Monday 22 February 2016

Kệ Ngôn 106 - Tín Ngưỡng và Tín Tâm - TT Trí Siêu


Psychotheraphy, Meditation
Kệ Ngôn 106
Tín Ngưỡng và Tín Tâm
KinhPhapCuGiảng Sư: TT Trí Siêu 

Tháng tháng bỏ ngàn vàng
Cúng bái đến trăm năm
Không sánh bằng một phút
Cúng dường bậc chân tăng
Những thiện hạnh như thế
Tế tự nào sánh bằng

.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali
Maase maase sahassena
yo yajetha sata.m sama.m
Eka~nca bhaavitattaana.m
muhuttamapi puujaye
Saa yeva puujanaa seyyo
ya~nce vassasata.m huta.m.

Minh Hạnh chuyển biên

TT Trí Siêu:Kinh Pháp Cú kệ ngôn 106 được Đức Thế Tôn thuyết tại Veluvana Trúc Lâm. Duyên khởi Đức Phật thuyết cho người chú của Tôn Giả Xá Lợi Phất, một vị Bàlamôn với tín ngưỡng hàng tháng bỏ ra 1000 đồng vàng để các vị Bàlamôn cúng tế. Tôn Giả Xá Lợi Phất vì bi mẫn muốn tế độ quyến thuộc nên Ngài đã hướng dẫn người chú của mình đến diện kiến Đức Phật và Đức Phật đã thuyết bài kệ ngôn 106

Bài kệ đã được Đức Phật thuyết với ý nghĩa chúng ta sẽ nghe và sẽ thảo luận về vấn đề tín ngưỡng và lòng tịnh tín trong đạo Phật giá trị như thế nào. Trước hết chúng ta hãy bàn qua về ý nghĩa thờ cúng tế tự.

Thưở xưa khi Đức Thế Tôn chưa xuất hiện và sau khi Ngài xuất hiện tại Trung Ấn Độ bấy giờ người dân xứ Ấn Độ theo rất nhiều môn phái và những môn phái đó có một khuynh hướng tín ngưỡng tế tự thờ các vị thần như thờ thần lửa hoặc thờ bò, thờ chó hoặc thờ rắn v.v... Có một số Bàlamôn họ tế tự với mục đích để được sanh về cõi Phạm Thiên. Mặc dù với những tín ngưỡng đó nhưng họ luôn luôn áp đặt niềm tin của tín đồ thực hiện những nghi thức theo như Đức Phật nhận xét đó là những nghi thức thật vô ích, những nghi thức có thể đưa đến sự sát hại sinh linh như giết người, giết vật lấy máu cúng tế, mỗi một lần cúng tế như vậy họ tốn rất nhiều tiền bạc và công sức để làm một buổi lễ. Khi Đức Phật xuất hiện ở đời Ngài thuyết pháp chỉ dạy chúng sanh về cách tế tự có lợi ích hơn. 

Kệ ngôn 106, người chú của Tôn Giả Xá Lợi Phất là một vị Bàlamôn sùng đạo Bàlamôn muốn cầu sanh về cõi Phạm Thiên, ông giàu nên ông đã bỏ tiền ra cả ngàn đồng để nhờ các vị Bàlamôn đạo trưởng làm những cuộc lễ tế thần. Đức Thế Tôn đã thuyết lên bài kệ để nói lên giá trị của một người có tâm tịnh tín cúng dường đến các bậc chân tu sự tế tự này sẽ có giá trị hơn và đạt được quả báo cao hơn.

Mới nghe qua chúng ta đừng nghĩ Đức Thế Tôn Ngài muốn tán thán về sự cúng dường đến các vị đệ tử của Ngài và Ngài, không phải như vậy.

Ở đây chúng tôi sẽ phân tách trạng thái tâm của người cúng dường và nói sự cúng dường như thế nào có được quả báu lớn.

Sự bố thí cúng dường, sự bố thí đó là một hình thức, Đức Phật Ngài dùng danh từ yajetha để chỉ cho sự cúng dường, sự bố thí.

Và hutam: là sự hiến cúng, tế tự. Nhưng sự cúng tế này lại mang một giá trị khác, một tác dụng khác.

Theo chánh ngữ hình thức dân gian một người có niềm tin có sự tín ngưỡng theo một đạo nào, một môn phái nào, niềm tin của họ không cần phải xử dụng trí tuệ, không cần phải suy nghĩ đúng hoặc sai họ chỉ biết tin và họ chỉ biết phải làm theo những gì thuộc về tín điều ghi trong kinh điển của họ buộc tín đồ phải tin tưởng và phải cầu nguyện và họ bất chấp sự đau khổ của chúng sanh khác, bất chấp những hành vi tội lỗi đem đến sự bất an cho người khác, chẳng hạn, những con người hoặc những con vật bị làm hi sinh tế lễ, họ không cần biết những chúng sanh này có sự đau khổ hay không và làm như vậy có lợi ích hay không và đối tượng thần linh mà họ cúng tế đó có chứng minh được hay không và có hoan hỉ chấp nhận như vậy hay không, họ không cần biết, họ chỉ biết thánh điển kinh điển của họ dạy như thế nào họ làm như vậy.

Sự tín ngưỡng nhân gian, một tôn giáo hành động mù quáng không có trí tuệ, không có chánh tri kiến , không có đem lại lợi lạc cho chúng sanh, không đem lại lợi ích cho mình chắc chắn điều đó sẽ không có kết quả như mong muốn. Bởi vì những người nào tầm cầu sự an lạc dùng gậy trượng hại người thì người đó sẽ không được sự an lạc do hành vi bất chánh của họ.
Cũng giống như một người muốn lấy dầu thực vật nhưng thực tế họ không biết cách ép dầu thay vì phải dùng đến đậu phụng hoặc mè để ép dầu nhưng họ lại lấy sỏi hay lấy cát ép và họ nghĩ rằng họ sẽ lấy được dầu. Mong muốn là khác, hành vi trái với sự thực trái với lẽ đạo là khác, không đúng theo cách thức trí tuệ thì hành động đó sẽ không bao giờ được thành tựu như ý.

