Monday 11 July 2016

Kệ ngôn 117 - Tích Ác, Thì Tất Khổ - TT Giác Đẳng giảng

Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 117 

Tích ác, thì tất khổ

Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Giác Đẳng 

Ðã phạm phải điều ác,
Chớ tiếp tục phạm hoài,
Ðừng ham làm việc ác,
Tích ác, khổ dằng dai






.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali
Paapa.m ce puriso kayiraa
 na ta.m kayiraa punappuna.m
Na tamhi chanda.m kayiraatha
 dukkho paapassa uccayo.

Minh Hạnh chuyển biên:

TT Giác Đẳng: Hôm nay chúng ta sẽ thảo luận kệ ngôn 117, phẩm ác hạnh. Có lẽ khi đi qua phẩm này chúng ta dễ dàng nhận thấy chữ ác hạnh ở đây Đức Phật Ngài đã đề cập đến với rất nhiều ý nghĩa. Có thể một hành động đối với người khác không mang lại tai hại cho bất cứ ai nhưng riêng tự thân thì làm tổn hại bản thân của mình, đánh mất lợi ích của mình, Đức Phật Ngài cũng gọi những bất thiện pháp đó là ác.

Phải nói rằng ác nghiệp là một phần hết sức dễ nhận ra trong đời sống của chúng ta, chúng ta không thể nói anh A xấu anh B tốt, vì vậy giữa anh A và anh B hai vấn đề nên thảo luận riêng biệt với nhau. Khi đi qua những câu Phật ngôn ở đây chúng ta dễ dàng nhận thấy đối với Đức Phật thì mỗi chúng ta đều có khả năng rất lớn trong việc trở thành một người tốt và đồng thời chúng ta có một khả năng rất lớn trong việc trở thành một người xấu. Là một người phàm dĩ nhiên một chúng sanh sống trong cuộc đời này chúng ta không thể quên rằng những phiền não trong nội tâm chúng ta rất có thể dễ dàng bộc phát đến độ nó có thể đánh mất đi tất cả những lợi lạc, Đức Phật Ngài dùng chữ "tự đào bới lấy gốc của mình".

Trong bài kệ 117, trước nhất chúng ta thấy có 3 điểm rất nổi bậc:

1. Điểm đầu tiên, Đức Phật Ngài đề cập đến những phiền não như một phần chúng ta phải để ý ở trong đời sống tu tập của mình và đặc biệt hết sức để ý.
2. Điểm thứ hai, bài kệ này mang tánh cách một lời kêu gọi, một lời nhắc bảo.
3. Điểm thứ ba, nhắc tới tại đây chúng ta sẽ có dịp nhìn sơ qua về một số bản chất phiền não của tội lỗi ở trong mỗi chúng ta.

Có thể nói hình ảnh thầy Tỳ Kheo Seyyasaka cũng là hình ảnh của đa số chúng ta sống trong cuộc đời này, mình cố gắng làm chuyện gì đó rất tốt và mình cố gắng giữ một cái gì đó rất hoàn hảo, một khi nó đã không tốt, một khi nó không hoàn hảo nữa thì chúng ta buông tay bỏ cuộc và chúng ta không còn thiết đến chuyện làm sao để giữ cho nó tốt đẹp nữa, chính vì vậy chúng ta buông suôi, chẳng những buông suôi mà chúng ta đánh mất đi sự phấn đấu của mình, chúng ta đánh mất đi căn bản ban đầu mình đã có chủ tâm theo đuổi bởi vì mình thấy công việc không có thành tựu.

Chúng tôi nhớ hồi còn nhỏ khi ở nhà với thân sinh của chúng tôi, Người dạy chúng tôi chuốt những cây chỉ, thợ mộc thường có cây chỉ nhỏ giống như những cây nẹp để đóng kiếng, mỗi lần chuốt hai góc vuông phẳng và hai góc kia phải tròn, khi chuốt một cây chỉ phải làm sao cho đều tròn. Bởi vì hồi còn nhỏ chúng tôi luôn luôn với tinh thần hiếu thắng là muốn chuốt như thế nào để cho một cây nẹp chỉ hoàn hảo nhưng khi đã lỡ tay làm sướt gỗ hay lỡ tay bào quá sâu hay chuốt không đều tự nhiên không còn muốn đụng tới cây chỉ đó nữa mà chỉ muốn làm nó hỏng thêm thôi. Có lẽ đặc tính đời sống con người hễ một bước sa chân chúng ta lại tiếp tục và tiếp tục sa chân nữa cuối cùng chúng ta buông mình theo hướng đi trôi dạt.

