệ đầu người, thế mà có thể khi chúng ta nghe chuyện đó chúng ta nghe như chuyện đó chỉ xảy ra với những người khác nó không bao giờ xảy ra ở trên thân của mình, không xảy cho những người thân của mình và cho cuộc sống của mình.

Chúng ta tưởng tượng nó ở đâu đó mà mình nhìn thấy rất dửng dưng. Nhưng Đức Phật đã nhắc rất rõ một sự vô thường cái sanh và cái diệt không phải chỉ xảy ra với người khác không phải chỉ xảy ra với một con người quá nhiều bất hạnh như Patàcàrà, thật ra nó có thể xảy ra ở trong chúng ta và chắc chắn sự vô thường xảy ra liên tục bất tận miên mật ở trong từng giây phút một, không phải chỉ có sự vô thường của hơi thở, của cảm thọ của thân, cảm thọ của tâm, đến những chập tư tưởng mà hầu như toàn bộ cuộc sống như là những bong bóng nước, những bong bóng đó chúng ta nhìn ở bên ngoài không thấy gì, quan sát rất kỹ không có bong bóng nào đứng yên hết nó luôn luôn là sự luân chuyển của nhiều hình thức của nhiều dạng khác nhau để rồi cái này nở ra cái kia lại tan biến đúng là phù du, đúng là phù vân, đúng là một bức tranh vân cẩu. Chúng ta có dùng bao nhiêu danh từ đi nữa thì cũng không diễn tả được hết chỉ cho đến khi nào chúng ta nhìn điều đó như là một cái nhìn trước mắt của mình, trong hơi thở của mình, trong cảm thọ của mình, như là chúng ta nhìn đôi bàn tay của mình, thì lúc đó chúng ta cảm nhận được rằng tại sao nhìn vào cái sanh diệt mà nó có công năng chuyển hóa lớn như vậy./.

Tuesday 10 May 2016

Kệ Ngôn 110 - Tịnh giới khiến đời sống có ý nghĩa - TT Giác Đẳng

Psychotheraphy, Meditation
Kệ Ngôn 110 

Tịnh giới khiến đời sống có ý nghĩa

Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Giác Đẳng 

Dù sống đến trăm năm
Phóng túng, không thiền định
Chẳng bằng sống một ngày
Giới tịnh và thiền tịnh





.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali
Yo ca vassasata.m jiive
dussiilo asamaahito
Ekaaha.m jiivita.m seyyo
siilavantassa jhaayino.

Minh Hạnh chuyển biên:

Có lẽ một trong những đặc điểm của người tu tập hay bất cứ người nào đeo đuổi hoài bảo quan trọng trong cuộc đời là chúng ta phải đặt để những ưu tiên của cuộc sống mình.

Những ưu tiên cuộc sống có thể là những ưu tiên do cha mẹ, do xã hội đề ra. Nhưng riêng đối với một người tu tập những ưu tiên đó là giá trị chân thật trong đời sống này, và khi ưu tiên đó được đặt ra rồi thì mọi sinh hoạt trong đời sống chúng ta sẽ theo đó thay đổi. Sự chuyển hóa của nó rất màu nhiệm đến đỗi chúng ta không cần phải vật lộn với chính mình.

Chúng tôi nhớ nhân vật Tất Đạt trong quyển sách của Hermann Hesse được Ni Sư Trí Hải dịch "Câu chuyện giòng sông". Tất Đạt trinh bày với Kiều Lan tâm trạng của mình trong kiếp Samon, nói về tâm trạng một người có thể nhìn thấy rõ những cứu cánh cái gì mình hướng đến và tự nhiên tất cả những thứ khác đều sinh hoạt đi kèm theo ý hướng đó như một viên sỏi khi được ném xuống hồ viên sỏi đó sẽ tự nó tìm tới đáy hồ tại vì luật tự nhiên của trọng lượng là như vậy. Vì vậy đối với Đức Phật có thể nói Ngài nhìn cuộc sống tu tập một cuộc sống có ý hướng rõ ràng, ý hướng đó là Giác Ngộ Giải Thoát, ý hướng đó có được thể hiện tốt hay không tốt dựa lên trên một căn bản, tương tự như một người muốn làm một công việc gì đáng kể trong đời sống này thì họ phải có một số kiến thức hay một số khả năng tài chánh hay một số cơ sở căn bản về khả năng để họ có thể phát triển được.