Một người muốn sanh lên cõi Phạm Thiên, cộng trú với Phạm Thiên thì họ phải an trú với pháp môn vô lượng tâm hay bốn pháp phạm trú như Đức Phật đã từng thuyết giảng hoặc các vị Alahán đã từng thuyết giảng cho các vị Balamon. Thì thay vì làm như vậy họ lại nghĩ rằng giết người giết vật sát hại sanh linh để lấy máu tế thần lửa sẽ được sanh về cõi Phạm Thiên đây là một điều chỉ tổn phí công sức và đưa đến sự thiệt hại về tâm lý đạo đức chứ không có lợi ích gì.

Còn ở đây khi Đức Phật Ngài dạy sự tế tự: Nếu một giây phút cúng dường đến một vị đã thật sự giác ngộ như các vị thánh đã đạt đến thánh vức, như những vị thấp nhất những vị đã đạt được quả vị Tư Đà Hoàn, những vị đã đoạn tận ba kiết sử thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, và cao nhất là vị Alahán đã hoàn toàn thanh tịnh tam nghiệp đã được trong sạch, phiền não đã được đoạn trừ với tâm mát lạnh với tâm từ bi vô lượng với giới đức thanh tịnh trang nghiêm quả thật sự cúng dường cho một bậc thánh nhân như thế dầu cho một giây phút cũng hơn cả trăm năm bỏ tiền ra để tế tự.

Tại sao vậy?

Trong Tăng Chi Bộ kinh Đức Phật Ngài có giải thích có bốn sự kiện cúng dường:

1 - Có những cuộc bố thí cúng dường thanh tịnh ở người cho nhưng không thanh tịnh ở người nhận.
2 - Có những cuộc bố thí cúng dường không thanh tịnh ở người cho mà thanh tịnh ở người nhận.
3 - Có nhiều cuộc bố thí cúng dường thanh tịnh ở người cho và thanh tịnh ở người nhận.
4 - Có những cuộc bố thí cúng dường không thanh tịnh ở người cho cũng không thanh tịnh ở người nhận.

Trong bốn sự bố thí này, sự bố thí nào thanh tịnh ở người cho và cũng thanh tịnh ở người nhận phước báu lớn nhất vô lượng công đức.

Sự bố thí cúng dường thanh tịnh ở người cho nhưng không thanh tịnh ở người nhận phước báu chỉ là một sự khiếm khuyết thiên nặng về hạnh tu tập của một vị Bồ Tát. Vị Bồ Tát khi Ngài bố thí cho ai đó lúc bấy giờ Ngài chỉ nhận thức được thái độ xả bỏ tâm cố chấp của mình và không có lòng bỏn xẻn như vậy là đủ rồi còn đối tượng thí như thế nào đi nữa thì Ngài cũng không cần để ý thì ở đây mục đích làm phước của vị Bồ Tát chỉ có vậy. Nhưng đối với những người muốn thành tựu được quả phước lớn người đó cúng dường đến các bậc chân tu những bậc thánh nhân sự cúng dường đó quả hữu lậu thật là to lớn.

Sự cúng dường không thanh tịnh ở người cho, không thanh tịnh ở người nhận, đôi khi sự bố thí này quả rất hạn chế.

Trong trường hợp người cho được thanh tịnh như thế nào?

- Trong đoạn kinh Đức Phật Ngài giải thích khi thí chủ có giới thanh tịnh, người có niềm tin trí tuệ, người có chánh tri kiến hiểu biết nhân quả một cách đúng đắn được gọi là thanh tịnh ở người cho.

Thanh tịnh ở người nhận là như thế nào?

Nếu người thọ thí là một vị xuất gia, một vị thánh nhân có thân nghiệp thanh tịnh, khẩu nghiệp thanh tịnh, ý nghiệp thanh tịnh, thành tựu giới nghiệp thanh tịnh có đầy đủ trí tuệ, và nhất là vị đó thành tựu được tri kiến giải thoát thì như vậy được gọi là thanh tịnh ở người nhận.

Tại sao trong cuộc bố thí nếu như có sự thanh tịnh ở người cho và thanh tịnh ở người nhận lại có phước đức vô lượng? Bởi vì trong một thiện sự nào làm bằng tâm tương ương trí - ñāṇaṃ sampayuttā, thiện sự đó sẽ có quả báo lớn lao. Nếu nói theo A Tỳ Đàm sẽ thành tựu 16 loại tâm quả. Và 16 loại tâm quả đó sẽ sản sanh ra những lợi ích lớn lao không thể xiết nổi, không thể đếm được, không thể đo lường được. Trường hợp này chúng ta cũng phải hiểu vì sao Đức Phật Ngài dạy "kammavipāka acinṭeyya - nghiệp quả bất khả tư nghì" là như vậy.

Một người làm phước bằng tâm ly trí, chẳng hạn như có sự tín ngưỡng nhân gian, một tín ngưỡng theo một tôn giáo áp đặt bởi tín điều chỉ biết nhắm mắt tin không cần biết hợp lẽ đạo với luật nhân quả đúng hay sai được lợi ích như thế nào không cần biết, trong trường hợp đó rõ ràng người này làm những hành động không tương ưng với trí tuệ và trong khi làm họ nghĩ họ làm điều thiện làm điều công đức nhưng thật ra đó là điều phi công đức.

Chẳng hạn như trường hợp có những tín ngưỡng bắt buộc tín đồ chỉ phải tin theo không được miễn cưỡng, không được cãi lại và có những điều hết sức phi lý, chẳng hạn như trường hợp giết người giết vật để lấy máu cúng tế thần là một hành động phi lý và phi pháp phi công đức. Quả thật có những tín ngưỡng người ta cho rằng nếu như theo thánh pháp của họ những ai sát hại những người ngoại đạo, giết hại những người không theo đạo của mình giết càng nhiều càng tốt thì sẽ được thần hay thánh giáo chủ của họ ban phước cứu rỗi. Rõ ràng , với niềm tin như vậy và cứ nhắm mắt làm như vậy trong buổi lễ nào cũng tốn kém nhưng sự tốn kém một cách phi lý như vậy không đúng theo đường lối để phát sanh lên thiện quả.

