Thursday 11 April 2019

Kệ Ngôn 118 - Chứa thiện, được an lạc - TT Giác Đẳng

Psychotheraphy, Meditation


Kệ Ngôn 118 

Chứa thiện, được an lạc

Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Giác Đẳng 

Người đã làm điều thiện,
Nên tiếp tục làm thêm.
Hãy ước muốn điều thiện,
Tích phước, ắc được vui.






.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali
Puññañ-ce puriso kayi rā, kayi rāthetaṁ punappunaṁ,
tamhi chandaṁ kayirātha, sukho puññassa uccayo.

Minh Hạnh chuyển biên:

TT Giác Đẳng: TT Giác Đẳng: Duyên sự kinh Pháp Cú kệ ngôn 118 nói về 3 nhân vật; một vị Tiên, một vị Thánh, một vị Phật. Vị Tiên là Tiên nữ Làjà khi thọ sanh vào cõi an lạc (cõi trời) quán xét thấy nghiệp trước của mình do túc duyên cao qúi, một lần Ngài Tôn giả Ðại Ca-diếp (Maha Kassapa) sau khi xuất định đi ngang đám ruộng, Ngài có dụng ý tạo cơ hội để Thiên nữ Làjà lúc bấy giờ tiền kiếp là một thiếu phụ làm ruộng phát tâm cúng dường, do sự phát tâm cúng dường đó với lời nguyện kiếp sau sẽ được dự phần vào Thánh Quả, nên khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi trời trở thành một Thiên nữ có nhan sắc thù thắng. Khi quán xét thấy túc nghiệp của mình như vậy nên vị Tiên nữ này phát tâm tinh tấn để mong mỏi làm thêm phước nghiệp, và nhớ kiếp trước nhờ Tôn Giả Maha Kassapa tạo cho mình được gieo hạt giống lành qúi báu, nên vị tiên nữ này xuống trần gian để quét dọn am cốc của trưởng lão Kassapa.
Chúng ta nói về một vị Tiên. Vị tiên đã sanh ra trong cuộc đời với bao nhiêu phước hạnh. Khi nói đến một vị Tiên sanh vào cõi an lạc thật sự rất khó để chúng ta mườn tượng được thế nào là hạnh phúc của những vị Chư Thiên này, thiên sắc, thiên hương, thiên vị, thiên xúc v.v... tất cả những phước báu đó chỉ là phần nhỏ ở trong tâm tư những gì một vị Thiên có thể hưởng được. Nếu chúng ta sống ở cõi trần gian trong cảnh giới chật hẹp bây giờ chúng ta sanh vào cõi an lạc, hay chúng ta được dời đến định cư một vùng đất nào đó có cuộc sống đầy đủ và tốt đẹp hơn trăm thứ, chắc chắn chúng ta rất cảm kích, đó là tâm trạng của Thiên nữ Làjà.
Ngược lại, có tâm tư khác của một bậc Thánh, một đại đệ tử của Phật, hơn nữa vị này đã có một đóng góp quan trọng trong lịch sử Đạo Phật, đó là Ngài Maha Kassapa. Có rất nhiều vị đệ tử Phật tên Ca-diếp, thuờng thường Tôn Giả Ca-diếp ở đây chúng ta gọi là Đại Ca-diếp, Ngài xuất thân từ một gia đình đặc biệt, gia đình giàu có, cha mẹ tìm một người thiếu nữ tài mạo vẹn toàn để cưới làm vợ cho Ngài. Khi hai người gặp nhau do căn lành kiếp trước hai người phát nguyện sẽ không sống với nhau như vợ chồng mà xem nhau như anh em ruột, như pháp huynh pháp muội cùng chia sẻ sự tu tập với nhau, đến khi gặp được Đức Phật cả hai vị đều đi xuất gia, và vị Tôn Giả này trong thời gian 7 ngày đã thành tựu được quả vị vô sanh.

Tôn Giả Maha Kassapa là một người rất đặc biệt từ đời sống cho đến những phước duyên và vai trò trong lịch sử của Đạo Phật, Ngài là một người hành trọn vẹn 13 pháp thọ trì hạnh đầu đà.