Trong bài kệ 110 Đức Phật Ngài đặc biệt đề cập đến một sự việc nhân câu chuyện của Sadi Samkicca, vị Sadi này có một túc duyên đặc biệt ở trong quá khứ do túc nghiệp thuở xa xưa nên đời này vị Sadi này đắc đạo chứng quả lúc còn rất nhỏ và có một phước phần hộ trì mà không có cái gì có thể tổn hại được kể cả gươm đao.
Nhân có một số các vị Tỳ Kheo quyết định vào trong rừng tu tập Đức Phật Ngài biết có một hiểm nạn sắp xảy ra cho các vị Tỳ Kheo ở trong khu rừng này nên Ngài đã khuyên các vị hãy đến gặp Ngài Xá Lợi Phất để cầu thỉnh Ngài Xá Lợi Phất cho Sadi Simkicca đi theo. Ngài Xá Lợi Phất khi được các vị Tỳ Kheo yêu cầu như vậy Ngài hiểu ngay tôn ý của Đức Phật và Ngài đã trực tiếp yêu cầu vị Sadi Simkicca đệ tử của Ngài đi theo.

Như điều Đức Phật Ngài đã nghĩ, đó là nhóm các vị Tỳ Kheo đã gặp một bọn cướp, những người trong bọn cướp đó có một niềm tin rất mạnh mẽ về việc cúng tế thần linh. Chúng ta biết trong một số xã hội các nghề nghiệp họ thường có một số thần linh kể cả những nghề ở trong thanh lâu kỷ viện họ cũng có thần Bạch Mi chẳng hạn, những người ăn cướp này cũng có thần riêng của họ và điểm này sự thực hành hết sức quen thuộc trong tín ngưỡng của Ấn Độ thời xưa và ngày hôm nay. Cách tế thần của họ rất dã man bởi vì họ là tướng cướp và thần của ăn cướp thì phải là vị thần cúng tế bằng chuyện giết người cướp của, vì vậy thường thường trong mỗi lễ tế thần họ chọn nạn nhân vô tội đưa lên hoả đài và dùng cây đâm chết người này sau đó nổi lửa thiêu xác người này để cúng tế cho thần.

Vị Sadi Simkicca vốn có phước ở túc nghiệp hết sức thù thắng do vậy không có bất cứ tai nạn nào có thể làm thương hại được tính mạng và phong thái an nhiên cũng như những diễn biến kỳ lạ xảy ra trên người của vị Sadi này khiến cho đảng trưởng của bọn cướp phát tâm quy ngưỡng và không phải chỉ riêng người đảng trưởng qui ngưỡng mà những người lâu la khác thấy như vậy cũng làm theo, cuối cùng Sadi Simkicca đã cảm hoá được tất cả những người trong bọn cướp và đưa họ về chùa để gặp Đức Phật.

Câu chuyện đó được nhắc đến không phải chỉ qua những tình tiết kỳ lạ liên quan đến cuộc đời của vị Sadi Simkicca mà Đức Phật Ngài nhắc đến hai hình ảnh, hình ảnh của con người sống cả trăm năm ở trong số trăm năm đó họ sống dussiilo tức là sống trong ác giới hay sống phóng túng trong ác giới, họ mang lại vô số thương đau cho người khác, những hành động lời nói và việc làm của những người này không bao giờ có một chút gì quan tâm đến nhân quả, quan tâm đến cái lợi cái hại cho mình và cho người. Đức Phật Ngài đã làm một so sánh một người sống trăm năm trong ác giới như vậy không bằng sống một ngày có giới và có thiền định.

Có giới có thiền định ở đây là nếu một người muốn phát triển khả năng tập trung tư tưởng và chánh niệm tỉnh giác của mình thì người đó rất cần một căn bản đó là một đời sống có nghị lực, một trạng thái ổn định về phương diện tâm lý và sự ổn định này dựa trên một số nguyên tắc mà vị này sống.

Giới trong Đạo Phật đề cập xưa nay nói lên một cái gì có thể ảnh hưởng đời sống của chúng ta sâu đậm hơn là một số quan niệm của những người ở bên ngoài cho rằng giới cấm hay những điều răn đó là những nghi luật của tôn giáo mà chúng ta phải hiểu giới là những nguyên tắc từ những nguyên tắc này con người của chúng ta lấy lại một phong thái, lấy lại được một tinh thần vững vàng ở trong cuộc sống của mình, "àh cuộc sống cần như vậy chúng ta đã làm như vậy". Khi mình đã làm như vậy mình thấy yên tâm rằng mình đã không phạm vào những nỗi lầm nghiêm trọng và đồng thời khả dĩ có thể đi xa hơn trong cuộc sống tinh thần. Phải có một cái nhìn hết sức toàn diện mới thấy được giới quan trọng như thế nào ở trong đời sống thiền định.