Chúng ta không ngạc nhiên gì khi Đức Phật Ngài tuyên bố người tế tự cả trăm năm, tháng tháng bỏ ra ngàn đồng vàng để làm phước như ông Bàlamôn chú của tôn giả Xá Lợi Phất làm mà không hiểu công việc và không đi đúng mục đích của thiện sự thì chẳng có lợi ích gì.

Một người có niềm tin bằng trí tuệ và hiểu biết được lý nhân quả thấy những chúng sanh khác đang cần sự giúp đỡ cần những vật nhu cầu trong cuộc sống để nuôi mạng v.v... người này với tâm xả kỷ dứt tâm bỏn xẻn họ đem tài vật bố thí. Nếu như họ bố thí bằng niềm tin bằng sự cung kỉnh dẹp bỏ tâm ngạo mạn, và đứng trước đối tượng thí là những vị Thánh nhân, hay là những bậc chân tu, những vị có trí tuệ có giới hạnh thanh tịnh, những bậc đang đi trên con đường hướng đến giải thoát, và tâm của vị thọ thí những vị đó không bị dính mắc trong lợi đắc cung kính, và vị này chỉ thọ dụng vừa phải với hạnh thiểu dục tri túc để sống và thực hành phạm hạnh chớ không có sự đắm nhiễm. Trong trường hợp này chúng ta thấy với cuộc bố thí như vậy càng tăng thiện tâm thêm, sự tăng thêm thiện tâm do đó phước báu được vô lượng.

Một người chỉ có niềm tin và có sự bố thí cúng dường nhưng không có trí tuệ không có tri kiến để hiểu tuy nhiên họ vẫn có sự hoan hỉ có sự cung kính đối với bậc chân tu, trong trường hợp này họ cũng gặt hái được phước báu lớn hơn sự tế tự, bởi vì đối tượng thí lại là phước điền vô thượng, lại là những vị có thể làm thành tựu công đức của thí chủ. Đây cũng là một sự kiện để phát sanh lên phước báu.

Trong cuộc bố thí, người thí chủ là một người thanh tịnh có giới đức trang nghiêm, có niềm tin, có trí tuệ thì người này trong khi làm một thiện sự họ tăng trưởng thiện sự với trí tuệ của mình khéo tác ý dứt lòng bỏn xẻn để dứt trừ phiền não thì cho dù đối tượng thí đó là một đối tượng như thế nào, có tánh hạnh như thế nào, người thí chủ với tâm tốt đẹp như vậy, sự bố thí cúng dường như vậy với thiện tâm cao đẹp như vậy người này cũng gặt hái được quả trong tương lai.

Như vậy trong bốn sự cúng dường đó chúng ta thấy nếu một người bố thí cúng dường được thanh tịnh ở đối tượng bên đây hay phía bên kia, hoặc thanh tịnh cả hai cũng được phước báu, nhưng nếu được thanh tịnh cả hai phía phước báu sẽ tốt đẹp hơn.

Bố thí có hai cách gọi là pùjena dānaṃ là bố thí bằng sự cúng dường bố thí theo cách cúng dường với tâm cúng dường.

Thứ hai gọi là anuggahacittena dānaṃ tức là bố thí với tâm tế độ. Một người Phật tử thanh tịnh về giới có niềm tin có trí tuệ gặp những người nghèo khổ những người ăn xin hay gặp những chúng sanh bất hạnh họ khởi lên lòng bi mẫn và nghĩ rằng những chúng sanh này đang cần sự giúp đỡ của mình người này với tâm xả tài tác ý đến việc đem lại an lạc cho chúng sanh khác và cũng dứt trừ phiền não bỏn xẻn trong nội tâm, người này nghĩ như vậy cho nên người này bố thí thì sự bố thí này phước báu phát sanh tại chỗ là thiện tâm của người này.

Khi một người cúng dường các vị Samôn được thanh tịnh các vị xuất gia được thanh tịnh thì người này sẽ được phước báu từ nơi tâm từ an trú, hay tâm bi an trú, tâm hỉ tâm xả an trú và do chánh tri kiến của người thọ thí khi vị này khởi nên một ước nguyện mong cho thí chủ này được an lạc mong cho thí chủ này được thành tụ hạnh phúc thì với một vị thanh tịnh khi thọ thí của thí chủ vị đó sẽ làm tăng trưởng công đức của thí chủ hiệp theo tâm của người đó có sự hoan hỉ cung kính cúng dường thì như vậy phước báu phát sanh lên.

Vấn đề bố thí cúng dường đến các bậc chân tu những vị đã đoạn trừ một số phiền não hay đoạn trừ tất cả phiền não hoặc những vị đang thực hành chánh pháp, thực hành chân chánh phạm hạnh đưa đến giải thoát thì sự bố thí cúng dường đó sẽ có phước báu hơn sự tế thần lửa hay những tín ngưỡng suông. Trong trường hợp đó chúng ta phải hiểu Đức Thế Tôn thuyết dựa trên cơ sở lý nhân quả chắc thật với trí giác ngộ của mình, Ngài đã hiểu thấu nơi nào thiện pháp sanh khởi nơi đó có quả an vui. Trong sự bố thí cúng dường thiện pháp được tăng trưởng, quả được tăng trưởng bởi vì sự bố thí xả tài có những nguyên nhân để khiến thí chủ được thành tựu tốt đẹp. thành tựu thiết thực quả báu.

Có 3 điều nên biết về việc bố thí:

1. Thứ nhất. Khi người thí chủ bố thí hoặc cúng dường trước nhất tâm người này đã có sự dứt bỏ phiền não, dứt bỏ tâm san lẫn hay tâm bỏn xẻn. Khi dứt bỏ được tâm bỏn xẻn san lẫn không có sự chấp thủ tài sản của mình người này được xem như có thiện pháp sanh khởi.

2. Thứ hai. Trong sự bố thí cúng dường tại sao có quả báu nhiều?
Bởi vì thiết thực ở chỗ nhờ sự bố thí cúng dường này người thọ thí sẽ được 5 điều là:
1. sống còn,
2. được thành tựu thọ mạng,
3. dung sắc an vui,
4. sức mạnh
5. và trí tuệ.
Do vậy, Đức Phật Ngài tuyên bố thí chủ khi làm phước bố thí cúng dường để giúp cho chúng sanh khác được thành tựu 5 điều này cho nên chính bản thân của thí chủ sẽ được quả báu tương ứng thành tựu 5 điều này, trong Tăng Chi Bộ Kinh Đức Thế Tôn đã dạy như thế. Đó là điểm thứ hai khi chúng ta thật sự bố thí cúng dường với tâm thiện sẽ được tăng trưởng quả báu.