Việc này không chỉ xảy ra đối với bản thân của chúng ta mà vốn xảy ra trong mọi lãnh vực đời sống mình từ nghề nghiệp cho đến học thuật cho đến tôn giáo cho đến quan niệm về cách ăn ở hàng ngày.

Một lần Đức Phật Ngài dùng hình ảnh trong kinh Ngài dạy các thầy Tỳ Kheo vào chùa tu tập nên giữ tâm niệm giống như nàng dâu mới về nhà chồng nghĩa là lúc nào cũng cẩn thận lúc nào cũng cân nhắc nhưng đừng để tâm tư của mình giống như nàng dâu ở trong nhà chồng quá lâu rồi lờn, khi mình không còn là một người mới nữa và đã quen dần rồi đâm ra lờn. Tâm tư của chúng ta cũng vậy rất dễ dàng để chúng ta buông ra. Có nhiều người trong cuộc đời này ở một cương vị nào đó người ta có thể gìn giữ lấy, ví dụ như người ta đề cập đến một số phụ nữ khi lớn lên lúc nào cũng chau chuốt nhưng khi có gia đình rồi lâu ngày không còn tha thiết đến đời sống không còn phải tự chưng diện chính mình nữa lúc đó chỉ còn thái độ buông tay. Hoặc giả chúng ta xem những câu chuyện kể những người sống trong giang hồ mới vừa dấn thân vào giang hồ còn gìn giữ được đạo nghĩa nhưng khi đã lỡ phạm lầm lỗi rồi thì thường lầm lỗi này dẫn chúng ta đến lầm lỗi khác.

Trong bài kinh Khởi Thế Nhân Bổn, Đức Phật Ngài đưa ra một hiện tượng về xã hội, hiện tượng này cho chúng ta thấy một việc rất rõ là một khi xã hội đã có khuynh hướng bị chi phối bởi phiền não, bởi những ác quấy, những ác hạnh rồi thì những ác hạnh này lại kéo theo những ác hạnh khác và dần dà ở trong xã hội đầy dẫy loạn lạc nhân tâm ly tán.

Đức Phật dạy: "Ở đâu có đao trượng thì ở đó có sát sinh. Sát sinh sanh khởi thì trộm cắp sanh khởi thì nhiều thứ khác cũng sanh khởi". Nó là thế cờ domino nghĩa là cái này sụp đổ thì cái kia cũng sụp đổ. Hiện tượng xã hội, hiện tượng tâm lý và bất cứ việc gì phạm tội chúng ta được biết trong xã hội này chung qui có thể hết 50% cơ sở nằm lên trên điều chúng ta đang nói ở đây. Bởi vì tâm trạng Tỳ Kheo Seyyasaka là một vị khi vào tu thì mong mỏi đời sống của mình hoàn hảo một đời sống hoàn thiện, và khi mình đã làm điều lầm lỗi rồi thì cảm nhận thất vọng với chính mình, bất mãn với chính mình, và trong sự thất vọng bất mãn đó thì nghĩ rằng mình có làm gì đi nữa mình cũng không hoàn hảo được, mình có làm gì đi nữa  mình cũng vậy thôi và mình tiếp tục lầm lỗi.

Đây là tâm trạng đã dẫn con người đi từ sai lầm này sang sai lầm khác, đi từ đọa lạc này sang đọa lạc khác. Lời dạy của Đức Phật như một lời kêu gọi và lời kêu gọi này không phải là một lời kêu gọi đơn thuần mà là một sự cảnh tỉnh lay động rất lớn.

Ở đây trong bài kệ, chữ punappuna.m là một sự lập đi lập lại, chúng ta thường gọi là ngựa quen đường cũ.

Lập đi lập lại là một khi chúng ta làm một điều sai lầm thì điều lầm đó không phải chỉ để hậu quả trực tiếp như chúng ta nói sát sanh thì bị chết yểu hoặc giả trộm cắp thì bị mất của, những quả báo đó thấy lớn nhưng thật sự nó không lớn so với những thói quen mà nó tạo nên.