Lấy ví dụ, khi chúng ta đề cập đến Bát Chánh Đạo, trong đó cái gọi giới phần là Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng. Chánh ngữ là lời nói không gây thương tổn cho người khác và không gây thương tổn cho bản thân của mình, lời nói đó được hiểu là lời nói nằm ngoài bốn lời ác ngữ, lời nói tà ngữ và lời nói vọng ngữ, chúng ta muốn nói đến nói dối, nói đâm thọc, nói độc ác, nói nhảm nhí vô ích, thì những điều này đối với chúng ta chỉ là những gì đến và đi như gió thoảng, như mây bay. Có thể nói rằng có rất nhiều người xem lời nói của mình không có gì hệ trọng với cuộc sống cá nhân hết. Nhưng mà rồi với Đức Phật thì Ngài cho chúng ta biết rằng không có một người nào có thể đi xa hơn đời sống tinh thần mà người đó thiếu chánh ngữ hay những lời nói của họ lúc nào cũng nói vọng ngữ. Lời nói vọng ngữ chứng tỏ tâm tư của họ chưa có khả năng ổn định an lập và họ chưa có chịu trách nhiệm một cách thành thực với chính mình và người khác. Do vậy giới ở đây rất quan trọng.

Một quốc gia không luật không lệ, một quốc gia mà người ta chỉ làm theo cái gì hoàn cảnh đưa đẩy ví dụ như do điều kiện bắt buộc, một quốc gia mà nền pháp trị không có ổn định thì rất khó qui hoặch bất cứ kế hoặch tiến bộ gì lớn hơn xa hơn, bởi vì nó không có căn bản an lành của xã hội, xã hội không ổn định và bất cứ luật lệ gì đưa ra thì cái cơ may có thể được đem ra áp dụng rất ít mà cái cơ may bị hỏng trước khi đem áp dụng rất nhiều. Thì bản thân của mỗi người ở trong đời sống này cũng tương tự như một xã hội vậy, nếu chúng ta có được một số các nguyên tắc và những nguyên tắc này là những nguyên tắc được xem là những cơ sở của lời nói, hành động, việc làm, ý nghĩ chánh kiến của mình, thì từ chỗ đó người ta sẽ tạo dựng một niềm tin, tạo dựng một nghị lực. Chúng tôi nghĩ rằng chữ nguyên tắc dùng ở đây có thể làm cho mọi người có cảm giác cứng nhắc không có khả năng linh động nhưng thật ra nguyên tắc ở đây là nền tảng giống như một căn nhà cần đến cái nền cho kiên cố.

Thì chữ giới trong Đạo Phật dạy cho chúng ta một bài học hết sức quan trọng về cuộc sống cho dù chúng ta có biết đạo hay không có biết đạo, cho dù chúng ta có tu hay không có tu, có là người Phật tử hay không phải Phật tử chúng ta luôn sống với một số chủ kiến một số quan niệm, quan niệm cái này nên làm cái kia không nên làm, cái nên và không nên đó có đôi lúc do cơ sở thiếu trí tuệ của chúng ta, thì nó đúng là chữ dussiilo tức là ác giới. Cái nhìn của một người sống ở trong đời sống này nó có thể nói chúng ta có hằng bao nhiêu quyết định phải làm trong đời sống hàng ngày và những quyết định này đều dựa trên chủ kiến đó. Với một người khéo tu tập là một người đem giá trị và lời dạy của Đức Phật của vị Giác Ngộ để trở thành một phần trong nguyên tắc trong cái nhìn của mình, và khi chúng ta nằm xuống ngủ mà mình biết rằng những nguyên tắc đó được áp dụng, ví dụ như một người có thọ tam qui biết cái gì nên tin và cái gì không nên tin, không có thái độ chập chờn, không có thái độ nửa vời ở trong niềm tin của mình thì điều đó lại cho vị này một thế đứng an lập ở trong đời sống tu tập nhờ như vậy vị này lấy được nghị lực.