3. Thứ ba. Trong sự bố thí cúng dường vì sao được quả tốt? Bởi vì với niềm tin và nếu được thêm một trí tuệ thiết thực hiện tại sống tự lợi và lợi tha đem lại hạnh phúc cho người khác và do đó bản thân của thí chủ được sự hoan hỉ được sự thoả thích nên phát sanh phước

"Nay vui đời sau vui, làm phước hai đời vui, người vui nghĩ rằng ta làm phước sanh thiện thú vui hơn.

Hoặc câu nói khác Đức Phật Ngài dạy: "Làm phước hai đời vui, nó vui nó an vui khi thấy nghiệp tịnh mình làm".

Quả thật như vậy, mỗi khi nghĩ đến việc làm thiện của mình không đem lại đau khổ cho chúng sanh khác chỉ làm lợi ích cho chúng sanh khác thì chính người thí chủ với tâm hoan hỉ như vậy phát sanh được phước báu. Những điều đó cho chúng ta biết tại sao sự bố thí cúng dường với lòng tịnh tín được phước báu hơn cả trăm năm tế tự. Còn trong khi sự tế tự người này bỏ tiền ra để làm cuộc tế tự nhưng trong cuộc tế tự đó tại sao gọi phi công đức là bởi vì người này họ sẽ có những điều có những yếu tố không đem lại phước báu.

Điểm thứ nhất, không phải với niềm tin trí tuệ, không phải với thiện tâm mà chỉ làm với sự tham cầu với tham vọng nào, đó là làm bằng tâm bất thiện.

Điểm thứ hai, trong khi tế tự người này bất chấp thủ đoạn có thể giết hại sinh linh để tế thần, trong trường hợp đó rõ ràng đem lại đau khổ cho chúng sanh khác, một người tầm cầu sự hạnh phúc cho mình nhưng gây đau khổ cho chúng sanh khác, người đó sẽ không bao giờ được hạnh phúc.

Điểm thứ ba, do tà kiến hiểu lầm quấy cho là phải, phải cho là quấy, những cái sai cho là đúng. Trong trường hợp do tà kiến như vậy họ sẽ không thành tựu được công quả lớn lợi ích lớn.

Ở đây, với câu kệ ngôn Đức Phật đã giảng giải trong trường hợp đó chúng ta đừng nghĩ rằng Đức Thế Tôn đã tự tán thán công đức cúng dường cho đệ tử Ngài, cũng như sự cúng dường Ngài để Ngài hưởng lợi lộc hay đệ tử của Ngài hưởng lợi lộc. Không phải như vậy. Trên thực tế Đức Thế Tôn biết rõ đối với vị đệ tử đã giải thoát, một vị thánh đệ tử đã diệt trừ phiền não, thì đối vị thánh đệ tử đó không có lòng tham luyến theo lợi đắc và cung kính. Vì vậy sự thọ dụng của các vị này không làm tổn hại cho thí chủ mà trái lại tăng trưởng cho thí chủ khi thí chủ có lòng tịnh tín đem đến cúng dường, và Ngài thường thí dụ trong trường hợp này một vị Thánh khi thọ dụng của thí chủ đàn na tín thí cũng gìống như một con ong khi hút mật một bông hoa chỉ hút lấy mật vừa đủ không làm hại hương và sắc của bông hoa như thế nào thì ở đây đối với một vị Thánh khi thọ dụng của thí chủ không làm tổn hại vị thí chủ như thế đó. Vì ý nghĩa này Đức Thế Tôn Ngài mới trình bày giảng thuyết câu kệ ngôn trên.

Trong sự tu tập, người Phật tử đừng nghĩ khi chúng ta đến với Phật giáo giống như tín ngưỡng một tôn giáo. Nếu nói theo một cách thông thường, nói theo thiên hạ bàng quan họ cho rằng chúng ta có một sự tín ngưỡng một tôn giáo. Nhưng trên thực tế chúng ta phải biết đạo Phật là một đạo trí tuệ, Đức Phật Ngài không áp đặt ai có niềm tin với Ngài, Ngài không áp đặt tín điều cho những người khác phải tin tưởng lời dạy của Ngài, mà chúng ta đến để thấy Ngài chỉ y thuyết về giáo lý, những ai muốn thấy được chân lý hãy đến và sau khi đến rồi tự người đó hiểu, tự người đó thực hành và thành tựu được những lợi lạc những sự an vui và diệt trừ được phiền não, tự khắc người đó sẽ khởi lên lòng tịnh tín đối với Phật giáo, và nếu như người này chưa hiểu thấu và chưa thành tựu được mục đích cứu cánh phạm hạnh người này muốn bỏ đi thì trong trường hợp đó Đức Phật Ngài cũng không dọa nạt tìm cách kéo níu người đó trở lại và hứa hẹn cho người đó một sự ân sủng ân khải gì cả. Trong trường hợp này chúng ta thấy rõ ràng đối với Phật Giáo là một đạo hết sức thực tiễn và trên cơ sở này chúng ta thấy rõ Đức Phật Ngài thuyết pháp Ngài chỉ trình bày về những chân lý pháp cho nên những ai muốn tìm được chân lý pháp người đó theo đường lối đó thực hành, chỉ vậy thôi.

Thí dụ như sự khổ phát sanh ở đời do nguyên nhân tâm bất thiện trở thành bất thiện nghiệp, bây giờ muốn tránh sự đau khổ chúng ta không cần phải cầu nguyện, không cần phải tế lễ ai cả, tự mình diệt bỏ sự phiền não trong tâm và cố gắng tránh xa điều ác, đừng làm đừng nói và đừng suy nghĩ điều ác, như vậy sẽ không bị hậu quả cay đắng về sau.