Với 13 pháp thọ trì hạnh đầu đà này được nói đến trong Thanh Tịnh Đạo và Luật Tạng, là những pháp như mặc chỉ một bộ y, ăn một ngày một buổi, hoặc giả chỉ sống ở dưới cội cây v.v... Tôn Giả Ca-diếp thực hành pháp đầu đà như vậy mặc dù đã không còn cần thiết để thực hành nữa bởi vì Ngài đã đoạn tận được phiền não, nhưng Ngài vẫn muốn làm gương cho hậu thế.
Tôn Giả Maha Kassapa đã được một ân phước rất lớn ở trong đời, được Đức Phật Ngài trao chiếc y Tăng-già-lê do chính Ngài tự lượm vải và giặt. Khi Đức Thế Tôn làm việc này quả đất chấn động, là một vị hoàng tử, một vị Phật lượm vải phấn tảo để may chiếc y và trao lại Ngài Ca Diếp như là một món quà tinh thần.
Có lẽ từ ý nghĩa này, về sau bên Thiền Tông cho rằng Đức Phật Ngài trao truyền Y Bát Chánh Pháp Nhãn Tạng cho Tôn Giả Ca-diếp, thật ra đó là quan niệm của Thiền Tông.
Thật ra, trong tất cả hàng Thinh Văn đệ tử, vị nào thành tựu được quả vị Giác Ngộ đều được Đức Phật trao truyền Chánh Pháp Nhãn Tạng, không riêng mình Ngài Ca Diếp.
Điểm đặc biệt, Tôn Giả Ca-diếp là một người sống nêu cao gương lành cho những vị sống cùng thời Ngài và những đời sống về sau này. Có đôi khi với sự phát triển mạnh mẽ của Đạo Phật những năm về sau này Chư Tăng vào trong giáo đoàn Tăng Lữ rất đông và có một số có hạnh kiểm không đẹp, chính Ngài Ca-diếp thật sự không có bằng lòng về việc này.
Trong cuốn chú giải kinh Pháp Cú của Ngài Buddhaghosa (Phật Âm) viết khi Tôn Giả Ca-diếp biết được Tiên nữ Làjà đến dọn dẹp am cốc của mình Ngài bảo rằng:
Thiên nữ, hãy đi ngay! E rằng về sau các Pháp sư được cầm quạt ngũ sắc và ngồi xuống, sẽ có lý do để nói có một thiên nữ đến hầu hạ và lấy nước cho Trưởng lão Ðại Ca-diếp. Ðừng đến đây nữa hãy đi nơi khác!
Trong câu nói đó Tôn Giả Ca-diếp nghĩ về sau này có thể những vị Pháp sư nhận được sự cung kính lợi dưỡng như vậy và họ mong mỏi sự phục dịch của những người khác vì lấy hình ảnh của Ngài Ca-diếp làm gương cho mình. Do vậy Tôn Giả Kassapa trong cái nhìn của một bậc Thánh, một vị đã có những thành tựu trọn vẹn, những thành tựu to lớn trong đời sống nội tại và mang tâm bi mẫn trong sự giáo hoá muôn loài.
Và ở đây, chúng ta phải nói đến một hình ảnh rất đẹp là Tiên nữ Làjà ở trong tiền kiếp vì lòng bi mẫn của Ngài. Theo trong kinh, một vị đã nhập diệt thọ tưởng định trong vòng 7 ngày và vị đó xả định đi vào xóm khất thực, bất cứ vị thí chủ nào cúng thực phẩm đầu tiên vào trong bình bát của vị đó và vị đó thọ thực thì vị thí chủ đó được công đức vô lượng. Do vậy không riêng gì Ngài Ca-diếp, ngay cả Tôn Giả Xá-lợi-phất thỉnh thoảng khi nhập diệt thọ tưởng định xong các Ngài vẫn thường quán sát coi ai là người hữu duyên để các Ngài có thể tạo điều kiện cho những vị đó tạo duyên lành, nên chi đây là phúc nghiệp rất thù thắng.