Một học giả lớn lên trong gia đình Do Thái giáo và ông đi hành thiền ở Insight Meditation Center dưới sự hướng dẫn của ông Joseph W. Huston. Khi ông nhìn 3 pháp của Đạo Phật bố thí, trì giới, tham thiền, 3 pháp được dạy cho người cư sĩ tại gia, và ông nhìn điều này sau đó ông đã viết một tập sách nói lên một sự phát triển mà ông gọi là sự phát triển quân bình, sự phát triển điều đặn về giáo dục con người trong quan niệm của Đạo Phật. Trong cái nhìn của ông cho rằng 3 pháp bố thí, trì giới, tham thiền thường được các nhà Sư Phật Giáo cho đó là pháp tạo phước của người cư sĩ, nhưng trên thực tế thì 3 pháp đó đặt ra nền tảng con người là ai và con người nên được hướng dẫn như thế nào:

- Khi con người sống biết ban bố tức là biết cống hiến, bố thí là biết cống hiến.
- Trì giới ông nói là đó là biết gìn giữ hay biết sống với nguyên tắc.
- Và thiền định tức là biết cách để thanh lọc nội tâm.

Thì ông cho rằng khó có thể đi tìm thấy một sự giáo dục nào gọi là chân chính trong loài người mà nằm ở bên ngoài 3 lãnh vực đó, lãnh vực mà con người sống với tinh thần cống hiến, sống với tinh thần biết gìn giữ, và đồng thời biết phát triển đời sống tâm linh của mình. Cuốn sách của ông viết không dầy nhưng khi đọc quyển sách đó chúng ta có cảm nhận được một điểm rất thân thiết giống như khi chúng ta đọc trong Thanh Tịnh Đạo trong 7 bước dẫn đến Giác Ngộ thì giới tịnh được xem là cơ sở bắt đầu để dẫn đến tâm tịnh tức là làm cơ sở cho thiền định.

Dĩ nhiên, thỉnh thoảng chúng ta đọc nhiều câu chuyện tích nói về nhiều người đi rất trực tiếp vào tuệ giác có nghĩa chỉ nghe Đức Phật thuyết pháp nghĩa là trong giờ phút đó khai triển tuệ quán và thành tựu được đạo quả. Việc đó là việc đối với những vị Balamật chín mùi, balamật đầy đủ, chúng ta có thể không thấy vị đó tu giới ở trong khoảnh khắc nhưng trong nhiều đời nhiều kiếp vị này đã dùng giới làm nền tảng. Những vị ai có học về pháp balamật thì hiểu rõ về điều này .

Tuy nhiên, khi nói đến phương pháp tu tập thì một trong những tự tại người hành giả hành thiền định phải có đó là khả năng tự chủ ở mức tối thiểu nhất, ví dụ như có những việc nên làm và có những việc không nên làm mà vị đó có khả năng để sống với quan niệm như vậy, thì đó là khả năng của tự chủ.

Thì sự tự chủ trong một vị thiền định đôi lúc không có to lớn như chuyện chúng ta nói không được sát sanh không được uống rượu v.v.. nhưng lấy ví dụ, nếu một vị ngồi thiền trong vòng một giờ đồng hồ và tới khi ngồi được 30 phút chân bị tê và lúc đó mình có ý tưởng làm sao để đứng dậy hay tưởng nghĩ đến chuyện gì khác không phải chăm chú vào đề mục thiền định nữa để mình trốn thoát khỏi sự thực hành của mình ngay trong hiện tại.

Ngay trong giờ phút đó một người có nghị lực và người không có nghị lực rất khác biệt nhau.
Một người có nghị lực một người có khả năng tự chủ họ có thể rất dễ dàng để từ ý nghĩ của họ làm một quyết định mà quyết định trung thành với những gì họ đã lựa chọn từ ban đầu từ phút họ quyết định ngồi xuống để hành thiền.

Nhưng ngược lại có một số người tâm ý không đủ mạnh như vậy , họ không có sức mạnh không có nghị lực, cuối cùng họ bỏ cuộc tại vì theo trong kinh Phật họ thiếu căn bản về giới.
Có lần một Phật tử hỏi về một chuyện là trong quan niệm hết sức từ chương của một số người thì cho rằng bố thí sanh ra giàu có, còn tại sao trì giới cũng là nhân sanh phú quí giàu có được? Ví dụ, những Phật tử thọ giới Chư Tăng thường hay dạy câu:

"Những người sanh về cõi an lạc cũng nhờ giữ giới, những người được giàu sang phú túc cũng nhờ giữ giới".