Nếu muốn hạnh phúc trên đời, hạnh phúc ở cõi nhân thiên, hay hạnh phúc của hương vị giải thoát khỏi khổ trầm luân sanh tử, điều này cũng không cần sự tế lễ, không cần cầu nguyện xin ai mà chỉ thực hành trưởng dưỡng tâm thiện, vun bồi thiện nghiệp. Chính những thiện nghiệp, chính những tâm thiện sẽ đưa đến quả báu tốt đẹp quả báu an vui, "Hễ trồng dưa thì được dưa, trồng đậu được đậu, chưởng hoa hoàn đắc hoa, chưởng đậu hoàn đắc đậu".

Khi đến với Phật Giáo chúng ta phải nhớ luật nhân quả rõ ràng như xem chỉ tay trong bàn tay vậy, do tự ý mình lựa chọn. Và ở đây tự bản thân mình sẽ quyết định vận mệnh của mình trong tương lai hạnh phúc hay đau khổ, cũng do mình cả, Đức Phật chỉ là một bậc đạo sư chỉ đường dẫn lối Ngài chỉ bày, Đức Thế Tôn Ngài tuyên bố rằng "các đấng Như Lai chỉ là những vị thuyết minh về giáo pháp còn sự nỗ lực đòi hỏi ở chính các ngươi"

Đức Thế Tôn thuyết câu kệ này không phải Đức Phật Ngài muốn đề cao chính bản thân Ngài và cũng không phải Ngài muốn đề cao đệ tử của Ngài. Ngài không bao giờ nói hãy cúng dường cho Như Lai và đệ tử Như Lai sẽ có phước báu còn cúng dường cho người khác không có phước báu, bố thí cho những người khác không có phước báu. Chúng ta đừng nghĩ như vậy.

Mặc dầu trong bài kệ này chúng ta thấy rõ Đức Thế Tôn Ngài thuyết câu kệ ngôn là Ngài thuyết trên phương diện muốn nhấn mạnh tầm quan trọng trong sự bố thí cúng dường đến các bậc giải thoát công đức của người thí chủ được tăng trưởng.

Trong kinh Tương Ưng Đức Phật Ngài dạy:

- "Này Chư Tỳ Kheo, ví dụ như một người đổ nước rửa chén trong đó còn chút ít cặn bã vật thực trên đất với tác ý mong nhờ chút ít cặn bã vật thực này sẽ giúp nuôi mạng các côn trùng. Chỉ suy nghĩ như vậy thôi là có phước. Này Chư Tỳ Kheo, hưống hồ là bố thí cúng dường".

Rõ ràng trong trường hợp đó Đức Phật Ngài đã nhìn nhận bố thí dầu cho đối tượng nào cũng có phước.
Bố thí cho loài súc sanh loài bàng sanh, loài thú cũng có phước.
Bố thí cho người dầu cho người đó là người ác cũng có phước hễ khi họ cần.
Nhưng quả báu còn thua kém bố thí cho người tu tập có chánh kiến, có giới hạnh.
Bố thí cho người tu tập có chánh kiến có giới hạnh còn phàm phu không bằng bố thí cho bậc hữu học.
Bố thí cho bậc hữu học cũng không không bằng bố thí cho bậc đã giải thoát là bậc Thánh A La Hán.
Bố thí cho bậc Alahán Thinh Văn không bằng bố thí cho vị Alahán Độc Giác.
Bố thí cho vị Alahán Độc Giác không bằng bố thí cho vị Toàn Giác.
"Nhưng bố thí riêng cá nhân đến vị Toàn Giác, Đức Phật" thì Đức Thế Tôn Ngài khuyên rằng "dù vậy cũng không bằng sự bố thí đến Tăng chúng, vì này Chư Tỳ Kheo bằng mọi phương diện ta không bao giờ nói rằng bố thí cho một cá nhân lại có phước báu nhiều hơn bố thí cho tập thể Tăng chúng".

Đây là những lời Đức Thế Tôn đã thuyết trong bài kinh Dakkhinàvibhanga sutta - kinh Cúng Dường Phân Biệt trong Trung Bộ Kinh

Ở đây chúng ta không có vấn đề gì để thắc mắc hay khó hiểu khi Đức Thế Tôn đã nói như vậy.

Ở đây Đức Phật cho phép chúng ta khi nghe những điều gì bậc Đạo Sư thuyết giảng chúng ta không nên vội tin, không nên vội bỏ, chúng ta nên dùng trí tuệ để suy xét, nếu trong sự bố thí chúng ta trưởng dưỡng được tâm thiện và càng sanh khởi tâm thiện nhiều thì chúng ta biết rõ bố thí là có phước báu. Thí dụ, có những người ở nước ngoài gửi tịnh tài tiền bạc giúp đỡ viện mồ côi hay các công tác từ thiện hoặc giúp đỡ bà con những người nghèo khổ chẳng hạn, trong trường hợp đó vẫn có phước. Thế nhưng người này họ lại có sự hoan hỉ cúng dường tịnh tài cho một vị tu sĩ dầu cho vị tu sĩ đó không thân quen không quyến thuộc nhưng khi biết được công hạnh, công đức, giới đức của vị này và họ gửi về cúng dường thì tự nhiên tâm họ hoan hỉ hơn, tâm của họ thoải mái hơn và sự thoải mái đó làm tăng trưởng tâm thiện nhiều hơn, do đó tự họ khẳng định rằng như vậy trong việc cúng dường này phước báu nhiều hơn bởi vì họ hoàn toàn với tâm xả tài, họ hoàn toàn không phải mang một gánh nặng một trách nhiệm mà họ nghĩ rằng họ cúng dường cho bậc giới đức thì trong trường hợp đó tự họ đã xác định được rằng sự bố thí cúng dường phước báu nhiều hơn là gửi tiền giúp đỡ cho những người nghèo khổ v.v... Trong trường hợp này chúng ta thấy rõ ràng là như vậy.