Có đôi lúc chúng ta ngộ nhận những vị Thanh Văn đệ tử Phật là những vị thiếu lòng từ bi, thiếu lòng đại bi tâm, nhưng nếu đọc kỹ vào cuộc đời của các Ngài chúng ta thấy cảnh giới của các Ngài, lòng đại bi của các Ngài, và hành xử của các Ngài vượt ngoài tư nghì của chúng ta, và chúng ta không thể đánh giá các Ngài qua cái nhìn hời hợt được.
Tôn Giả Kassapa vì lòng bi mẫn đã đi khất thức ngang cánh đồng của một thiếu phụ đang cầy ruộng, và bây giờ thiếu nữ đó sanh trở thành Tiên nữ xuống dọn dẹp trú xứ của Ngài thì Ngài lại không bằng lòng, Ngài bảo đi đi, khi Ngài không bằng lòng như vậy cũng có lý do chánh đáng là bởi vì Ngài nghĩ rằng có thể điều đó tạo thành hình ảnh một tấm gương không được tốt cho các vị về sau này lấy đó làm cớ để mong cầu được sự phục dịch.
Tiên nữ Làjà rất buồn, đó là tâm trạng tự nhiên. Cũng như có nhiều người trong cuộc đời này có thiện tâm có hảo ý muốn làm một việc gì đó tốt đẹp nhưng bị từ chối. Ở đây, Tiên nữ Làjà chỉ có một mục đích làm công quả là đến quét dọn nơi trú xứ của Tôn Giả Kassapa.
Chúng ta đã nói về một vị Tiên, một vị Thánh, bây giờ chúng ta nói về một vị Phật.
Đức Thế Tôn xuất hiện lúc Tiên nữ Làjà đang buồn, và Ngài nói:
- "Trưởng Lão Ca-diếp đệ tử của ta, có lý do chánh đáng để làm như vậy."
Đức Phật Ngài xác nhận với Tiên nữ Làjà thái độ và hành động của Tôn Giả Kassapa có lý do hoàn toàn chánh đáng để làm như vậy. Có nghĩa là trong lời nói này Đức Phật mặc nhiên thừa nhận Tôn Giả Kassapa hoàn toàn có lý do chánh đáng để từ chối sự phục dịch của Tiên nữ Làjà. Nhưng bên cạnh đó, Đức Phật ở trong cái nhìn của vị Phật, của bậc Nhất Thiết Chủng Trí, của một bậc Toàn Giác, Ngài cũng có những lời khuyến cáo rất đẹp cho Tiên nữ Làjà với bài kệ 118.
Người đã làm thiện hạnh,
Nên tiếp tục làm thêm.
Hãy ước muốn điều thiện,
Tích phước, ắt được vui.
Câu đầu tiên Đức Phật Ngài mặc nhiên xác nhận thái độ của Tôn Giả Ca-diếp là chánh đáng, trong câu kệ ngôn 118 Đức Thế Tôn đã mặc nhiên xác nhận Tiên nữ Làjà có lý do chánh đáng để mong cầu việc tạo phước như vậy.
Ở trong đời sống nếu mình đã làm được việc thiện và đã có những phước lành, mình nên tiếp tục làm thêm, nếu không mình chỉ là ăn thức ăn cũ còn xót lại của ngày hôm qua của kiếp trước mà thôi, như tín nữ đại thí chủ Visakha đã từng nói về cách sống của người cha chồng của mình chỉ hưởng phước cũ không tạo phước mới.
Ở đây, Đức Phật Ngài ca ngợi và khuyến khích không phải cho riêng Tiên nữ Làjà, mà cho tất cả những ai sanh ra ở đời này có được túc nghiệp tốt đang được hưởng phước tốt bây giờ nên tiếp tục làm thêm. Ngài đã dạy rất rõ ràng:
- "Tích phước, ắt được vui".