Đó cũng là câu hỏi thú vị bởi vì chúng ta quan niệm chỉ có sự bố thí mang lại sự giàu có nhưng Chư Tăng lại nói rằng:

"Những người sanh về cõi an lạc cũng nhờ giữ giới, những người được giàu sang phú túc cũng nhờ giữ giới, người chứng đắc Niết-bàn cũng nhờ giữ giới".

Thì ở đây có ý nghĩa là ngay cả một người khoan kể đến thiền định, khoan kể đến giải thoát, khoan kể đến một cuộc hành trình mang tánh cách nghiêm trọng về tinh thần, nếu một người trong tay họ cầm tiền và nếu họ không phải là một người có nghị lực tốt, một cái nhìn tốt thì đồng tiền đó có thể là một thứ lửa đốt cháy chính họ và sự giàu có thể mang lại cho họ vô số hiểm họa, họ không biết cách giữ đồng tiền như thế nào thích hợp thì một người có thể làm được chuyện đó thích hợp trước nhất là người đó phải có căn bản về chữ giới ở đây mà Đức Phật Ngài đã dạy.

Có lẽ không có một đoạn kinh nào làm cho chúng ta thấy được vai trò của giới đối với thiền định rõ nét như khi chúng ta bàn về thất tịnh tức là 7 pháp thanh tịnh hóa nội tại để thành tựu chánh trí như trong quyển Thanh Tịnh Đạo của Ngài Buddhaghosa, Ngài có một mô tả rất tường tận mà thậm chí Ngài đã đi xa hơn ở trong phần này là Ngài đã đặt để vào trong đó 13 pháp Thọ Đầu Đà. 13 pháp Thọ Đầu Đà là cái khái niệm vượt ngoài quan niệm về Ngũ Giới, Bát Quan Trai giới, Sadi giới, Tỳ Kheo giới và ở đó nói lên một ý nghĩa một người tự nguyện tuân giữ một số nguyên tắc nào đó và sự tuân thủ những nguyên tắc đó họ lại phát sanh ra nghị lực.

Điều này là một điều Đức Phật Ngài đã từng làm một so sánh trước khi Ngài thành đạo trong quá trình tu tập của Ngài. Ngài so sánh sự thành tựu của tuệ giác giống như 2 khúc gỗ chạm vào nhau để kéo ra lửa. Chúng tôi tin rằng một số trong chúng ta có lẽ chưa bao giờ dùng tới phương tiện này để nhúm lửa bởi vì chúng ta ngày hôm nay có rất nhiều hộp quẹt kể cả những phương tiện khác làm sao để có lửa nhưng hình ảnh kéo lửa của thời kỳ xa xưa rất dễ hiểu, nói chung chúng ta bỏ ít thì giờ để diễn tả ở tại đây, người ta dùng 2 miếng gỗ hay 2 vật rắn chắc đánh vào nhau thì nó sẽ tạo ra những nhiệt lượng và những nhiệt lượng ở trong mức độ thái quá nào đó thì nó sẽ tạo ra lửa mà nó có thể cháy được, thì có một dụng cụ để đánh lửa như vậy ở Ấn Độ ngày xưa họ vẫn dùng và ngày nay ở miền quê họ dùng hai miếng gỗ loại gỗ tên là katina loại gỗ này cứng có chứa chất dầu nhựa cây và Đức Bồ tát Ngài dùng ví dụ nếu 2 khúc gỗ đó ướt thì kéo không ra lửa được và nếu gỗ đó mục không còn rắn chắc thì cũng không thể kéo ra lửa được thì Ngài nói rằng một người đã sống ngâm mình ở trong dục lạc thì giống như 2 khúc gỗ bị ướt chắc chắn không thể kéo ra lửa được, một người không có thực chất nội tại họ giống như một khúc gỗ mục thì không thể nào kéo ra lửa được. Thì ở đây chúng ta thấy ví dụ này rất xác đáng nói rất rõ về hình ảnh tại sao có những bước cần thiết để phát triển tuệ giác.