Cho nên ở đây, đối với đạo Phật khi tu tập trong giáo pháp chúng ta phải biết nếu như chúng ta tin tưởng đạo Phật như một tín ngưỡng nhân gian và chúng ta làm theo những gì Đức Phật chỉ dạy mà chỉ nhắm mắt làm không cần có sự suy nghĩ thì dầu cho chúng ta có được mệnh danh là người Phật tử là một người theo tín ngưỡng đạo Phật nhưng công đức phước báu của chúng ta cũng không thù thắng. Còn khi chúng ta đến với đạo Phật đến bằng chánh tri kiến với trí tuệ hiểu biết rõ ràng rồi chúng ta mới hành động mới tu tập, và trong sự tu tập đó chúng ta đoạn trừ những phiền não đưa đến sự khổ đau trong tương lai thì rõ ràng đây là hành động sáng suốt đưa đến lợi ích thiết thực cho chúng ta ngay trong hiện tại được an lạc và trong tương lai chúng ta cũng được an lạc, và cuối cùng chính con đường thiện sự này sẽ đi đến điểm kết thúc cho chúng ta tức là chấm dứt sanh tử luân hồi.

Chúng tôi đã trình bày xong ý nghĩa của câu kệ ngôn 106 ./.

Monday 1 February 2016

Kệ Ngôn 104-105 Sự Chiến Thắng Đích Thực - TT Giác Đẳng

Psychotheraphy, Meditation
Kệ Ngôn 104 - 105

Sự Chiến Thắng Ðích Thực
KinhPhapCuGiảng Sư: TT Giác Ðẳng 

Tự thắng mình tốt đẹp
Hơn khuất phục tha nhân
Người điều phục tự thân
Biết sống bằng tự chế

Chư thiên, Càn thát bà
Ma vương và Phạm thiên
Không thắng bậc trí hiền
Ðã tự mình nhiếp hoá


Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali
Attaa have jita.m seyyo yaa
caaya.m itaraa pajaa
Attadantassa posassa nicca.m
sa~n~natacaarino.

Neva devo na gandhabbo
na maaro saha brahmunaa
Jita.m apajita.m kayiraa
tathaaruupassa jantuno.
Minh Hạnh chuyển biên
Duyên Sự
Một Bà La Môn chuyên nghề cờ bạc đến hỏi Ðức Phật về lý lẽ của được và mất. Ðức Thiện Thệ giảng cho ông nghe thế nào là sự thất bại và thắng đạt thật sự trong đời rồi Ngài kết luận bằng 2 kệ ngôn trên.

TT Giác Đẳng: Học hai kệ ngôn này có thể gợi nhắc chúng ta một bài học luân lý rất quen thuộc là con người mình phải có khả năng để tự thắng mình. Tự thắng mình là một cái gì rất vinh quang. Nhưng phải nói hai câu kệ ngôn này đã nói lên một ý hướng hết sức quan trọng ở trong cuộc sống của chúng ta.

Trong bài kinh Đế Thích Sở Vấn hay Sakka-panha Sutta trong Trường Bộ Kinh, Đức Phật Ngài dạy một người tu tập phải biết nhìn thấu Ngài gọi là tầm. Có những tầm mang lợi lạc cho chúng ta và có nhiều thứ tầm chỉ mang lại phiền não. Tầm ở đây chúng ta nói đến ý hướng, chúng ta nói đến một khuynh hướng cá nhân của mình. Ý hướng này được Đức Phật Ngài dạy ở trong cuộc sống mình có hai mạch sống chính và hai qua mạch sống đó nếu chúng ta hiểu và nếu chúng ta tu tập dựa trên hai mạch sống đó chúng ta sẽ thành tựu nhiều điều vi diệu:

1. Thân Hành. Thân Hành tức là hơi thở, cái gì thuộc về thể chất của chúng ta. Hơi thở có một vai trò đặc biệt hơn chúng ta nghĩ chỉ hít vào và thở ra. Dĩ nhiên, ai cũng biết dưỡng khí cần nhưng hơi thở có một địa vị rất quan trọng, những người thực hành Du-Già cho chúng ta biết chuyện đó.

2. Và Tâm Hành, chúng ta có thể biết rõ khuynh hướng của chúng ta là gì, cảnh giới nào chúng ta đang hướng đến.

Bài kệ này Đức Phật nói lên ở trong thế giới chúng ta đang sống có lẽ nó phát xuất từ ngã tính của mình, chúng ta luôn luôn muốn tìm một vị trí, tìm một sự thành đạt, và trong vị trí thành đạt đó không thể nào tự mình cảm thấy thoả mãn được nếu nó không có sự so đo với người khác. Và còn hơn thế nữa, trong sự so đo dẫn chúng ta đến chuyện ganh đua, trong sự ganh đua chúng ta luôn luôn mong muốn mình ở phần thắng thế. Về điểm này phải nói nó đã sống từ ở trong não của con người chúng ta, không thể phủ nhận được đa số chúng ta đều sống với một thước đo của xã hội.

Có một lần chúng tôi đến tỉnh Udon của Thái Lan, chúng tôi có hỏi thăm về một số trường hợp cha mẹ bán những đứa con của mình để có tiền, chuyện này hết sức bi đát vì nó có thể làm hỏng cả cuộc đời con của mình. Chúng tôi có hỏi thăm những người tại đó: "Có phải vì ngày hôm nay đời sống dân ở đây quá nghèo nên họ mới làm như vậy phải không?" Một vị Sư ở trong làng nói cho chúng tôi biết: "Không phải vì người ta nghèo mà người ta bán con của mình" Đúng ra ngày xưa cách nay khoản vài ba chục năm cuộc sống tại đó vẫn nghèo hơn hôm nay. Nghèo hơn có nghĩa cuộc sống giản dị hơn, người ta bằng lòng với căn nhà lá với một chiếc nệm. Bây giờ nếu mình có một căn nhà lá một chiếc nệm và thậm trí có một bày gà nuôi ở trong vườn, một miếng đất để canh tác người ta không gọi là khá giả hơn, mà nhà phải có TV phải có xe đạp xe gắn máy rồi nhà phải lợp ngói lợp tôn v.v...

Nói chung, câu chuyện đó cho chúng ta thấy cái giàu cái nghèo cái được và không được đều dựa trên những sự ganh đua, mình có một TV màu cách đây khoản chừng mấy mươi năm thấy điều đó là một điều đặc biệt nhưng ngày hôm nay TV màu rất thường tại vì ai cũng có người ta không thấy điều đó đặc biệt nữa.