Câu kệ này nói về một vị Tiên, một vị Thánh, một vị Phật. Trong các đối thoại, các ngôn từ, các thái độ, các quan điểm, tất cả đều đẹp, đều cao qúi, nhưng có những bất đồng cho chúng ta nhiều bài học cao qúi. Câu chuyện kể ra không phải để chúng ta nói người này đúng, hay người kia sai. Câu chuyện của 3 nhân vật vĩ đại này một vị Tiên, một vị Thánh, một vị Phật không phải là một câu chuyện đơn giản để chúng ta tiêu hóa trong đời sống, câu chuyện này cho chúng ta rất nhiều về những câu chuyện xảy ra rất thường ở trong các ngôi chùa khi những người Phật tử đến chùa tạo phước ai cũng có lý do để tạo phước, nhưng thỉnh thoảng chúng ta lại nghe những lời nói khiến cho những vị Phật tử này không vui lòng, ví dụ như đa số Phật tử thường thích làm những công việc tạo phước như xây chùa, đúc tượng, làm trai tăng. Thỉnh thoảng Chư Tăng cũng nhắc nhở qúi vị ngoài những công đức hữu lậu nên tạo những công đức khác thay vì quanh năm lúc nào cũng đi bố thí, đôi lúc cũng nên xếp một bên những công quả của mình để lo tu tập thiền định, trì giới.
Chúng tôi cũng nghe một câu chuyện tương tự, có một số Phật tử đến chùa để hành thiền của Ngài Thiền Sư Kim Triệu. Khi đến để hành thiền bởi vì những vị này rất có lòng thành và đặc biệt với tâm ngưỡng kính đối với Ngài Thiền Sư nên bỏ nhiều thì giờ để nấu ăn pha trà nước cho Ngài, những việc đó đáng lẽ chỉ nên làm đơn giản thì những người này lúc nào cũng bận rộn ở nhà bếp, bận rộn với những buổi ăn, thì Ngài dạy rằng không nên như vậy, những người này cảm thấy buồn bởi vì tại sao có lòng với Ngài nhưng Ngài không hoan hỉ. Nếu những người Phật tử có lòng làm công quả rất là tốt, nhưng trong lúc đi hành thiền thay vì dành thì giờ để lo chuyện nấu bếp thì nên làm một cách gọn đơn giản, và tập trú vào việc hành thiền thì thích hợp hơn.
Tất nhiên là những câu chuyện như vậy chỉ là một trong vô số thí dụ chúng ta gặp trong đời sống hàng ngày, nhưng ở đây chúng ta lại nghe đến một lời dạy của Đức Phật trước khi Ngài dạy kệ ngôn 118 này Ngài cũng đã mặc nhiên xác nhận ý nghĩ và thái độ cũng như quyết định của Tôn Giả Ca-diếp hoàn toàn hợp lý và chánh đáng, nếu Tôn Giả Ca-diếp quan tâm đến đàn hậu tín thì chắc chắn không có lý do gì để nói Đức Phật không quan tâm, nhưng bên cạnh đó Đức Phật Ngài cũng soi sáng cho Tiên nữ Làjà thấy không nên vì như vậy mà cảm thấy buồn, bởi vì một người đã làm được việc lành thì nên tiếp tục làm việc lành. Câu kệ Ngài dạy chúng ta được nghe ở tại đây đó là:
"Tích phước, ắt được vui"
Tại sao tích phước, ắt được vui. Câu này nếu chúng ta hiểu rõ ý nghĩa thì chúng ta sẽ rất hoan hỉ ở trong đời sống hàng ngày của mình, bởi vì chúng ta đã tạo ra rất nhiều thứ, đặc biệt là qúi vị đã sống qua cuộc đời của mình, nào là mình đã đầu tư rất nhiều cho một bằng cấp, đầu tư rất nhiều thì giờ cho một cuộc tình, cho một hôn nhân, rồi cho con cái, rồi cho gia tài sự nghiệp, cho bạn bè, cho tổ quốc, cho những hoài bão của mình. Nhưng tất cả những đầu tư đó, tất cả những trọng điểm đó đôi lúc làm chúng ta cảm thấy buồn. Ví dụ, chúng ta lo cho con rất nhiều nhưng con lớn lên nó không thiết đến cha mẹ. Ví dụ, chúng ta đầu tư rất nhiều cho bằng cấp nhưng tới khi chúng ta đạt được học vị đó rồi thì thấy xu thế mới của xã hội bằng cấp đó học vị đó không đáng giá bao nhiêu. Hoặc giả, chúng ta cũng có thể bỏ ra rất nhiều thì giờ tâm trí để đầu tư cho một đảng phái, cho một tổ chức chính trị, hay cho một công trình văn hóa rồi cuối cùng chúng ta thấy tất cả những thứ đó mang tánh cách giai đoạn không mang tánh cách trường cửu chúng ta cảm thấy rất buồn.