Vài nhà giáo dục cho rằng trẻ em nếu học bài mỗi ngày được ngồi một chỗ một cái bàn nào đó ở trong nhà, một góc nhà nào đó cố định mỗi ngày như vậy, và với một thời giờ nhất định đúng giờ đó các em đến đó ngồi tại chỗ đó để học bài thì các em sẽ dễ tập trung tinh thần đi ngay vào bày học hơn là nhà nghèo có khi ngồi góc nhà này có khi ngồi ngoài sân có khi ngồi sau nhà để học bài và học vào những giờ không cố định. Cơ thể và nội tâm của chúng ta trong một cái nhìn chiều dài phát triển trước khi có sự can dự của trí tuệ thì nó được hun đúc trên sức mạnh của tập quán của thói quen và nói về tập quán của thói quen thì giới sẽ giúp chúng ta ở điểm đó rất nhiều, có thể nói rằng nếu một số cái nếp nào đó trong đời sống mà nó rõ nét và chúng ta sống với cái nếp đó lâu ngày thì từ chỗ đó chúng ta có thể phát huy được tuệ giác nhanh chóng hơn là lúc đó chúng ta cũng phải lúng túng để làm cái việc đáng lẽ chúng ta nên có sẵn rồi. Một vị tướng ra trận và khi ra trận là họ phải tập trú vào địa hình địa vật và tập trú vào chiến thuật đánh như thế nào, mục tiêu phải chiếm như thế nào, trong lúc đó thì vị này cần phải lúng túng thì giờ phải an quân để làm sao cho binh lính được vững lòng và có những đội binh không tinh nhuệ họ không kỷ luật thì tất nhiên vị tướng dù có giỏi đi nữa thì cũng sẽ rất lúng túng, bởi vì sao vậy? họ chưa ở thế sẵn sàng để ra trận.

Thì ở đây Đức Phật Ngài hé mở cho chúng ta biết rất nhiều bí mật về cuộc sống này không phải cái trí tuệ bao giờ nó cũng đóng vai trò tiên khởi trong việc dẫn đạo mà chính là những thói quen và những thói quen này nếu nó là thói quen tốt thì nó sẽ làm cho chúng ta trong sự tu tập nhẹ nhàng đi rất là nhiều, dễ dàng đi rất là nhiều, nhanh chóng đi rất là nhiều trong việc đạt đến cứu cánh giải thoát. Còn nếu chúng ta không có kỷ luật tương đối căn bản như vậy chúng ta sẽ bị thiệt thòi rất lớn là trong lúc đáng lẽ phải ra quân và phải hướng đến mục tiêu và lúc đó thì tự mình vẫn còn lúng túng rất nhiều trong việc an quân, lúng túng rất nhiều trong việc tổ chức chặc chẽ đội quân của mình.

Đời sống của chúng ta cũng vậy một việc nhỏ khoan nói đến thiền định, chúng tôi nhớ ở trong một bài kinh có đề cập đến tâm tư của một người bố thí và người thọ thí, nếu người bố thí có giới thì tâm tư họ khác hơn sự bố thí của một người không có giới. Về điều này nói rất rõ giới tạo ra phẩm chất của nội tâm và dựa trên phẩm chất này thiền định được phát triển. Về điều này được mô tả rõ ràng trong thất tịnh và trong Bát Chánh Đạo, thậm chí những vị Chư Thiên sanh lên do phước bố thí hào quang cũng không sáng bằng những vị Chư Thiên sanh lên do có phước trì giới, và đặc biệt tâm tư của những vị Chư Thiên có giới ổn cố hơn những vị Chư Thiên sanh lên do quả phước của bố thí. Chúng ta được nhìn thấy những ví dụ như vậy ở trong kinh và không có gì ngạc nhiên về những thí dụ này.

Thì đối với Đức Phật khi Ngài nhìn những vị tân Tỳ Kheo xuất gia và những vị này trước kia là những lâu la trong đó có một vị đảng trưởng của bọn cướp bây giờ họ trở thành vị Tỳ Kheo, Đức Phật đã sách tấn họ bằng một lời dạy rất đơn giản ở trong bài kệ này Ngài cho biết họ có thể sống một trăm năm ở trong cuộc đời này sống rất thọ rất lâu và sống rất hiển hách bằng những chiến công oanh liệt của họ mà oanh liệt ở đây là cướp của giết người, đời sồng đó họ chỉ chạy theo những nguyên tắc mà những nguyên tắc này vốn hoàn toàn không có giá trị gì liên quan đến nội tại bởi vì nó không có xây dựng cơ sở cho sự định tâm và cho tỉnh giác tức là cho thiền định được. Bây giờ Ngài đem chuyện đó so sánh chỉ một ngày sống trọn vẹn ở trong giới và nó có cơ sở để làm cho thiền định thì Ngài cho rằng hai điều đó rất khác biệt cho dù sự khác biệt đó người ta đánh giá về phương diện luật pháp bên ngoài phương diện đạo đức ra sao đi nữa, thì đối với một người tu ở đây có một điểm rõ ràng là cuộc sống như thế không có phí phạm, dùng thì giờ đúng chỗ, đặt tâm trí đúng chỗ, và Đức Phật Ngài cho rằng giá trị của nó là một giá trị không những vượt bậc mà giá trị là giá trị kia không có một chút gì có thể so sánh được với giá trị này hết.