Tại vì đơn giản là mỗi chúng ta đều có một ngã tính riêng của mình và khi mình làm việc gì sai lầm thì thông thường chúng ta phải tìm một cái gì đó để biện hộ và ít nhất cho mình cảm thấy yên lòng không mặc cảm về điều này và sự vuốt ve xoa dịu đó lâu ngày cho chúng ta một thứ dễ chịu giả tạo, do sự giả tạo này lập đi lập lại một trạng thái có khuynh hướng dễ dàng để chúng ta lập đi lập lại.

Chúng ta tự hỏi tại sao một việc xấu con người dễ lập đi lập lại hơn một việc thiện?

Sự lập đi lập lại của việc xấu ở đây Đức Phật dùng chữ punappuna.m là cảm giác để cố gắng xoa dịu bản ngã của mình.

Quí vị cứ tưởng tượng như một ngày nào đó chúng ta bỗng dưng quên mình nói một câu lỡ lời làm ai đó buồn lòng và khi trở về chúng ta thường có thói quen nói đi nói lại điều đó trong lòng mình. Nói đi nói lại để làm gì? Để tự tìm xem có một phần nào, một chỗ nào mình có thể nghĩ có lý do chánh đáng để mình nói vậy hay không. Thái độ tự biện hộ và thái độ tự vuốt ve bản ngã, tự cứu vớt mặc cảm của mình là nguyên nhân khiến cho rất nhiều tội ác lập đi lập lại. Và một điều còn tệ hại hơn nữa về phương diện tâm lý là nhiều lúc trong sự cố gắng biện minh cho chính mình thì mình tìm thấy được một ý nghĩa mới và ý nghĩa mới làm chúng ta ưa thích cảm thấy việc làm đó có lý. Đối với Đức Phật Ngài rất đơn giản, Ngài khuyên đừng ưa thích những chuyện đó như vậy nữa vì chứa ác thì tất khổ.

Chứa ác tích khổ ở đây là một câu nói tuy rất gọn nhưng Đức Phật Ngài nói một cách rất cô đọng, rất xúc tích:

- Dukkho paapassa uccayo - Tích ác, thì tất khổ

Những ai chất chứa những bất thiện tâm thì điều đó mang lại đau khổ, cho dù có lý một ngàn phần, cho dù chúng ta có thể biện minh cách nào đi nữa nhưng chứa ác thì tích khổ.

Chúng ta lấy một ví dụ, ở trong người chúng ta có những độc tố, chúng ta có thể đem những độc tố đó vào trong người và bởi vì nhiều lý do nhưng hễ chứa những độc tố thì những độc tố đó có cơ hội phát tán được.

Cái nhìn của bậc thiện trí thì chuyện đó rất dứt khoát: biết rõ cái gì hại và cái gì lợi. Còn chúng ta thì đi vòng quanh nó, chúng ta cố gắng tìm một lý do chánh đáng để giải thích, và cho dù lời nói chính đáng của chúng ta có giải thích đến đâu đi nữa thì bất thiện pháp cũng là bất thiện pháp thôi. Tâm tư của bậc Thánh tuy giản dị mà thâm sâu, tâm tư phàm phu của chúng ta tuy phức tạp mà nó nông cạn. Cái nhìn của bậc Thánh là cái nhìn rất thẳng rất thực, các Ngài nhìn vấn đề trực diện với vấn đề và khi các Ngài đối diện đề cập đến vấn đề thì không quanh co như chúng ta. Bởi vì các Ngài không có bản ngã để tự biện hộ, còn đối với chúng ta thì thường là chúng ta đi từ lầm lỗi này sang lầm lỗi khác.

Một lúc nào đó chúng ta thử xem một cuốn phim nói về những lầm lỗi của con người, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy những nhân vật ở trong phim vì một chút tham gia tài đã có những mưu đồ, và thường thường nó đi từ lầm lỗi này sang lầm lỗi khác thậm chí có thể giết cha giết mẹ của mình, thậm chí có thể dấn thân vào việc phi pháp và cuối cùng khi phải đối diện với sự thật thì thấy những quyết định của mình là những quyết định sai lầm hàng loạt. Và chúng ta không bao giờ thấy được như vậy.

- Tại sao bậc thiện trí sống trong lòng thanh thản ? Tại vì bậc thiện trí làm thiện.