Thì nếu chúng ta có những nỗi buồn có những cái gì trong lòng không được hoan hỉ chúng ta hãy nghe lại câu kệ của Đức Phật ở tại đây:
"Tích phước, ắt được vui"
Bây giờ chúng ta nói thêm một việc khác.
Trong sự phát triển của Thiền Tông ở Việt Nam chúng ta thường nghe câu chuyện đối thoại giữa Tổ Đạt Ma và vua Lương Võ Đế, trong cuộc đối thoại này có thể vì ảnh hưởng về sau khiến chúng ta thường có thái độ phân định giữa tu phước và tu huệ.
- Tu Phước. Khi đề cập đến tu phước chúng ta hiểu những công quả mình làm như bố thí, đúc tượng, xây chùa, ấn tống kinh sách v.v... và khi nói đến tu phước người ta quan niệm đó là những phước cho chúng ta về sau này sanh ra được giàu có, sống lâu, sắc đẹp.
- Tu Huệ. Khi nói đến tu huệ, chúng ta nói đến sự trưởng dưỡng đời sống nội tâm, chúng ta muốn nói đến cuộc sống hướng cầu giải thoát của tâm linh làm bừng khai tuệ giác của mình.
Phước báu được nói trong kinh điển hiểu rất rộng, phước vô lậu hay phước hữu lậu. Theo các cách nói thường thức chúng ta hay nói đến tu phước và tu huệ thì hầu như tu phước có nghĩa là tạo phước hữu lậu và tu huệ là tạo phước vô lậu. Chữ phước ngày xưa hiểu rất rộng.
Và chữ phước chữ thiện ở đây Đức Phật Ngài dạy không có hàm ý chỉ là những người tạo phước báu chỉ mong cầu được giàu có, sắc đẹp, được danh thơm tiếng tốt, mà phước báu Đức Phật Ngài dạy ở tại đây nói chung là những việc gì làm với tâm lành mang lại an lạc.
sukho puññassa uccayo- Người làm phước, ắt được vui
Câu này nên là một câu thần chú, nên là một câu chúng ta thường tâm niệm trong đời sống hàng ngày.
Cuộc sống này, một người có thể làm một việc thiện và qua việc thiện đó khiến cho họ cảm nhận được sự hoan hỉ, nếu việc thiện đó làm cho họ cảm thấy tìm được một ý nghĩa cho cuộc sống phù du giả tạm này, thì quả thật "tích phước ắt, được vui".
Trên phương diện tâm lý, kinh Kalama Đức Phật nói khuynh hướng phần đông của chúng ta là ưu tư về tương lai, chúng ta làm việc phước bởi vì chúng ta có nghĩ về tương lai của mình. Có thể nói đời sống hàng ngày của chúng ta làm cho hiện tại thì ít, nếu nói đến hiện tại đôi khi chúng ta cần một ly nước lạnh, chỉ cần ngồi một chỗ êm ái, chỉ cần một nụ cười là quá đủ, chúng ta không cần nhiều hơn để được hạnh phúc. Nhưng thông thường những gì chúng ta muốn thật nhiều kể cả chuyện thâu góp tài sản, chuyện làm kế hoạch lâu dài cho việc đầu tư tiền bạc của mình, việc tu hành phước thiện là chuyện chúng ta nghĩ đến tương lai. Tương lai là cái gì chúng ta băn khoăn trăn trở, chúng ta mong muốn thấy được tương lai tốt. Trong bài kinh Kalama Đức Phật dạy một người làm thiện mà thật sự cảm nhận được cái thiện của mình thì người này có thể có một niềm vui cho dù họ không biết về kiếp sau họ không nghĩ đến kiếp sau, nhưng họ biết hễ kiếp này làm thiện thì đời sau ắt được an lạc. Do vậy đối với Đạo Phật như một câu kệ ngôn 18 trong phẩm Phẩm Song Yếu:
- Nay vui, đời sau vui
Người thiện hai đời vui
Vui thấy "mình làm thiện"
Sanh cõi thiện vui hơn
Nói đến niềm vui niềm hoan hỉ hay tích phước ắt được an lạc, là chúng ta nói đến một công hạnh nói đến một cảm xúc. Ở đây, Đức Phật dạy trực tiếp cho Tiên nữ Làjà đang đứng giữa hư không với khuôn mặt sầu não vì mình đã đem tất cả tấm lòng thiện chí mong được làm công quả phục dịch cho Tôn Giả Ca-diếp mà không được chấp nhận, cảm thấy Tôn Giả không cảm kích còn đuổi mình đi nơi khác. Đức Phật cũng nhắc Thiên nữ Làjà:
sukho puññassa uccayo- Người làm phước, ắt được vui
Vui ở đây là nghĩ đến tâm lành của mình, nghĩ đến thiện sự của mình chứ không phải nghĩ đến ngoại cảnh ở bên ngoài.