Về điểm này có lẽ chúng ta phải nói thêm đến một ý nghĩa khác là, mặt dù giới không phải cứu cánh, giới không phải mục tiêu sau cùng nhưng giới là bước đầu và có ai bắt đầu cuộc hành trình mà không cần đến giai đoạn đầu, cần đến bước đầu, và bước đầu đó không những cho chúng ta có được nghị lực mà giới thiệu cho chúng ta rất nhiều về thế giới nội tại, có thể nói rằng với một người giữ giới họ làm quen rất nhiều về những hành hoạt của thân của tâm và họ sẽ tìm thấy được một cách rất chân thành cái gì là cái mạnh và cái gì là cái yếu của họ. Không may là quan niệm về giới ngày hôm nay người ta đã phát triển đôi khi nó trở thành một thứ điều lệ của thanh qui tức là của một tu viện hay tổ chức nào đó là một thứ điều lệ người ta nghĩ về giới nó là sự bảo chứng cho một truyền thống, ví dụ như một người tu theo tông này phái kia phải ăn như vậy phải mặc như vậy.

Chúng tôi nhớ có một lần sang Tích Lan và chúng tôi đi theo một vị Trưởng Lão, vị Trưởng Lão này tu theo phái Siamnikaya tức là một truyền thống Phật Giáo cũng của Nguyên Thủy nhưng do Chư Tăng Thái Lan truyền sang và trên đường đi chúng tôi có cầm theo một chiếc lá,chiếc lá này đặc biệt của Chư Tăng một phái khác họ dùng để che nắng, và vị Tăng này không có vui nói với chúng tôi hãy bỏ chiếc lá đó đi tại vì nếu chúng tôi cầm chiếc lá đó người ta sẽ nghĩ chúng tôi đang đi với một vị Tăng không phải phái Siamnikaya .

Thì chúng tôi được biết rất nhiều những hình thức ở bên ngoài mà những hình thức này có đôi lúc người ta lầm tưởng nó là giới và kể cả có một bộ phận lớn của Phật Giáo khi đề cập đến giới thì chỉ là một ước lệ qui định thế nào là tông này thế nào là phái kia. Nhưng thực sự cốt tủy của giới Đức Phật Ngài dạy ở tại đây giới trước nhất là mang lại cho chúng ta cái nghị lực, nghị lực thấy rằng mình có khả năng tự chủ và thứ hai là nó mở rộng cánh cửa để chúng ta đi vào một thế giới và trong thế giới này chúng ta phải tự mình hiểu được mình phải phấn đấu lại chính thân và tâm chính những thói quen chính những tập khí của mình như thế nào.

Có thể nói tôn giáo thường được người ta đón nhận một cách rất nhanh chóng trong đời sống và đặc biệt là qua niềm tin và dựa trên niềm tin đó chúng ta lại đưa ra một cái nhìn hết sức chủ quan đó là giới luật của Đạo Phật đó là những điều Đức Phật Ngài bắt chúng ta phải tuân giữ tại vì chúng ta là Phật tử là con Ngài, điều nào lên làm điều nào không nên lên làm. Nói như vậy chúng ta chưa thấy cái dụng của giới tức là chưa thấy sự ứng dụng khả dĩ mang lại một điều kiện hết sức quan trọng, như chúng ta nói đến giới học ở trong Tam Học hay nói đến Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng ở trong Bát Chánh Đạo, hay Giới Tịnh ở trong Thất Tịnh. Thì về điểm này cũng nhắc rằng dĩ nhiên giới không phải là cứu cánh nhưng mà giới là bước đầu. Và Ngài Punna trả lời Tôn Giả Xá Lợi Phất: "Mặc dù cứu cánh phạm hạnh không phải là giới nhưng nó là trạm xe đầu tiên", thì phải đi đến trạm xe đó đến trạm xe thứ hai, rồi đến trạm xe thứ hai chúng ta phải đi đến trạm xe thứ ba. Nhưng không ai có thể đi một cuộc hành trình mà không qua giai đoạn đầu không qua trạm đầu tiên hết.

