Saturday, 23 January 2016

Kệ Ngôn 102 và 103 - Chiến Thắng Tự Thân Mới Thật Sự Vẻ Vang

Psychotheraphy, Meditation
Kệ Ngôn 102 và 103
Chiến Thắng Tự Thân Mới Thật Sự Vẻ Vang
Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Trí Siêu 

Cho dù ngàn lý luận
Nghe nhiều chẳng đến đâu
Sao sánh bằng một câu
Khiến tâm tư chuyển hoá
Dù thắng ngàn binh tướng
Trên trận mạc sa trường
Không bằng thắng tự thân
Ấy vinh quang tối thượng

.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali

Yo ca gāthā sataṃ bhāse, anatthapadasaṃhitā [anatthapadasañhitaṃ (ka.) visesanaṃ hetaṃ gāthātipadassa];
Ekaṃ dhammapadaṃ seyyo, yaṃ sutvā upasammati.
103.
Yo sahassaṃ sahassena, saṅgāme mānuse jine;
Ekañca jeyyamattānaṃ [attānaṃ (sī. pī.)], sa ve saṅgāmajuttamo.

Minh Hạnh chuyển biên

TT Trí Siêu: Bài kệ 102 và 103 Đức Thế Tôn thuyết cùng một duyên khởi, nhưng ý nghĩa câu 102 không liên quan đến câu 103, do vậy chúng tôi sẽ tách riêng để thuyết giảng.

Kệ 102: Ở đây, tỳ kheo ni Kundalakesì vốn là một tiểu thư đài các đem tâm thương yêu một tên tử tội, cha của nàng đã mua chuột cho anh ta được mạng sống. Vì anh ta là một tên tướng cướp nên vẫn ngựa quen đường cũ với tâm chẳng lành đã manh tâm gạt gẫm cô tiểu thư tức là vợ của mình đi lên núi ngay chỗ vực thẳm với ý định giết cô ta để đoạt lấy vòng vàng nữ trang. Lúc bấy giờ nàng Kundalakesì chợt khởi lên một ý nghĩ và kế hoạch để thoát thân bằng trí tuệ khéo léo của mình nàng Kundalakesì đã gạt được chàng tướng cướp này và xô ngã xuống vực thẳm.

Sau đó nàng xuất gia làm một nữ đạo sĩ với biện tài lý luận cô đi từ chỗ này đến chỗ khác để tìm các vị sa môn, bà la môn và cô ta đã thắng các vị sa môn, bà la môn này với một ngàn câu lý luận mà cô đã học được từ nơi sư phụ của mình.Một ngày kia người nữ du sĩ này cặm một nhánh trâm trên mặt đất và tuyên bố nếu ai nhổ nhánh trâm này là người đó đã chấp nhận tranh luận với cô. Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phật Ngài đi khất thực ngang qua thấy như vậy Ngài mới bảo đứa trẻ đứng gần đó nhổ bỏ nhánh trâm đi và khi nàng nữ du sĩ Kundalakesì đến nơi thấy vậy liền hỏi những đứa trẻ chỉ cho biết do Tôn Giả Sariputta Xá Lợi Phất dạy cho chúng nhổ lên như vậy. 

Khi nữ du sĩ Kundalakesì đi đến gặp Tôn Giả Xá Lợi Phất, Tôn Giả đã thừa nhận điều đó và một cuộc tranh luận khởi ra. Nữ du sĩ Kundalakesì dùng biện tài lý luận của mình để hỏi Tôn Giả Xá Lợi Phất những câu hỏi thật hóc búa. Tôn Giả Xá Lợi Phất vốn là một vị tướng quân chánh pháp, đệ tử tay mặt của Đức Phật, là bậc đại tuệ, là bậc đệ nhất trí tuệ thượng thủ thinh văn đệ tử của Đức Phật cho nên đối với Ngài thì cả ngàn câu hỏi, cả ngàn luận điệu lý luận như vậy không thấm vào đâu cả, Ngài trả lời một cách thông suốt, cuối cùng khi nữ du sĩ này không còn vấn đề gì để hỏi để nói nữa để tranh luận nữa thì Tôn Giả Xá Lợi Phất mới nêu lên một câu hỏi:

- Cái gì gọi là một?

Nữ du sĩ này bí lối không thể trả lời được cho nên nữ du sĩ này đã xin Tôn Giả Xá Lợi Phất chỉ dạy. Tôn Giả Xá Lợi Phất Ngài bảo rằng nếu như nàng muốn học ý nghĩa này thì cần phải xuất gia làm tỳ kheo ni. Nữ du sĩ Kundalakesì chấp nhận và được giới thiệu đến ni viện xuất gia trở thành một vị tỳ kheo ni, vài ngày sau tỳ kheo ni kundalakesi với trí tuệ của mình với sự nhiệt tâm nỗ lực đã chứng quả vị Alahán với 4 tuệ phân tích.

Khi các vị tỳ kheo hay biết chuyện này đã bàn luận với nhau về tỳ kheo ni Kundalakesì chỉ nghe một câu pháp đã thành tựu được quả vị lớn, trước đây nàng đã từng là một biện sĩ thông suốt ngàn câu lí luận của đạo du sĩ dạy thế mà nàng không được lợi ích gì nay chỉ nghe Tôn Giả Xá Lợi Phất nói một câu thôi nàng tỉnh ngộ. Rồi các vị tỳ kheo lại bàn luận thêm về thân thế của vị tỳ kheo ni này vốn là một tiểu thơ đã yêu thương một tên cướp rồi trong cơn nguy ngập cô tiểu thơ đã tự mình chiến thắng được tên cướp đó, quả thật là một người có trí tuệ vô địch. Khi Đức Thế Tôn đi đến giảng đường Ngài hỏi chúng tỳ kheo về câu chuyện được trình bày sau đó Đức Thế Tôn Ngài ngâm lên hai bài kệ này. Bài kệ thứ nhất