Thật ra trong cuộc đời này có vô số trường hợp người làm thiện không được ai để ý đến, thế gian này thường chỉ để ý đến những ồn ào, những điều kỳ lạ, hoặc giả họ để ý đến những người làm việc xấu. Một kẻ bắn chết hàng loạt người trong khu shopping hay trong một trường học thì được nổi tiếng khắp thế giới, đó là điều người đó mong muốn và điều đó cũng phản ảnh một sự việc là thế giới này thường để ý đến những hành động kỳ quặc, những hành động tội lỗi. Có bao nhiêu tâm hồn tốt đẹp, có bao nhiêu hạnh lành được thể hiện mỗi ngày ở trong các xóm làng trong các thành phố, nhưng báo chí không nói nhiều mà chỉ nói nhiều đến chuyện cướp của giết người. Và thật sự ít ai có thể hiểu, có thể nói được gì nhiều về một hành động thiện, điều đó có nghĩa khi mình làm thiện thì sự cảm kích ở bên ngoài không có nhiều. Và tự mỗi người chúng ta đều phải biết được giá trị của mình. Một người làm lành làm điều tốt tự mình không có khả năng để đánh giá chính mình thì điều đó cũng là một sự mất mát, sự thiếu thốn, là một sự tổn thất lớn cho mình, bởi vì không có ai biết được mình hơn chính mình. Và với việc lành việc thiện thì thường thường là những việc làm mang tánh cách âm thầm.
Chúng tôi thường rất cảm kích công quả của qúi Phật tử. Lấy ví dụ, lớp học Phật Pháp như rơom Diệu Pháp giảng kinh Pháp Cú, mỗi ngày qúi vị vào trong rơom có thể nghe Chư Tăng và nghe qúi Phật tử thảo luận trong hai giờ đồng hồ về Phật Pháp, nhưng bên cạnh đó có rất nhiều công quả những công quả đó hết sức âm thầm, của nhiều người bỏ tâm trí bỏ tiền bạc bỏ thì giờ để làm việc, và có thể những gì họ làm ít ai nhắc đến và ít có ai nói là cảm kích, nhưng điều đó không có nghĩa việc làm của họ là vô ích, hoặc hoàn toàn không có công đức. Nếu một người thật sự hiểu được giá trị việc làm của mình thì chắc chắn không ai khác hơn chính mình.
Nên chi, trong đạo Phật cũng đề cập đến một viên mãn thiện sự, việc thiện gọi là viên mãn là việc làm có ba trạng thái tâm: tư tiền, tư hiện và tư hậu,
- Tư tiền, trước khi làm có chuẩn bị, có để tâm, có sự trù liệu rõ ràng để công việc làm của mình được tốt.
- Tư hiện, trong khi làm tâm tư gắng bó với những gì mình đang làm, nếu mình làm mà không để tâm trí vào thì đó là thiếu tác ý, thiếu thiện tâm trong lúc đang làm.