- Tại sao người ác họ sống không được thanh thản ? Tại vì người ác họ phải tìm lời nói để biện hộ cho hành động chính mình và họ phải có lý do để chứng minh những việc làm đó có lý. Và bởi vì để chứng minh việc làm đó có lý do đó họ cố gắng để lập đi lập lại một việc làm mà đáng lẽ họ phải chấm dứt từ ban đầu.

Người Việt Nam chúng ta có nhiều câu nói về việc này. Như "bàn tay đã nhúng chàm" hay "lỡ bước xa chân". Những thành ngữ đó nói cho chúng ta thấy một sự việc hễ chúng ta đã bắt đầu lầm lỡ bước vào những ác nghiệp thì rất khó để có thể quay đầu trở lại bởi vì bản ngã, bởi vì sự phê phán của xã hội, bởi vì tự bảo vệ lấy chính mình trước những đòn phép thù hận của bên này bên kia và do vậy chúng ta tiếp tục và tiếp tục.

Nên chi Đức Phật Ngài dùng chữ punappuna.m ở đây. Và chúng ta hỏi tại sao Đức Phật lại dùng chữ chanda.m (Na tamhi chanda.m kayiraatha) chữ chanda.m ở đây nghĩa là ưa thích là ham muốn.

Đã làm lỗi thì có gì mà ưa thích, nhưng khuynh hướng ưa thích ở đây là một khuynh hướng để xoa dịu tự ngã của mình và khi tự ngã được xoa dịu chúng ta cũng tìm thấy một vị ngọt, cái ngọt ngào đó có thể là vị ngọt của ly rượu độc nhưng người ta vẫn thích vị ngọt ngào đó. Bởi vì vậy nên ở trong thế gian này đôi lúc ở trong một cơn hận thù, trong lúc một cơn cuồng nộ người ta cũng tìm thấy một cái gì rất hả hê, một cái gì rất thỏa mãn. Nhưng cái hả hê thỏa mãn đó nó chỉ nói lên sự lầm lẫn này tiếp nối qua lầm lẫn khác mà thôi.

Có thể nói một khuynh hướng giúp cho chúng ta đạt được nhiều lợi ích ở trong việc thực hành, đạo Phật gọi là Sacca pāramī-chân thật balamật.

Chân thật balamat ở đây nói lên một thái độ rất thành thật để nhận cái gì trắng là trắng, cái gì đen là đen, cái gì vui là vui, cái gì khổ là khổ. Có thể chúng ta không hoàn hảo nhưng chúng ta cứ nhận mình không hoàn hảo thì việc đó sẽ đỡ cho chúng ta rất nhiều. Vì vậy chúng ta cần đến chánh pháp, cần đến một sự soi sáng.

Thật ra, chúng ta cũng cần phải nhắc chính mình một điều là con người của chúng ta rất dễ dàng để xử dụng bất cứ thứ gì có thể xử dụng được ở trong khẩu tài, ở trong ngôn ngữ, ở trong quan niệm cuộc sống. Để làm gì? Để che dấu ác nghiệp của chính mình, một bản chất mà thật ra trong kinh nói có một vị Tu Đà Hườn một vị Thánh Sơ Quả các Ngài không còn có những hành vi khuất lấp nữa, còn đa số chúng ta khi còn thân kiến chúng ta vẫn còn có thái độ như vậy, vì vậy mới sanh ra những chuyện như giải thích Phật Pháp một cách tùy tiện, hễ cái nào mình thích thì mình cho cái đó là nhất, còn cái nào mình không thích thì mình né tránh đi, nhưng chúng ta quên rằng thái độ thành thật giúp cho chúng ta một phần và một phần nữa chính sự khách quan của Phật Pháp giúp cho chúng ta lay tỉnh cơn mê của mình. Cứ tưởng tượng một lúc nào đó chúng ta không còn tự chủ nữa, một lúc nào đó chúng ta dấn thân vào một cuộc phiêu lưu thì không biết trong cuộc phiêu lưu đó ai là người sẽ nhắc nhở cho chúng ta ngoài sự thành thật với chính mình, ngoài chánh pháp soi sáng cho mình.