102.
Yo ca gāthā sataṃ bhāse, anatthapadasaṃhitā [anatthapadasañhitaṃ (ka.) visesanaṃ hetaṃ gāthātipadassa];
Ekaṃ dhammapadaṃ seyyo, yaṃ sutvā upasammati.
Cho dù ngàn lý luận
Nghe nhiều chẳng đến đâu
Sao sánh bằng một câu
Khiến tâm tư chuyển hoá

và bài kệ thứ 2 Đức Phật thuyết

103.
Yo sahassaṃ sahassena, saṅgāme mānuse jine;
Ekañca jeyyamattānaṃ [attānaṃ (sī. pī.)], sa ve saṅgāmajuttamo

Dù thắng ngàn binh tướng
Trên trận mạc sa trường
Không bằng thắng tự thân
Ấy vinh quang tối thượng

Ở đây. Hai bài kệ này có ý nghĩa khác nhau mặc dù Đức Thế Tôn đã thuyết cùng trong một duyên khởi,. Chúng tôi sẽ trình bày trước về câu kệ 102

Đức Phật Ngài giải thích hiệu năng của chánh pháp về chân lý cũng như chúng ta đã nghe câu kệ 100 và câu kệ 101 chỉ thay đổi từ vựng.

Câu 100 Đức Phật Ngài dùng từ Attha. Atthapadam: lời có lợi lạc,

Câu 101 Đức Phật dùng từ Gàthà là kệ ngôn : Gàthà: kệ ngôn

Câu 102 Đức Thế Tôn dùng từ Gàthà.

Ở đây không có một điều gì chúng ta phải thắc mắc Đức Phật Ngài thuyết mỗi trường hợp khác nhau, chúng ta chỉ cần hiểu trong những ý nghĩa Đức Thế Tôn thuyết Ngài nhấn mạnh về hiệu năng chân lý, hiệu năng của chánh pháp. Giáo pháp của Đức Phật không luận nói ít hay nói nhiều mới được lợi lạc, chỉ nói một lời có ích cũng là tốt hơn cả ngàn lời, dù thuyết một câu kệ có lợi ích đúng chánh pháp vẫn tốt hơn cả ngàn câu kệ, cho dù lý luận cả ngàn phương pháp cả trăm phương pháp cũng không tốt hơn là một câu pháp hữu ích.

Cách so sánh đó trước nhất chúng ta phải lưu ý vì do tánh cách của kệ ngôn uyển chuyển văn từ nên Đức Thế Tôn đã thuyết mỗi đoạn có từ ngữ được xử dụng khác nhau. Thứ hai, tùy theo trường hợp, tùy duyên khởi chẳng hạn như trong duyên khởi câu chuyện nêu ra một vị trưởng lão nói một lời nào đó với một người cư sĩ và người này chỉ cần nghe xong một câu khuyên bảo họ được thành tựu được giải thoát chứng ngộ chân lý. như vậy lúc bấy giờ bài kệ này Đức Thế Tôn gọi là vaca. Còn trường hợp ông Bàhiya ở câu kệ số 101 ông Bàhiya chỉ nghe một bài kệ gọi là gàthà.

Đức Thế Tôn đã nhấn mạnh về hiệu năng của chân lý giáo pháp của Ngài không luận phải nói nhiều, chỉ cần nói một câu một bài kệ nếu như có lợi ích đến việc giải thoát đưa đến sự đoạn trừ phiền não cũng có giá trị hơn cả ngàn ngàn lời nói hay một trăm bài kệ, một trăm vần thơ, cả trăm cách lý luận ở ngoài thế gian những điềukhông đưa đến lợi ích giải thoát, những điều vô ích cho dù chúng ta nói có nhiều đi nữa thì cũng chỉ rỗng không.

Vì vậy, khi nghe xong bài kệ này nói về hiệu năng của chánh pháp chúng ta phải biết cho dù chúng ta nói một câu pháp có lợi ích thiết thực cũng vẫn tốt hơn nói một trăm câu kệ, chúng ta ngâm cho người khác nghe cả một trăm một ngàn câu kệ nhưng người nghe xong không có lợi ích gì và không đưa đến sự an lạc cũng không bằng nói một câu.

Vấn đề này khi tu tập chúng ta cũng nên chú ý một điểm là ít nói tốt hơn là nói nhiều, chúng ta ít nói nhưng nói một câu hữu ích và một câu đem đến lợi lạc cho mình và cho người khác như vậy sẽ cao qúi hơn.

Người đời thường có câu nói: "một câu nói hay hơn là hay nói" có ý nghĩa như vậy bởi vì khi chúng ta nói hay tức là nói một lời nói có ý nghĩa sâu sắc và đưa đến lợi ích thì lời nói hay đó sẽ vượt hơn hẳn là chúng ta hay nói, tức là nói nhiều mà nói toàn là những lời vô ích. Ý nghĩa đó cũng tương tự như ý nghĩa trong câu Phật ngôn Pháp Cú chúng ta vừa nghe.

Đó là ý nghĩa của bài kệ 102

Kệ ngôn 103:
Duyên khởi đề cập đến giai thoại của nàng Kundalakesì nhưng ý nghĩa khác biệt hẳn với câu kệ 102. Khi các vị tỳ kheo bình luận về sự chiến thắng của nàng Kundalakesì còn là một tiểu thơ mặc dầu thân liễu yếu đào tơ đứng trước nỗi nguy hiểm một người chồng thất phu bạo ngược và nàng ta đã dùng trí tuệ của mình để chiến thắng anh chồng thì quả thật đây là một chiến thắng kỳ diệu. Khi Đức Thế Tôn nghe sự kiện này Ngài bảo với các vị tỳ kheo:

Dù thắng ngàn binh tướng
Trên trận mạc sa trường
Không bằng thắng tự thân
Ấy vinh quang tối thượng

Nguyên văn ở trong chú giải Pali về câu kệ này dùng từ: Ekañca jeyyamattānaṃ là một ngàn tên tướng cướp cũng không bằng chiến thắng một tên cướp phiền não.