Dựa trên câu chuyện duyên sự của bài kệ ngôn 110 và cũng dựa trên ý lý của bài kinh thì từ bài kinh này trở đi chúng ta sẽ tìm thấy rất nhiều một số sự so sánh của Đức Phật. Và khi Đức Phật làm một cuộc so sánh như vậy thì dĩ nhiên là Ngài trực tiếp để khai thị cho một số người đang lắng nghe Ngài, những người này cần có một dứt khoát là cái gì là cái giá trị thật sự và cái gì không có giá trị thật sự. Thái độ dứt khoát trong sự lựa chọn này nó là một bài học lớn chẳng những nó là một bài học lớn mà nó còn giúp cho chúng ta tiết kiệm được rất nhiều năng lực của mình và biết đặt năng lực của mình ở chỗ nào đúng chỗ.

Đọc những chuyện tích xưa và những câu Phật ngôn tương tự Đức Phật Ngài đã gói ghém ở trong những câu nói đó vào một nhân duyên đúng chỗ, đúng người, đúng lúc, đúng việc khiến cho những người này họ có thể đón nhận những lòi dạy tuy rất ngắn ở trong 4 câu kệ như vậy nhưng nó đã trở thành một kết luận của họ về cái gì thật sự có giá trị một đời sống trước đây và đời sống bây giờ.

Thậm chí có khi Đức Phật Ngài lại nói một cách rất tỉ mỉ Ngài nói: "dù một khảy móng tay ở trong một khoảnh khắc rất nhỏ một người phát tâm từ đối với tất cả chúng sanh trong cõi đời này thì Như Lai cũng gọi đó là có công đức vô lượng lợi lạc".

Thì những cái thước đo như vậy, những lời dạy của Đức Phật như vậy không phải đơn giản, không phải dể cho chúng ta đón nhận vào lòng bởi vì đây không phải là câu ca ngợi bình thường mà điều này nói lên một vai trò một vị thế của một pháp môn và trong pháp môn đó nó là một khởi đầu, người nào mà khởi đầu tốt thì phải nói rằng người đó đã đi được ít nhất một phần ba đoạn đường, sự khởi đầu rất quan trọng, cổ nhân có nói "vạn sự khởi đầu nan". Nhưng có thể nói hơn thế nữa, không phải chỉ có sự khởi đầu nghiêm túc là cần thiết mà nó còn xây dựng cho chúng ta biết được hướng đi của chúng ta về đâu.

Chúng tôi nhớ có một lần trên một chiếc tàu ra ngoài biển khơi ngồi bên cạnh người tài công và nhìn vào la bàn người này nói với chúng tôi chỉ một hai độ lệch hướng thôi mà không cẩn thận thì cuộc hành trình nó đã hoàn toàn khác. Cái bước đầu là những gì người ta xem rất tầm thường nhưng bước đầu đó lại quyết định chung cuộc rất nhiều, nó quyết định phần đường còn lại rất nhiều. Có nhiều người xem thời thơ ấu của trẻ con không quan trọng nhưng chính sự giáo dục của cha mẹ dành cho con vào thời niên thiếu vào thời kỳ còn thơ ảnh hưởng lớn về sau này.

Cũng tương tự như vậy nếu một người có sự bắt đầu nghiêm túc, có sáng suốt về cơ sở về giới của mình, cảm thấy hoan hỉ trong giới, cảm thấy lợi lạc ở trong giới, thì người đó họ sẽ có những thành tựu rất lớn mạnh về sau này về thiền định. Về yếu tố này giải thích tại sao trong sớ giải nói trong đời này có những người hành nan đắc nan, có những người hành nan đắc dị, có những người hành dị đắc dị, có những người hành dị đắc nan, nghĩa là có những người tu khó mà chứng khó, có người tu khó mà chứng dễ, có người tu dễ mà chứng khó, có người tu dễ mà chứng dễ, là bởi vì sự bắt đầu của họ có cơ sở hay không./.