Có nhiều người nói rằng Đức Phật là một người rất pragmatic, là một người theo chủ nghĩa thực dụng, chúng tôi không biết chữ đó dùng có chính xác hay không bởi vì nó là một điều cần bàn đến cho rõ ràng, con người mà nói chuyện bằng nhãn hiệu rất dễ sai lầm rất dễ dẫn đến lý luận điên rồ. Nhưng chúng ta biết một điều rằng Đức Phật Ngài khuyên chúng ta nên tỉnh táo nhìn vấn đề một cách rất trực tiếp, trực tiếp đến nỗi chúng ta không nhất thiết phải dùng nhiều danh từ hoa mỹ, dùng nhiều hý luận của ngôn từ để nói quá nhiều về một điểm. Trong lúc đó thì rất cần thiết chỉ đơn giản một việc nhỏ là chúng ta mở mắt ra thì thấy rõ rằng "chứa ác tất khổ". Nếu chúng ta phạm một lầm lỗi gì đó và từ đó mình cố gắng để có một giải pháp mình phải tự hỏi rằng sau giải pháp đó mình có lớn mạnh trong thiện pháp, sau giải pháp đó mình có cảm thấy mình được trưởng dưỡng trong điều kiện khác hay không? Hay chúng ta cứ tiếp tục lao theo nó, giống như một người phóng lao thì phải theo lao, hay một người cưỡi lưng cọp, đa số chúng ta hễ lầm rồi dẫn đến lở, chúng ta tiếp tục sa chân chứ chúng ta ít có dịp để quay đầu trở lại.

Nên chi câu kệ ngôn này như một lời nói rất thân thiết, Đức Phật Ngài nhắc chúng ta như trong rất nhiều bài kinh, những bài kinh chúng ta đọc như bài kinh Khởi Thế Nhân Bổn chẳng hạn, những bài kinh đó tuy được giảng vào thời kỳ con người chưa dạy môn phạm tội học ở trong trường học của loài người nhưng bài kinh đó nói cho chúng ta rất rõ về tình tự của xã hội, ở trong một xã hội khi con người đã tạo ra một số lầm lẫn này hay một số phiền lụy kia thì nó dẫn ra hàng loạt hết cái này tới cái khác, và chỉ có bậc thiện trí mới đứng ra ngoài điều đó mới tỉnh táo thấy rằng đã đi quá xa là lúc nên dừng lại, phải dừng lại ở điểm nào đó ít nhất cho phép chúng ta trở mình, cho phép chúng ta tìm về một con đường sáng sủa hơn.

Bài kệ 117 qua duyên sự và qua ý nghĩa bài kệ một lần nữa Đức Phật nhắc đến một góc cạnh bóng tối của mỗi người chúng ta trong cuộc sống, bóng tối là có một cái gì đó giữ lại cho dù chúng ta muốn hay không muốn, cho dù vì hoàn cảnh bên ngoài hay bởi vì bất cứ lý do sâu thẳm nào đó, chúng ta hãy làm một việc là chấm dứt một cách đơn giản như câu nói Đức Phật dạy "chứa ác tất khổ". Phải có một kết luận thẳng thừng như vậy, trong kết luận thẳng thừng mới đủ giúp chúng ta vượt lên trên cái gì chúng ta đang bị vướng vấp vào.

Hầu như ở trong cuộc sống chúng ta dành 1/5 thì giờ để có những quyết định quan trọng và 4/5 thì giờ để biện hộ cho những quyết định của mình. Khi chúng ta đã làm thiện chúng ta không cần phải biện hộ như vậy, một người làm thiện để có được niềm vui thấm nhuần ở trong thân tâm của mình, một người có trí thì không cần phải nhiều lời. Đức Phật Ngài dạy: "Hễ nước sâu thì nó chảy rất nhẹ nhàng mà hễ nước cạn thì ồn ào, thùng rỗng thì kêu to". Con người chúng ta sống trong cuộc đời này chính những cái gì mà người ta dương cờ gióng trống người ta ầm ĩ hô hào bằng bao nhiêu nhãn hiệu danh từ hoa mỹ những thứ đó chúng ta phải coi chừng tại vì nếu nó đã thật sự tốt thì người ta không cần phải như vậy.

Chính bản thân của chúng ta cũng vậy. Do vậy đừng nói trong bản năng của mình trong trực giác của mình cái gì mình tốt mình biết nó tốt, cái gì mình xấu mình biết nó xấu và khi đã biết nó tốt đã biết nó xấu thì chúng ta có thái độ thích hợp. Đừng ngây thơ mà tin tưởng như vậy. Bởi vì ở trong xã hội loài người thông thường những cái tệ nhất những cái xấu nhứt thì những cái đó người ta ầm ĩ cổ võ nhiều nhất.