Chúng ta đi tìm một chỗ nào đó để nâng cao ngã tính của mình và để làm cho mình thấy mình quan trọng hơn mình đặc biệt hơn. Và chính vì điểm này đã dẫn chúng ta vào cuộc phiêu lưu bất tận ở trong cuộc đời này. Cuộc phiêu lưu đó không bao giờ chúng ta có thể dừng lại được, đã ra đi thì tiếp tục cho đến một ngày chúng ta mỏi mệt. Rất hiếm khi ở trong cuộc đời chúng ta có thể hướng tâm vào một cảnh giới mà cảnh giới đó khả dĩ có thể hóa giải được cái gì rất bản năng của mình.

Chúng tôi nhận thấy ngay cả trong đời sống xuất gia, có một lần chúng tôi nói chuyện với một vị Hoà Thượng, Ngài nói xem vậy chứ đi tu cái lợi dễ bỏ nhưng cái danh thì khó bỏ, có đôi lúc một nhà Sư có thể xả tài rất nhiều có thể cho ra rất nhiều thứ nhưng cái ngã cái danh đôi lúc rất nặng về điểm này.

Phải nói rằng cuộc sống của chúng ta là một cuộc cạnh tranh không ngừng giữa cá nhân này và cá nhân khác, và trong cuộc cạnh tranh đó nếu có cái gì gọi là hơn, cái gì gọi là được thì chúng ta cảm thấy thoả mãn, nhưng chúng ta quên rằng một chút hơn, một chút được đó sẽ đem lại cho chúng ta rất khổ về sau này, tại vì khi chúng ta càng vui với những cái được cái hơn của mình, chúng ta sẽ càng buồn với những cái không được và không hơn của mình.

Cuộc sống này có thể nói như những cây thảo mộc, những hoa đồng cỏ nội, chúng ta không biết thế nào gọi là hơn, thế nào gọi là thua, có những cây rất cao và có những loại thảo mộc chỉ bò ở dưới nhưng lại ra những trái, ví dụ như giàn bầu giàn bí không lớn như cây bàng nhưng bầu bí lại cho chúng ta những trái khác.

Nếu trong một cái nhìn hiểu biết, khách quan, bình tỉnh thì thắng bại ở thế gian này là cái gì rất tương đối như cây ở trong rừng, có những loại cây cho bông hoa, có những loại cây cho lõi, có những loại cây cho vỏ như cây quế, có những loại cây cho rễ như hàn thủ ô, rồi có những loại cây cho chúng ta bóng mát và có những cây chúng ta nghĩ nó vô dụng hoàn toàn nhưng chất xanh trong chất hữu cơ sẽ là một sự bồi đắp cho khu rừng chúng ta không biết được.

Một lần chúng tôi xem cuốn phim nói về loài kiến, loài kiến ăn những côn trùng khác như thế nào và nó giúp cho người ta kiểm soát hoa màu trồng trọt như thế nào. Hồi còn nhỏ khi chúng tôi ở chùa Thiền Quang ở Long Thành và mỗi lần đi gặp đàn kiến như vậy chúng tôi cảm thấy không thích lắm bởi vì những loài kiến này cắn rất đau. Nhưng khi coi bộ phim đó rồi mới thấy bức tranh thiên nhiên hoàn toàn không giống như chúng ta nghĩ mỗi sinh vật và những phần ở trong chu kỳ sinh hóa của con người chúng ta không biết cái nào quan trọng cái nào không quan trọng. Cũng như chúng ta nói về lý Thập Nhị Nhân Duyên có 12 mắc ở trong vòng tròn, hỏi cái nào quan trọng, có người nói vô minh quan trọng, có người nói ái quan trọng, nhưng thật sự trên thực tế thì hễ là một mắc xích thì cái nào cũng quan trọng.

Nên phải có cái nhìn khách quan như thế nào đó chúng ta mới tạm nguôi ngoai đi và nguôi ngoai đi một vài giây phút sống không có so sánh, không dùng sự đối đãi của cuộc sống ở trong đời này để làm thước đo cho chính mình. Đúng ra chúng ta có thể dùng điều đó để tác động tâm tư của mình trong sự hơn vượt trội người khác, trong cái hơn thua, chúng ta tìm thấy ở những giây phút rất hấp dẫn, những giây phút làm cho chúng ta cảm thấy hăng hái yêu đời, nhưng chính cái thất bại não nề mà thường khi chúng ta thất bại rất nhiều nó lại mang cho chúng ta những vết thương lòng sâu đậm hơn bao giờ hết.

Đức Phật Ngài ở đây nói đến khuynh hướng sống. Khuynh hướng sống này rất quan trọng là chúng ta hướng đến nỗ lực chúng ta đặt chỗ nào và nỗ lực này cũng nói lên một điểm Đạo Phật gọi là chánh tinh tấn hay chánh cần. Tức là nỗ lực có tánh cách hướng nội không phải là hướng ngoại, và nỗ lực đó là nỗ lực rất tỉnh táo, nỗ lực đi chung với chánh niệm ,đi chung với trạch pháp để biết chẳng những hướng nội mà nhận rõ cái nào tốt, cái nào xấu. Cái xấu cần phải tiêu diệt và cái tốt cần phải phát triển. Điều này đủ để hiểu cái xấu nào chưa sanh cái xấu nào đã sanh, cái đã sanh làm cho nó diệt rồi làm cho tiêu diệt, và chưa sanh làm sao cho nó được phòng ngừa để không sanh khởi trong tương lai, và thiện pháp nào chưa sanh thì được sanh và thiện pháp nào đã sanh thì làm cho tồn tại.

Như vậy bài kệ này nghe dường như ở bên ngoài là một bài kệ mang tánh cách luân lý đạo đức cổ kim đông tây. Chúng ta nghe rất nhiều câu nói liên quan đến một người có khả năng tự chế lấy chính mình nhưng có lẽ hơn bất cứ tôn giáo nào về điểm này đạo Phật nhấn mạnh rất lớn một người sống có ý thức rõ ràng về thân phận của mình ở giữa cuộc sống này sẽ không có quá bận lòng đối với thước đo ở bên ngoài, người khác họ có thể hơn mình bằng mình và thua mình, nhưng cái hơn, cái bằng, cái thua chỉ là những giá trị chúng ta nhìn thấy ở bên ngoài.