Ở đây, trong ý nghĩa này chúng ta biết ý Đức Thế Tôn Ngài muốn nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự tự khắc phục tự chế ngự bản thân, tự chiến thắng bản thân cho dù mình thắng được người khác, thắng được cả ngàn quân địch ở trên chiến trận nhưng sự chiến thắng đó mặc dầu thế gian cho là vinh quang cho là tốt đẹp nhưng ở đây những con người chiến thắng được như vậy những người đó cũng không thể nào thoát khỏi sự sầu bi thoát khỏi sự trầm luân sanh tử đau khổ, mặc dầu người ta thắng được người khác với sức mạnh phi thường họ có thể vật ngã cả trăm người ngàn người nhưng có một thứ kẻ thù mà họ không thể nào thắng nổi đó là chính nội tâm phiền não của họ:

Khi lòng tham chi phối cho con người chiến thắng vinh quang này thì con người chiến thắng vinh quang đó vẫn bị tham sai xử để làm những điều tội lỗi những điều ác quấy.

Khi phiền não sân chi phối dù người này là người đang chiến thắng vinh quang nhưng tâm sân si chi phối rồi thì người này cũng trở thành một kẻ nô lệ cho phiền não làm những tội ác do phiền não sai khiển.

Khi phiền não si sai khiến thì con người này dù là người đang chiến thắng vinh quang ở bên ngoài nhưng người đó cũng vẫn là con người u mê dốt nát vẫn là người được xem nhưsống trong bóng tối của vô minh.

Do vậy, đối với tinh thần của Đạo Phật thì sự chiến thắng người khác ở bên ngoài, sự chiến thắng đó không có vẻ vang không vinh quang, không bằng tự chiến thắng chính mình.

Trong câu chuyện Hiền Giả Cái Cuốc (Tiền thân Kuddàla) Đức Thế Tôn nhắc lại đời sống quá khứ của Ngài khi còn là vị đạo sĩ Kuddàla. Vị đạo sĩ này có tên Kuddàla bởi vì người đạo sĩ đó trong đời sống tu tập bị chi phối dính mắc bởi một vật ngoại thân đó là cây cuốc. Vì xuất thân là một nông dân trồng trọt ruộng nương cho nên ông đã thuần thục trong nghề nghiệp trồng tỉa của mình. Vào những mùa khô không thể sới đất trồng tỉa được người nông dân này đi xuất gia làm đạo sĩ nhưng đến khi mùa mưa về thì vị đạo sĩ này chợt nhớ đến những nương khoai những nếp đậu mình đã gieo trồng thu hoặc huê lợi như thế nào, người đạo sĩ đó luyến tiếc và xách cây cuốc với gói hạt giống mà vị đó đã mang theo cất gần nơi tịnh thất trở về hoàn tục và làm việc nông nghiệp. Rồi vào mùa khô năm sau lại đi xuất gia. Cứ đi xuất gia rồi trở về trồng trọt đi xuất gia rồi trở về trồng trọt liên tục cho đến lần thứ 7 vị này hạ quyết tâm rằng chính vì cái cuốc và gói hạt giống này đã làm cho ta chi phối dính mắc không thể nào tu tập được không thể nào thuần ý trong thiền định do đó vị đạo sĩ đã đi đến bờ sông sau khi tắm rửa vị này đã can đảm ném cây cuốc và gói hạt giống vào giữa giòng sông. Với một chiến thắng trận giặc lòng vinh quang như vậy đạo sĩ đã reo hò đắc thắng. Khi đó đức vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại vừa hát khúc khải hoàn sau khi tảo trừ bọn cướp ở biên địa Đức Vua về ngang nghe nghe vị đạo sĩ khoan khoái thốt lên như vậy Đức Vua lấy làm khó chịu Đức vua mới đi đến tận nơi và hỏi thăm:

- đạo sĩ đã chiến thắng ai chiến thắng như thế nào, người chiến thắng bây giờ là trẫm mới đúng?

Lúc bấy giờ đạo sĩ Kuddàla đã trình bày với Đức Vua biết rằng Đức Vua đã thắng giặc ở bên ngoài nhưng trận giặc lòng ở bên trong Đức Vua chưa chiến thắng được. Còn bần đạo chiến thắng được giặc ở bên trong bởi vì tâm luyến ái cảnh ruộng nương đồn điền cái cuốc và hạt giống làm trở ngại việc tu hành nên bây giờ bần đạo dứt khoát đã ném bỏ được cái cuốc và gói hạt giống ở giữa giòng sông, như vậy đây là sự chiến thắng lớn lao vinh quang nhất tự chủ được chính mình chế ngự được chính mình. Đức Vua Brahmadatta nghe như vậy lấy làm hoan hỉ và Đức Vua sau đó cũng đã thu xếp triều đình rồi trở vào khu rừng xin xuất gia với đạo sĩ Kuddàla. Sau đó những vị đạo sĩ này đã chứng đắc thiền sau khi mệnh chung sanh về cõi Phạm Thiên.

Đức Thế Tôn nhắc lại câu chuyện đó để ngài dạy một ý nghĩa tầm quan trọng của sự khắc phục nội tâm cao quý hơn là sự chiến thắng người khác ở bên ngoài.

Nhiều khi lầm tưởng chúng ta có quyền uy có sức mạnh về lời nói hay sức mạnh về uy tín, sức mạnh về tài sản chúng ta lại có thể chế ngự khuất phục được người khác, chúng ta tự hào cho mình là người tài, người giỏi, người có bản lĩnh, nhưng nếu chúng ta dùng trí tuệ để suy xét sẽ thấy rằng chúng ta có thể thắng được người khác một cách dễ dàng nhưng để chiến thắng được mình mới là một điều khó. Chính vì vậy chúng ta thắng người khác không vẻ vang bằng chiến thắng chính mình, chiến thắng chính mình tức là chúng ta phải làm sao khắc phục đừng để tham, sân, si tà kiến sanh khởi như vậy mới được xem là chúng ta đã chiến thắng được mình.