Tại sao người ta cổ võ ầm ĩ nhiều nhất? Bởi vì người ta vẫn chưa bao giờ cảm thấy tự an ổn lấy chính mình, làm sao có thể an ổn được khi một cái chủ nghĩa khi mà một quan niệm, khi mà thái độ sống mà lầm lẫn thì nó không bao giờ an ổn được do đó người ta phải dùng bao nhiêu danh từ bao nhiêu thứ để tô hồng chuốt lục tô điểm cho nó. Không may cho chúng ta chuyện đó không phải là chuyện của người mà chính là chuyện của mỗi chúng ta.

Vì vậy chúng ta phải có một thái độ như ở tại đây Đức Phật Ngài dạy một thái độ rất đơn giản như "tích ác tất khổ". Trong thái độ đó cho phép chúng ta nhìn mọi vấn đề một cách rõ nét một cách thẳng thắng và trong cái thẳng thắng đó mọi thứ đối với chúng ta hiện ra trước mắt không có lầm lẫn không làm cho chúng ta bị bối rối.

Thật ra sự lầm lỗi nó không phải là một điều quá tệ để dìm chúng ta xuống bùn nhưng chính vì một sự cố gắng để biện hộ cho những lầm lỗi đó nó là cái gì đẩy chúng ta đi xa đến đỗi bản thân của mình và những người chung quanh mình không ai có thể cứu vớt lấy chính mình.

Nên chi, đức tánh thành thật chúng ta nói đến chân thật balamat, chúng ta muốn nói đến một thái độ phát lộ thành thật ở trong đời sống này để làm cho chúng ta sớm chấm dứt được những phiền lụy do chính mình tạo nên.

Trong bài kinh này Đức Phật Ngài dạy nhân thầy tỳ kheo Seyyasaka đã phạm lỗi và trong sự phạm lỗi này lại sanh tâm phiền não bất mãn, cái bất mãn này là một điều rất dễ hiểu tâm trạng của vị đó như tâm trạng của chúng ta, chúng ta muốn bộ đồ của mình là bộ đồ trắng trẻo hoàn toàn không có một vết bẩn nào nhưng mà rồi khi chúng ta đã đi vào một con đường lầy lội và lỡ có một vài vết bẩn vấy lên áo chúng ta rồi thì chúng ta buông tay phó mặc. Và đa phần những gì chúng ta đi quá xa là những lầm lỗi to lớn chúng ta vướng vào ngay ban đầu nếu chúng ta sớm biết nếu chúng ta sớm chấm dứt thì không đến đỗi như vậy, phần lớn bởi vì chúng ta không tìm thấy được ánh sáng mà chúng ta chỉ chạy theo khuynh hướng vuốt ve tự ái làm sao để cứu vãng mặc cảm của mình mà thôi.

Bởi vậy chúng ta cần đến chánh pháp, bởi vậy chúng ta cần đến bậc đạo sư, đến một tiếng nói thứ ba, phải có tiếng nói khác hơn là tự thân của mình, hơn là những người nào chỉ có vuốt ve tâng bốc mình, mà có những lúc nào đó chánh pháp phải là ngọn đèn để soi sáng cho những gì ở trong đời sống của mình cho dù mình thích hay không thích. Không có thời đại nào tệ hại như thời đại ngày hôm nay khi con người chạy theo chủ nghĩa tiêu thụ. Nền tảng của chủ nghĩa tiêu thụ là gì đó thỏa mãn được thị hiếu của con người.

Đạo giáo cũng vậy và triết học tư tưởng cũng vậy, những sản phẩm nào được giới thiệu vào xã hội loài người những sản phầm đó thường làm sao để đẹp lòng người. Không may cho chúng ta những cái gì mà có chủ tâm để mê hoặc chúng ta, để làm đẹp chúng ta thường đó là không lợi cho mình. Chúng ta đã quên đi rất nhiều rằng có đôi khi bậc thiện trí phải đứng lên trong cái bước đi chập chững của chính mình và té xuống rất đau chứ không phải là không đau. Có đôi lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào tấm gương để nhìn thấy khuôn mặc của mình, chúng ta nhìn vào bàn tay để nhìn thấy những vết sần sùi của chính mình, những điều đó nó không đẹp những điều đó nó làm cho chúng ta thấy cuộc sống không có hoàn hảo, chúng ta có mặc cảm là nó không xứng đáng nhưng mà rồi điều đó lại tốt cho chúng ta; "Thuốc hay thì dã tật". Vì vậy người ta đã nói rất nhiều về sự thỏa hiệp của thiện và ác trong cuộc đời này nhưng người ta quên đi mục đích của chánh pháp không phải là một sự thỏa hiệp để mong cầu được một chỗ đứng trong xã hội.