Rất nhiều Phật tử nói với chúng tôi ở cuộc đời này không thể nhìn thấy ở bên ngoài được, có những người đi xe rất mới nhưng họ lại lo âu thường xuyên về vấn đề tiền bạc, có những cặp vợ chồng ở bên ngoài trông họ rất vui vẻ nhưng thật ra ở trong gia đình lại rất lạnh lùng, không có bao nhiêu người thật sự sống hạnh phúc ở trong cuộc đời này. Người ta lại nói đến có những người sống ở bên ngoài dường như tiền bạc rất nhiều, chúng ta nghe những câu chuyện về những nhà tư bản Mỹ lên voi xuống chó là một chuyện rất bình thường, thăng đó rồi trầm đó. Có thể nói cuộc đời của chúng ta nếu đem mình để so sánh với thế giới ở bên ngoài chúng ta không có bao giờ đạt đến đích điểm cuối cùng, chúng ta chỉ được xem như trò chơi hồi còn nhỏ đi đánh đáo hay bắn bi, hơn đó, thua đó, và hơn thua đó nó sẽ trôi vào dĩ vãng, nó trôi vào ký ức, nó trở thành một sự hoài niệm. Ngay lúc đó chúng ta gần như sanh tử và có đôi lúc người ta ăn gian một chút hay bị người khác ăn gian thì nổi cơn thịnh nộ giận dữ nhưng rồi bây giờ nghĩ lại, 5 năm 10 năm sau nghĩ lại thì thời thơ ấu đó chỉ là những trò rất trẻ con mà thôi. Đó là thời thơ ấu, còn bây giờ thì sao, có lẽ là một cái tuổi nào đó trong cuộc đời khi chúng ta có dịp nhìn lại sau này một sự việc mà nó đã trôi qua 5 năm 10 năm rồi thì cái vui, cái buồn, cái phải, cái quấy, cái đúng, cái sai, cái hay, cái dở, cái được hay không được, cái thắng, cái bại, cái vinh, cái nhục, những giờ phút đó vốn dĩ không có ý nghĩa gì với chúng ta hết và những lúc đó chúng ta bỗng dưng bậc cười tại sao lúc đó mình lại nông nỗi như vậy.

Nên chi, nếu một người có ý thức về sự tự thắng chính mình, tự nhiếp hóa chính mình điều đó có thể nói một sự chuyển hướng hết sức quan trọng trong cuộc đời của họ, bởi vì họ có thể hướng được năng lực thì giờ của họ vào những gì thật sự cao qúi thật sự cần thiết mà không có hoang phí.

Chúng ta sống ở trong một xã hội ảnh hưởng nền luân lý Khổng Mạnh, một xã hội có nhiều ưu điểm nhưng một trong những khuyết điểm lớn nhất là người ta quá trọng về sự hơn thua mặt mũi. Chúng tôi nhớ đọc những câu chuyện thời xa xưa thời tiền chiến những năm 30, 40 có những gia đình vì vấn đề danh dự trong gia đình họ làm một lễ cưới cho con cái mình, sau lễ cưới đó cô dâu và chú rể phải đi làm để trả tiền nợ trong hai mươi năm chỉ trả nợ cho một đám cưới mà đám cưới để rạng rỡ gia tộc mà thôi. Chuyện đó ngày hôm nay chắc chắn càng lúc càng ít đi vì người ta thực tiễn hơn, nhưng không có nghĩa vì thực tiễn của thế giới ngày hôm nay mà người ta có khả năng để hướng năng lực và hướng thì giờ của họ vào việc xây dựng bản thân của mình làm sao cho mình được tốt hơn.

Thiền Sư Upandita nói nếu con người chỉ dùng những năng lực của mình để thắp sáng chánh niệm để có thể hướng dẫn vào đúng chánh tinh tấn của mình mà Đức Phật đã dạy thì thời gian họ sống trong cuộc đời này quả thật họ dùng trọn vẹn, còn nếu họ không dùng được như vậy họ chỉ hướng ngoại thôi thì hầu như họ đã hoang phí hoàn toàn đời sống của họ. Bởi vì cái gì chúng ta cho ra bên ngoài giống như nước đem đổ xuống biển và giống như chúng ta không có cách gì để có thể xây dựng một cái gì thật sự ổn cố ở trên cuộc đời này sau 5, 30 năm sống cuộc đời, nhưng nếu điều đó là một thái độ hướng nội tự xây dựng bản thân mình sẽ thấy không phải bản thân mình lợi lạc mà người khác cũng lợi lạc.

Bài kệ này lại nói lên 2 điều Đức Phật Ngài dạy đi chung với nhau ở bài kệ đầu tiên. Ngài dạy: tự thắng mình mới là chiến thắng chơn thật, mới là chiến thắng vẻ vang hơn là sự chinh phục người khác. Nhưng bên cạnh đó Đức Phật Ngài cũng dạy bậc trí biết tự điều phục mình là bậc trí sống với tinh thần tự chế. Tự chế tức là người đó có khả năng theo trong kinh Phật trong một đoạn Phật ngôn khác trong kinh Pháp Cú Đức Phật dạy: giả xử như một người đang sân mà họ biết kềm lại tâm sân của họ giống như một người đánh xe khéo điều khiển con ngựa đang nộ khí, con ngựa chứng người đánh xe có thể điều khiển được. Hình ảnh một người đánh xe có thể điều khiển được con ngựa chứng hình ảnh đó làm chúng tôi nghĩ là một trong những ví dụ rất đẹp về tinh thần tự chế hay tự thắng chính mình. Bởi vì đối với một bậc thánh đã hoàn toàn giác ngộ giải thoát.

Thì qúi vị Phật tử sẽ thấy bài học về nỗ lực tự chế không phải là bài học lớn đối với các Ngài, bởi vì các Ngài đã thuộc về một cảnh giới khác nhưng đối với chúng ta giống như một xa phu thiện xảo có thể điều phục sân tâm của mình tự giúp hoá lấy chính mình thì điều đó là một kỳ tích, và có những lúc chúng ta cảm thấy rất hạnh phúc vì kỳ tích này ./.