Và ở đây, ngày nào chúng ta tu tập chúng ta chưa chiến thắng được nội tâm của mình thì ngày đó chúng ta vẫn phải bị sống ở trong hoàn cảnh khổ đau bởi vì chúng ta chưa khắc phục được chính mình là chúng ta chưa đạt được mục đích cứu cánh phạm hạnh.

Cho dù nữ đạo sĩ Kundalakesi là một nữ nhân khi còn là một tiểu thơ có một trí tuệ có một sức mạnh về tinh thần có thể thắng được một tên cướp hung tàng như vậy nhưng sau đó xuất gia làm nữ đạo sĩ, tâm của vị đạo sĩ này cũng không bao giờ được an ổn không bao giờ được yên vui không bao giờ được thánh thiện chỉ khi nữ đạo sĩ này giác ngộ và xuất gia trở thành một vị Alahán đã đoạn tận tất cả những phiền não thì sự chiến thắng chính mình đó lúc bấy giờ mới được xem như là hoàn mãn và đạt đến đỉnh vinh quang nhất.

Hai bài kệ này đã dạy chúng ta những điều hữu ích về luân lý của giáo pháp, trước hết về hiệu năng của chánh pháp chúng ta phải biết rằng dầu một câu pháp hữu ích và có liên hệ đến mục đích giải thoát và người nghe nghe một câu như vậy được tịnh lạc giải thoát tốt đẹp hơn cả trăm bài kệ thốt ra nhưng nghe chẳng ích lợi gì.

Tầm quan trọng của sự tự khắc phục ở bài kệ 103 chúng ta nên lưu ý và phải cố gắng làm như thế nào để tự chiến thắng bản thân mình và chỉ khi nào chúng ta chiến thắng bản thân mình không bị nô lệ trong vòng cương toả của phiền não, không còn bị phiền não sai xử nữa thì lúc bấy giờ mới thật sự là chiến thắng vinh quang là một sự chiến thắng tối thượng, cho đến khi đó chúng ta mới hoàn toàn được thoải mái an lạc.

Ý nghĩa của 2 bài kệ chúng tôi đã thuyết giảng từng câu mặc dầu cả hai bài kệ được thuyết cùng chung một duyên khởi nhưng có ý nghĩa khác biệt vì vậy phải giảng riêng và những điều nào chúng tôi trình bày trong ý nghĩa của 2 bài kệ này qúi vị có sự hoan hỉ nghe được hãy cố gắng tu tập thực hành theo đó. Bởi vì khi nghe pháp chúng ta hiểu được pháp và thực hành theo pháp bấy giờ mới thành tựu được lợi ích. Nếu chúng ta nghe pháp mà không trú tâm không khéo tác ý để hiểu pháp hay khi hiểu pháp chúng ta biết tán thán ý nghĩa của pháp chúng ta không thực hành như vậy cũng chẳng ích lợi gì ./.
 

Thursday, 14 January 2016

Kệ Ngôn 101 - Lời hay bất tất dông dài

Psychotheraphy, Meditation
Kệ Ngôn 101 

Lời hay bất tất dông dài

Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Giác Đẳng 

Thánh thi tụng nghìn câu
Nghe nhiều lòng vẫn thế
Sao sánh bằng dòng kệ
Hiều rồi được thăng hoa





.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali
Sahassamapi ce gaathaa anatthapadasa.mhitaa
Eka.m gaathaapada.m seyyo ya.m sutvaa upasammati.

Minh Hạnh chuyển biên:

TT Giác Đẳng: Chúng ta có ba kệ ngôn ở trong phẩm Ngàn: kệ ngôn 100, 101 và 102. Lời của ba kệ ngôn này giống nhau nhưng chỉ có một đoạn khác nhau chúng ta lưu ý ở đây đó là; bài kệ 100 dùng chữ "vaacaa" nghĩa là lời nói. Lời nói ở đây chỉ chung cho bất cứ lời nói gì, như trong câu chuyện người đao phủ thủ chúng ta được nghe TT Trí Siêu giảng về Ngài Xá Lợi Phất khi Ngài gặp một ông cụ trước kia làm nghề đao phủ và ông không cách nào lắng tâm nghe pháp được, trong cách hướng dẫn trong lời nói ngôn từ của Ngài khiến cho ông có thể lãnh ngộ được. Hôm nay thì chúng ta lại nghe một bài kệ 101, bài kệ này không dùng chữ "vaacaa" là lời nói mà dùng chữ "gaathaa" nghĩa là kệ tụng hay là một bài kệ, ở đây chúng tôi dịch là "thánh thi" là bởi vì gaathaa là một thể rất là quen thuộc trong kinh điển Vệ Đà của Ấn Độ. Nhiều tác phẩm dài như là Bhagavad Gita - Chí Tôn Ca hay là Upanisad - Áo Nghĩa Thư, phần lớn những dạng kinh điển được viết trong giáo điển của Bàlamôn hay của Ấn Giáo thì được viết dưới dạng "gaathaa" do đó chúng ta có thể dịch là thánh thi hay là kệ tụng. Những bài kệ tụng thánh thi này thường là một mẫu kệ tụng rất quen thuộc đối với những tu sĩ Ấn Giáo, dĩ nhiên là chúng ta muốn nói đến Bàlamon giáo thời xưa cũng vậy. Ngày mai chúng ta sẽ gặp một chữ khác trong một câu kệ 102 là chữ "bhàse," thật ra bhàsati cũng có nghĩa là lời nói nhưng lời nói có lập luận căn bản, chữ "bhàse" khác hơn chữ "gaathaa" chúng ta có thể dịch là luận ngữ, hay là một phương ngôn tức là một cách nói nào mà lập ý thì ở trong một cái bối cảnh khác một mạch văn khác mà chúng ta có thể được nghe qua câu chuyện của Ngài Xá Lợi Phất trong duyên sự của kệ 102.