Đức Phật Ngài không xá gì với cái danh và cái lợi của cuộc đời, và Ngài cũng không màn đến việc có bao nhiêu người theo Ngài, cái con số đông của quần chúng không phải là điều Đức Phật tha thiết, điều đó chúng ta phải nói thẳng và nói thực như vậy. Đối với Đức Phật một người vinh danh Ngài, hay một trăm người vinh danh Ngài, hay một ngàn người vinh danh Ngài không có cần thiết. Điều cần thiết Ngài muốn cho chúng ta biết đó là chúng ta có thật sự được trưởng thành trong thiện pháp, chúng ta có thật sự tỉnh táo ở trong cuộc sống mê mờ này, chúng ta có thật sự tìm được phương lương dược chữa trị căn bệnh của chúng ta hay không chứ không phải là những điệu ru, và những điệu ru đó làm cho chúng ta cảm thấy hài lòng mãn ý. Chính vì vậy tư cách khách quan của chánh pháp cần được tôn trọng, vị trí khách quan của chánh pháp cần được có để nhắc nhở chúng ta trong trường hợp như vậy.

Ở đây, chúng ta đọc lại kỹ câu số 3, Đức Phật Ngài dùng chữ không đơn giản "Na tamhi chanda.m kayiraatha" Ngài dùng chữ "chanda.m" tức là ưa thích điều ác.

Nghe một người nào nói với chúng ta ưa thích điều bất thiện ưa thích ác nghiệp chúng ta giẫy nảy lên và phản đối ầm ĩ rằng đã nói bất thiện đã nói là ác có cái gì để ưa thích. Nhưng phải nói chúng ta sẽ ưa thích nó nếu những điều bất thiện đó đánh bóng được bản ngã của mình, nếu những điều bất thiện đó nó vuốt ve mơn trớn cho chúng ta được cảm giác dễ chịu thấy rằng mình cũng không đến nỗi tệ lắm, việc đó nó cũng tốt, và nó thế này thế khác. Có trăm ngàn muôn cách, có trăm ngàn ngôn ngữ biện minh nó làm cho chúng ta ưa thích một việc mà chúng ta hoàn toàn không nên ưa thích.

Về điểm này, chúng tôi phải nói một lần nữa câu chuyện này cũng như bao nhiêu câu chuyện khác trong kinh Pháp Cú Đức Phật Ngài giảng chúng ta không nên nghĩ Đức Phật Ngài đang nói cho nhân vật ở trong câu chuyện hay Ngài nói cho một ai đó không phải là Phật tử, mà những lời này Đức Phật Ngài dạy sự soi sáng của Ngài cho tất cả mọi chúng ta. Chúng ta có thể có ít hoặc có nhiều, chúng ta có thể không có tâm chán nản bất mãn như vị tỳ kheo ở trong duyên sự đề cập nhưng chúng ta cũng có thể có những cái nhìn tương tự ở trong những hoàn cảnh tương tự, những lời dạy này của Đức Phật là những lời dạy cho chúng ta một cái nhìn mới một cái nhìn khác và phải coi chừng lấy chính mình.

Chúng tôi xin dứt bài kệ này ở đây. Thật ra ý nghĩa bài kệ này rất quan trọng, ý nghĩa này đây là mạch văn kêu gọi nhưng về phương diện Phạn ngữ từ ngữ thì không có nhiều từ ngữ đặc biệt tuy nhiên có nhiều chữ rất thú vị như chữ "punappuna.m" nghĩa là lập đi lập lại, chúng ta nhớ đến thí dụ Ngài Ajahn chaa thường gọi là "giống như con kiến bò chung quanh miệng chén". Tại sao con người thích nhai đi nhai lại giống nhu bò nhai cỏ? Tại vì có thể một cái gì đó không làm chúng ta thỏa mãn nên nó mới làm chúng ta phải nhai đi nhai lại giống như con bò nhai cỏ, punappuna.m, hay là con kiến bò chung quanh miệng chén./.