- Tư hậu: Một thiện sự được viên mãn phải có tư hậu. Tư hậu là khả năng để phản tỉnh, để phản chiếu lại cái gì mình đã làm và dùng việc thiện của mình đã làm như một đề mục tâm niệm.
Ví dụ như mình đã làm một buổi lễ Tăng Y, hoặc đã tham dự một khóa thiền 10 ngày hay mình vào lớp Phật Pháp mỗi buổi sáng hay buổi tối để nghe kinh Pháp Cú chẳng hạn, lâu ngày cũng nên nhớ phước thiện đó. Nếu những việc lành chúng ta không để ý và để nó chìm vào trong quên lãng thì thật sự việc làm đó đôi khi không được viên mãn. Đôi khi nhìn lại những gì mình làm nó cho chúng ta một cái nhìn rất đặc biệt về những việc thiện gì mình đã làm.
Nên chi ở đây Đức Phật Ngài gọi là tích phước, ắt được vui.
Đức Phật đã đặc biệt trực tiếp dạy cho Tiên nữ Làjà để Tiên nữ này có thể nhìn lại những công hạnh những phúc nghiệp nào mình đã làm trong đời trước và trong đời này và nên hoan hỉ với điều đó, thay vì chỉ đem tâm phiền muộn nghĩ rằng Tôn Giả Kassapa đã không bằng lòng với việc của mình và đuổi mình đi v.v.... Đức Phật Ngài đã hướng tâm tư của Thiên nữ Làjà lại đúng chỗ đúng vị trí.
Nói về vị trí của Tôn Giả Kassapa Ngài hoàn toàn có lý do chánh đáng như Đức Phật đã xác định, nhưng trong tâm nguyện cao đẹp của Tiên nữ Làjà điều đó Đức Phật Ngài cũng tán thán, sở dĩ Tiên nữ Làjà buồn vì không khéo nghĩ. Đức Phật trong cương vị của bậc Chánh Đẳng Chánh Giác Ngài đã có những khuyến khích và Ngài đã có một sự chỉ dẫn nên nghĩ như thế nào cho hợp tình hợp lý, như trong bài kệ ngôn 118.
Người đã làm thiện hạnh
Nên tiếp tục làm thêm
Hãy hoan hỉ việc lành
Tích phước, ắt được vui
Kệ ngôn này nói về ba hình ảnh, ba thái độ, ba cái nhìn, của vị Tiên nữ Làjà, của vị Thánh đại đệ tử Phật là Thánh Ca-diếp và của Đức Phật, câu chuyện này soi sáng về nhiều trường hợp xảy ra trong đời sống hàng ngày của chúng ta, đặc biệt trong khung cảnh chùa chiền. Điều chúng tôi muốn nói ở tại đây có lẽ là chúng ta nên tâm niệm thường xuyên về hạnh lành của mình, có đôi khi thái độ của chúng ta là thái độ cực đoan, chúng ta bắt chước thái độ của Tổ Đạt Ma khi nói chuyện với Vương Võ Đế phủ nhận thẳng thừng là mình làm phước không cầu phước. Nghĩ như vậy cũng là một điều rất hay. Thật ra thái độ đó chưa chắc là một thái độ chánh đáng. Đức Phật là một vị đã giải thoát khỏi cõi tam giới và chúng ta không có lý do gì để nghi ngờ sự giải thoát của Ngài, nhưng Đức Phật Ngài có những lời dạy chúng ta phải nhìn vào đó để suy nghĩ, ví dụ Đức Phật dạy một người cư sĩ nếu hưởng phước, nếu hưởng tài sản của mình do chính mồ hôi nước mắt, do chính bàn tay của mình làm ra một cách lương thiện, điều đó là điều đáng hoan hỉ.
Đức Phật là một bậc giải thoát, chúng ta có thể nghĩ đối với chuyện thụ hưởng tài sản thế gian Đức Phật hoàn toàn xem nhẹ, quả thật như vậy, Đức Phật cũng xem nhẹ. Nhưng khi Ngài dạy như vậy, Ngài dạy con người ở trong vị trí đó làm việc đó là thích hợp. Nên chi thái độ của chúng ta là thái độ cực đoan, chúng ta dùng một lý lẽ nào đó để xóa đi tất cả, để phủ nhận tất cả, chúng ta quên rằng mỗi một trường hợp, mỗi một con người, mỗi một căn tính, mỗi một bối cảnh có một tinh thần khác nhau, và ở tại đó tinh thần nào thích hợp thì nên làm việc đó.