Kệ ngôn 101 đề cập đến câu chuyện của Bàhiya là một người xuất gia vì sự tình cờ, trong sự tình cờ đó lại cảm nhận rằng mình cũng có đạo phong kiểu cách hơn người, bởi lý do là thuyền tắp vào một khu làng rồi vì mất hết quần áo rồi vị này tự trầm những vỏ cây làm thành quần áo. Và người Ấn Độ thời bấy giờ thì họ rất sùng bái những vị đạo sĩ những vị samôn có cách sống hơi khác thường. Giống như ở miền Nam nước Việt có những người chuyên môn ăn ớt gọi là đạo ớt, hay chuyên môn ăn chuốt thì gọi là đạo chuốt, hay có một đặc hạnh gì thì họ gọi là ông đạo. Thì lúc bấy giờ người ta thấy Bàhiya mặc vỏ cây đi vào làng thì họ nghĩ đó là một vị chân tu một vị đạo sĩ đang tu trong hạnh gì đặc biệt. Mặc dù trở thành một vị đạo sĩ do hoàn cảnh đưa đẩy nhưng rốt cuộc Bàhiya vẫn là một người cảm nhận được ở trong lòng mình có một cái gì mời gọi để trở thành một người dấn thân vào cuộc sống tu tập. Có một chút đạo tâm và với sự sùng kính của những người chung quanh thì Bhàhiya dần dà cảm thấy đời sống của mình bỏ đi được nhiều thứ trong lòng cũng thanh thản khác hơn ngày xưa nhiều và thậm chí Bhàhiya nghĩ mình là một vị trọn lành, trọn lành tức là một vị không có phiền não nữa.

Cũng nên nói thêm rằng chữ Arahan vào thời xưa được dùng cho vị đã dứt sạch phiền não, không riêng ở trong đạo Phật mới dùng chữ Arahan mà ngay cả những vị đạo sĩ bên ngoài cũng đề cập đến chữ đó nghĩa là vị Trọn Lành hay vị Ứng Cúng. Rồi có một vị thiên vốn là quyến thuộc ở kiếp trước của Bhàhiya thấy vậy mách nước cho Bhàhiya rằng thật ra ông không phải là một vị Ứng Cúng Trọn Lành mà vị Ứng Cúng Trọn Lành đã ra đời tại miền trung Ấn này và Ngài đã ngự ở Xá Vệ. Nghe vậy thì Bhàhiya lên đường đến thành Xá Vệ để tìm Đức Phật. Cuộc hội ngộ của ông với Đức Phật là một cuộc hội ngộ tình cờ như là cuộc vào tu của ông khi bắt đầu vậy. Ông hỏi thăm người này người khác họ chỉ ông về Đức Phật là ai và ở đâu và ông đã gặp Đức Phật trong lúc Ngài đang đi khất thực.

Thông thường thì những Đức Thế Tôn khi các Ngài làm việc gì hay là dạy pháp thì Ngài dạy đúng thời, đúng lúc, đúng chỗ, chứ không phải là bất cứ lúc nào. Trong trường hợp Đức Thế Tôn Ngài đang đi khất thực với bình bát trên tay thì rất ít khi Ngài đứng lại để giảng pháp vào lúc đó. Thông thường hình ảnh chúng ta được nghe ở trong kinh, nếu một người như là Ngài Xá Lợi Phất lúc còn cư sĩ gặp Ngài A Xà Chí đang đi khất thực mà muốn đi theo nghe pháp thì sẽ đi theo Ngài cho đến khi Ngài đi xong chuyến đường khất thực trở về độ cơm xong thì mới bắt đầu hỏi đạo. Nhưng trong lòng Bhàhiya có cái gì nôn nóng, nôn nóng bởi vì nhiệt, nôn nóng bởi vì từ xưa đến giờ ông chưa bao giờ được cảm nhận một cái gì thật sự là một vị Thánh nhân giải thoát, nhưng hình ảnh của Đức Phật làm cho ông có niềm tin ngay là đây chính là bậc Vô Thượng Giải Thoát và tâm tư của ông bấy giờ trở lên khát ngưỡng được học đạo, được đón nhận sự chỉ dẫn và ông đã đến khẩn khoản để xin Đức Phật Ngài giảng pháp cho mình. Đức Phật đã cho ông biết rằng đó là lúc phi thời tại vì trong lúc này không phải là lúc để một vị Phật giảng pháp như vậy. Thì ông rất là khẩn khỏan, một sự khẩn khoản như một người khát nước mà bây giờ không uống nước được thì phải chết, thì thưa qúi vị Đức Phật Ngài đứng giữa đường Ngài đã dạy ông một bài kệ ngắn, bài kệ này là một bài kệ hết sức là quan trọng, ở trong bài kệ đó Đức Phật Ngài đã dạy rằng:

"khi nào thấy thì biết là thấy, khi nào nghe thì biết là nghe, khi nào suy nghĩ thì biết là suy nghĩ."

Và ý nghĩa của bài kệ này có thể nói rằng là một hướng dẫn rất ngắn, rất đại lượt về pháp hành thiền quán tức là một thái độ giác tỉnh đối với các giác quan của mình, và đặc biệt là đối với tâm ý của mình. Rồi Đức Phật Ngài dạy tiếp cho ông hiểu về cái ý lý thế nào là sự giải thoát. Ngài sau khi hướng dẫn một ít về thiền quán Ngài dạy cho ông thế nào là sự giải thoát. Bhàhiya sau khi nghe bài pháp của Đức Phật, nghe giống như nước như mật rót vào lòng, giống như một người khát nước lâu bây giờ được nước uống, nghe tới đâu thì nó thấm vào tới đó.

Trường hợp này chúng tôi nhớ khi ở gần Ngài Hoà Thượng ở chùa, có khi Ngài nói rằng có những thứ thức ăn thức uống mà mình ăn mình uống mình thấy như nó rót vào trong hố sâu, có những thức ăn thức uống mà mình nghe giống như nó đang thấm thía. Thì nghe pháp cũng vậy thưa qúi vị, có nhiều khi chúng ta nghe một điều gì đó nghe chỉ là một sự chấp chứa thêm tri kiến, nhưng có những lúc chúng ta nghe pháp nghe như thấm vào trong xương trong tủy của mình, ngay trong lúc đó thì chúng ta biết rằng chúng ta được tắm gội thật sự, được gội nhuần bởi ý nghĩa chân thực của pháp. Thì Bhàhiya cũng vậy trong trường hợp này, khi nghe Đức Phật giảng thì ông thành tựu đạo quả vô sanh, và theo trong sớ giải thì nói rằng chẳng những thành tựu đạo quả mà ông còn được chứng đắc các thần thông, một vị như vậy gọi là chứng đắc lục thông kể cả lậu tận thông. Sau đó không lâu thì vị này bị một tai nạn viên tịch chỉ một thời gian ngắn sau khi nghe Đức Phật Ngài thuyết pháp thành tựu đạo quả. Các vị tỳ kheo có thắc mắc về cảnh giới đến đi của vị đạo sĩ Bhàhiya này, vì các vị tỳ kheo đi khất thực theo Đức Phật, Đức Phật Ngài cho biết về hành xứ của vị này và về sự chứng đắc vô dư Niết-bàn của vị này. Một số các vị tỳ kheo rất kinh ngạc vì một người mà có thể thành tựu đạo quả trong thời gian ngắn như vậy, lúc đó Ngài đã dạy kệ ngôn trên. Kệ ngôn mà có thể là một gợi ý rất là quan trọng có thể là một tiền đề mà chúng ta thảo luận về sự tu tập và cách hành trì.

Thánh thi tụng nghìn câu.
Nghe nhiều lòng vẫn thế.
So sánh bằng giòng kệ.
Hiểu rồi được thăng hoa.

Có lẽ không riêng truyền thống Phật giáo Nam Tông, Bắc Tông hay Mật Tông mà hầu như có một số lớn trong chúng ta luôn luôn bị ám ảnh bởi một điều là trên con đường giác ngộ giải thoát chúng ta phải học rất nhiều có thể nói thiên kinh vạn điển hay cả một hệ thống giáo lý to lớn. Về điểm này nó cũng là một trong những lý do mà truyền thống trong lịch sử đạo Phật đã có một giòng thiền tách rời ra khỏi truyền thống cố hữu này, và chúng ta được biết đó là thiền tông của Trung Hoa hay là thiền Zen của Nhật Bản, những giòng thiền này họ đi đến một chỗ cực đoan hơn nữa là bất lập văn tự giáo ngoại biệt truyền, cho dù bất lập văn tự nhưng vẫn có những tác phẩm đồ sộ giống như Bích Nham Lục chẳng hạn. Nhưng một thái độ của thiền tông thường đề cập đến là một thái độ phải nằm ngoài những số lượng kinh sách to lớn như vậy. Đó là một đề tài chúng ta sẽ bàn ở chỗ khác.

Nhưng ở đây nói lên một điều là kho tàng chính thức về y học của con người thì có thể nói rất rộng lớn, nhưng để trị đúng bịnh của mình thường khi chúng ta chỉ cần một số thuốc nào đó, tất nhiên phải có những người có rất nhiều kiến thức về y học như bác sĩ hay dược sĩ để có thể kê toa chuẩn bịnh cho thuốc một cách chính xác. Nhưng khi với một người bịnh thì vị thầy thuốc có thể chỉ một liều thuốc một toa thuốc uống vài ba thang thì hết bịnh. Bên Thái Lan tại trường thiền dạy một loại thiền của Wat Panan Choeng thì họ cũng cố gắng để làm một giáo trình, chúng ta tạm gọi là giáo trình tại vì họ làm một thứ lớp về pháp tu niệm pháp thân như thế nào, dĩ nhiên chúng tôi không muốn đi sâu vào để bàn về pháp tu của họ, nhưng mà nói chung đó là một ví dụ rất tiêu biểu là có một số nỗ lực nhắm vào việc làm sao tu tập và con đường hành trình có lớp lang. Nhưng con đường tinh thần là một con đường rất là lạ, không phải một người được tốt nghiệp trong trường Văn Khoa với một kiến thức đồ sộ về kim văn cổ văn mà người đó có thể viết được những bài thơ ra hồn, và chúng ta biết rằng có những vị mà thơ và nhạc chỉ là được biết từ thời còn rất nhỏ nhưng họ có thể trong thi tứ đạt đến trình độ rất cao, là một vị thi sĩ với một vị giáo sư dạy Việt văn có thể hai cái nó không thể nào lấy cái này mà lượng định cái kia được. Thì tương tự như vậy có một số người học, có một số người hiểu, và có một số người thành tựu được cái mà được Đức Phật truyền dạy. Và không nhất thiết là người ta phải học phải hiểu, người ta học thật nhiều phải hiểu thật rộng rồi mới chứng đắc được cái to lớn, không có nghĩa là như vậy. Nên điều đó nói lên một ý nghĩa rất quan trọng về con đường tinh thần. Và thậm chí người ta còn nói đến một sự đả phá nặng nề vào kho tàng kinh điển truyền thống, chúng tôi tin rằng nó cũng là một thứ cực đoan khác.