Chúng tôi cũng nghe rất nhiều quan điểm của một số Phật tử cho rằng những bà cụ những người đi chùa lạy Phật, làm phước như Trai Tăng hay in kinh sách mong cầu được phước là việc sai lầm, họ cực lực trỉ trích những người đó. Quan điểm như vậy cũng là quan điểm cực đoan, chúng ta phải hiểu được cái bối cảnh nào mà người đó làm, cái gì nên khuyến khích và cái gì nên phê bình.
Ví dụ, trường hợp một vị Thiền Sư thấy những bà cụ đến chùa trong một khóa thiền không chịu hành thiền mà chỉ lo việc nấu bếp công quả thì Ngài khiển trách, việc khiển trách đó rất nên, nhưng việc khiển trách đó phải do Ngài khiển trách ở trong bối cảnh đang hành thiền, và những người đó nếu họ được khiển trách như vậy họ có cơ hội để hành thiền, đó là việc nên làm.
Nhưng nếu chúng ta là người Phật tử vào chùa thấy một số người nào đó đang làm công quả nói "việc làm công quả như vậy không ích lợi gì hết, tại sao không làm những việc khác tốt hơn như đọc kinh sách, hay tu thiền, hoặc tu những pháp môn khác cao hơn". Đôi khi chúng ta nói không đúng thời, không đúng lúc, không đúng người thì lời nói của chúng ta chẳng những không mang lại sự tốt đẹp mà nó lại dẫn đến nhiều sự bất hạnh cho người khác và cho mình.
Đức Phật Ngài thường lưu ý chúng ta; một lời nói hay thái độ gì trong đời sống đặc biệt liên quan đến thiện sự chúng ta phải cân nhắc rất nhiều. Ví dụ, Đức Phật dạy một lời nên nói thì lời nói đó ít nhất là phải đi với sự thật, lời nói đó phải đi với tâm từ, lời nói đó phải có lợi ích, lời nói đó phải là lời nói bằng ái ngữ tức là nói dịu dàng, lời nói đó phải là lời nói đúng thời. Nhưng, sự việc đó không phải đơn giản bởi vì chúng ta thường nói một cách vô tội vạ cái gì mình thích thì mình nói, mình không có sự cân nhắc trước sau.
Đức Phật dạy, một vị thiện trí khi nói, khi hành động phải có 7 pháp của bậc thiện trí như: phải biết người, phải biết mình, phải biết nhân, biết quả, phải biết thời gian thích hợp, phải biết chừng mực vừa phải, và phải biết đám đông - tri nhân, tri quả, tri kỷ, tri bỉ, tri thời, tri hội, tri độ, như vậy nói lên một khía cạnh khác rất quan trọng, đó là chúng ta không nên lượng định đánh giá công việc một cách hời hợt cho dù một câu nói có giá trị ở trong một bối cảnh nào đó chưa chắc là nó đã có giá trị hoàn toàn ở trong mọi thời gian mọi hoàn cảnh.
Trong câu chuyện này chúng ta lại tìm thấy những nét rất thú vị, những điểm rất quan trọng:
1 - Cái nhìn của một vị Tiên muốn tạo thêm phước thiện cho mình và Đức Phật Ngài khuyến khích như vậy.
2 - Cái nhìn của một bậc Thánh muốn giữ gương lành tốt cho người đời sau Đức Phật Ngài xác nhận đó là chánh đáng.
3 - Và Đức Phật trong cái nhìn của bậc Đạo Sư Tối Thượng Ngài có những lời dạy thích hợp không những cho Tiên nữ Làjà mà cho chúng ta những người hậu học về sau này.
Xin tất cả chúng ta luôn tâm niệm và không bao giờ quên câu nói Đức Phật đã dạy: Tích phước, ắt được vui./.