Hồi nãy chúng tôi có thưa là uống thuốc chỉ có thể trong một hai thang thuốc là hết bịnh, nhưng muốn có được uống thuốc mà một hai thang hết bịnh thì chúng ta cần được sự chuẩn bịnh kê toa cho thuốc của những vị bác sĩ dượt sĩ và những người đó phải có trình độ rất khá. Cái khéo của chúng ta là làm thế nào đón nhận cái vừa phải, nếu chúng ta tin rằng chúng ta học hết bộ kinh này sang bộ kinh khác, hết tạng này sang tạng khác mà chúng ta có thể thật sự là người đa văn quảng kiến, và từ đó chúng ta mới đạt đạo chứng quả được thì nó là một cực đoan, bởi vì chúng ta quá tin vào cái kho tàng đồ sộ của kiến thức của pháp học. Nhưng nếu chúng ta phủ nhận pháp học mà chỉ đi vào pháp hành thì điều đó đôi lúc giống như mò kim đáy biển hay là đi đường chúng ta không cần bản đồ mà chúng ta cũng đi. Tuy nhiên cũng phải nói một điều là cái lẽ sống của tinh thần rất lạ lùng, điều quan trọng nhất của một người mang lẽ sống tinh thần là một thái độ rất cởi mở, một thái độ có thể đón nhận được.

Thưa qúi vị, chúng ta nghe vô số câu chuyện, ở trong đó có câu chuyện Trạng Quỳnh đãi Chúa Trịnh ăn một bữa cơm rất thanh đạm nhưng rất ngon, bởi vì khi đói thì một chút rau một chút cà một chút nước chấm cũng có thể là một bữa ăn ngon được, không nhất thiết phải là cao lương mỹ vị thức ăn cao sang ở chốn cung đình mới có thể làm một người đang đói khổ mới có thể sung sướng khi được bữa ăn. Chánh pháp mà được đem ứng dụng trong đời sống đòi hỏi một khả năng uyển chuyển và linh động rất nhiều. Chúng ta có thể nghe một điều gì đó rất thấm thía, thấm thía có đôi lúc không phải là vì lý luận dông dài hay lời nói cao xa, mà lúc đó chánh pháp nói đúng thời, đúng chỗ, đúng chuyện, và điều đó có khả năng chuyển hoá toàn bộ tâm thức của chúng ta thì điều đó mới có giá trị. Nên chi càng lúc về sau này chúng ta lại càng đối diện với rất nhiều nỗ lực để người ta trình bày đạo, người ta nói đạo lý qua những ngôn ngữ, qua những kỹ thuật, qua những phương tiện hết sức tinh xảo. Điều đó trên phương diện quảng cáo thì có thể được nhưng trên phương diện đạo thì đôi lúc không phải như vậy, có những lời nói tuy rất mộc mạc chân thành nhưng nói đúng chỗ, đúng lúc, và đúng người, thì nó có thể mở cho chúng ta một khung trời quang đãng, có thể đưa chúng ta đến bước ngoặc mới của đời sống.

Bài kệ này cũng giống như bài kệ số 100 mà chúng ta đã nghe nói lên một sự khẳng định của Đức Phật. Các vị tỳ kheo trong phàm tâm của mình thì có những thắc mắc rất tầm thường, không phải thắc mắc ở đây mà đó là một thái độ kinh ngạc trước một người mà có thể đón nhận chánh pháp một cách ít như vậy. Vào tiền bán thế kỷ 20 tại Thái Lan có một vị Thiền Sư rất lỗi lạc Ngài Ajahn Mun, Ngài là một vị Thiền Sư mà có thể được nói rằng đa số các bậc Thầy về trì hạnh đầu đà các bậc Thầy về thiền định của Thái Lan bây giờ hoặc xa hoặc gần là đệ tử của Ngài. Ngài tu theo phái Dhammayutti, và trong số đệ tử của Ngài thì chỉ có Ngài Ajahn Cha là theo Maha Nikaya Ngài chỉ học có ba ngày thôi, có một lần một đệ tử khác hỏi Ngài Ajahn Cha sao mà Ngài ở có ba ngày mà Ngài học được nhiều của Ngài Ajahn Mun như vậy, thì Ngài nói rằng: "một con người có mắt mà khi mặt trời mọc lên thì người đó có thể thấy được rất nhiều việc, quan trọng là mình có mắt hay không."

Thì thưa qúi vị cuộc sống bây giờ có những thứ rất thiếu nhưng có những thứ rất thừa. Có những thứ rất thiếu là bởi vì cuộc sống càng lúc càng lôi kéo chúng ta về một hướng với muôn ngàn sự chi phối và chúng ta thiếu hẳn một mặt nào đó. Ví dụ như tại học đường Hoa Kỳ ngày hôm nay thiếu hẳn môn đức dục, thiếu hẳn một ngành học về cuộc sống của con người nên sống như thế nào ở trong việc tu tâm hay xử thế hoàn toàn không có ở trong học của Hoa Kỳ. Nhưng mà có những cái rất thừa là bởi vì chúng ta đi vào bất cứ lãnh vực gì thì sách vở quá nhiều, chúng ta đi vào bất cứ ngành gì thì có vô số thứ để chúng ta học, hầu như là khi cần thì chúng ta có cả một kho tàng đồ sộ sách vở. Có đôi lúc người ta bắt buộc chúng ta khi muốn lái xe thì mình phải biết cách sửa máy, mình phải biết máy dầu cặn và máy xăng khác nhau thế nào, phải biết hộp số như thế nào, rồi phải biết hệ thống điện ở trong xe như thế nào. Những thứ đó thật sự nó không cần thiết. Một người lái xe giỏi có thể họ biết rất ít về máy móc, chỉ biết làm thế nào để coi chừng nước, coi chừng dầu, coi chừng nhớt, nhưng mà bây giờ những xe đòi hỏi như vậy. Đôi lúc chúng ta có đòi hỏi rất lớn với đời sống và thật sự hoang phí thì giờ với điều đó. Bhàhiya có hai điều rất may mắn, một là tự thân của vị này là một người có túc duyên đã chín mùi, nghĩa là balamật đã đủ, thứ hai nữa là gặp Đức Phật là bậc chân sư là một vị có thể cho thấy được cái gì cần thấy mà trong một giây phút thảng thốt ông có thể tìm thấy ánh sáng bừng khởi trong lòng, bởi vì lúc đó Bhàhiya có thể đến với đạo một cách trực tiếp mà không phải dông dài.

Thưa qúi vị cái chứng bịnh con mọt sách là chứng bịnh của hầu hết chúng ta ngày hôm nay, chúng ta chỉ vùi đầu trong kinh điển. Chúng tôi nhớ thi sĩ Triều Tâm Ảnh viết: "Kinh sách đốt không tìm ra Xá Lợi, chân ngữ xưa vùi dưới lớp tro tàn, ngón tay hồng nguyên trinh còn vị dọc, đầy hai bờ tri kiến dựng trơ gan." Đúng là kinh sách đốt không tìm ra Xá Lợi mà chân ngữ xưa vùi dưới lớp tro tàn, chúng ta ra đi lên đường với một gánh nặng rất cồng kềnh mà mình nghĩ rằng ở đó chúng ta có thể tìm được một giá trị chân thật nhưng chân thật đó không phải nhiều như vậy. Nó giống như trong đời sống hôn nhân gia đình có những người tìm được hạnh phúc gia đình bởi vì họ có thể tìm thấy được một sự cảm nhận rất chân thành, một số lớn khác thì họ xây dựng giá trị của gia đình ở trên một gia tài sự nghiệp và bao nhiêu điều kiện. Bản thân của chúng ta khi làm công việc gì thì chúng ta lại bỏ rất nhiều công sức để làm nhưng chúng ta lại không nắm được cái yếu lý để cuối cùng chúng ta rất mệt mỏi, làm rất nhiều nhưng cái mà chân thật cái mà chúng ta có thể cảm nhận được thì cũng không có bao nhiêu hết.

Bây giờ trở lại với kho tàng của pháp bảo thì phải nhận rằng không có một tôn giáo nào mà có một lượng kinh điển đồ sộ như đạo Phật và chẳng những lượng kinh điển đồ sộ mà có cả một hệ thống đồ sộ. Đức Phật Ngài hoằng pháp 45 năm và trong đó Ngài có rất nhiều đệ tử như Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên, Ngài Anan.v.v... các vị đều là những vị đệ tử lỗi lạc. Và suốt trong giòng lịch sử của đạo Phật thì những tư tưởng được tìm thấy trong kinh điển không phải là một tư tưởng đứng lại mà đó là một tư tưởng rất sống động, cái chất sống đó đã khai triển ra bao nhiêu nền văn học giáo hệ về sau này cái nào cũng đồ sộ cái nào cũng to lớn. Chúng ta có thể hãnh diện và rất là hoan hỷ thấy rằng mình đã thừa hưởng một gia tài tâm linh lớn lao như vậy. Có thể nói rằng nếu một người bằng thiện tâm thiện chí thật sự thì cái gia tài giáo pháp của Đức Phật để lại có thể nói hưởng cả đời không hết.

Nhưng mà rồi bên cạnh đó chúng ta không thể không nhắc lại một điều mà Đức Phật nhắc ở tại đây trong bài kệ trước số 100, bài kệ này số 101, và cả bài kệ kế số 102, ở trong những bài kệ này chúng ta lại nghe nói đến về một cái thước đo, một cái giá trị mà giá trị đó rất đốn ngộ, là bởi vì nghe dường như Đức Phật Ngài cho chúng ta biết rằng; nhiều lời thiên kinh vạn điển đôi lúc nó không bằng một lời. Nhưng chúng ta phải hiểu một cách rất rõ ràng tường tận tôn ý của Đức Phật tại đây, Ngài chỉ cho chúng ta biết rằng có possibility là một chuyện có thể xảy ra được và chuyện đó là chuyện hoàn toàn có thật vậy, nghĩa là một lời nói một kệ ngôn một câu luận ngữ nói đúng thời, đúng chỗ, đúng lúc, đúng căn tánh, thì điều đó có thể mở rộng cho cả một thế giới giải thoát mênh mông mà chúng ta không ngờ được.

Có một lần Đức Phật lại nói đến một hình ảnh rất là thôn giã, một hình ảnh mà chúng ta không có nghĩ rằng Đức Phật có thể dùng hình ảnh đó, Ngài ví dụ trí tuệ giống như hạt thóc hay là hạt trấu, nếu đặt nó đúng chỗ, nếu chúng ta cầm đúng chỗ nó có thể thủng da chúng ta, vị Phật tử nào mà chưa có niềm sống miền quê biết rằng hạt lúc hay hạt thóc nó rất nhỏ rất mảnh, nhưng nếu chúng ta không khéo thì nó có thể đâm vào tay chúng ta chảy máu. Thì Ngài dạy trí tuệ mà biết dùng đúng chỗ thì nó chọc thủng được vô minh. Một tờ giấy, chúng tôi không biết rằng qúi Phật tử có khi nào mà bị giấy cắt tay không, chúng tôi thỉnh thoảng bị tờ giấy cắt tay, tờ giấy rất là mỏng và không ai nghĩ rằng tờ giấy có đủ bén để cắt tay chúng ta, nhưng nếu nó đặt đúng chỗ và ngón tay của chúng ta mà lướt ngang vào đúng cái thế thì cũng cắt ngón tay của mình. Và những possibility - chuyện có thể xảy ra đối với đạo Phật là một chuyện hoàn toàn khả hữu, nó là một việc mà chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều không phải một thí dụ Bhàhiya mà có vô số trường hợp được tìm thấy trong kinh điển, chỉ một sự khai tâm rất là nhỏ mà điều đó có thể là một sự chuyển vận hết sức lớn không phải của một đời người mà của một giòng luân hồi./.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.