Saturday, 23 January 2016

Kệ Ngôn 102 và 103 - Chiến Thắng Tự Thân Mới Thật Sự Vẻ Vang

Psychotheraphy, Meditation
Kệ Ngôn 102 và 103
Chiến Thắng Tự Thân Mới Thật Sự Vẻ Vang
Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Trí Siêu 

Cho dù ngàn lý luận
Nghe nhiều chẳng đến đâu
Sao sánh bằng một câu
Khiến tâm tư chuyển hoá
Dù thắng ngàn binh tướng
Trên trận mạc sa trường
Không bằng thắng tự thân
Ấy vinh quang tối thượng

.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali

Yo ca gāthā sataṃ bhāse, anatthapadasaṃhitā [anatthapadasañhitaṃ (ka.) visesanaṃ hetaṃ gāthātipadassa];
Ekaṃ dhammapadaṃ seyyo, yaṃ sutvā upasammati.
103.
Yo sahassaṃ sahassena, saṅgāme mānuse jine;
Ekañca jeyyamattānaṃ [attānaṃ (sī. pī.)], sa ve saṅgāmajuttamo.

Minh Hạnh chuyển biên

TT Trí Siêu: Bài kệ 102 và 103 Đức Thế Tôn thuyết cùng một duyên khởi, nhưng ý nghĩa câu 102 không liên quan đến câu 103, do vậy chúng tôi sẽ tách riêng để thuyết giảng.

Kệ 102: Ở đây, tỳ kheo ni Kundalakesì vốn là một tiểu thư đài các đem tâm thương yêu một tên tử tội, cha của nàng đã mua chuột cho anh ta được mạng sống. Vì anh ta là một tên tướng cướp nên vẫn ngựa quen đường cũ với tâm chẳng lành đã manh tâm gạt gẫm cô tiểu thư tức là vợ của mình đi lên núi ngay chỗ vực thẳm với ý định giết cô ta để đoạt lấy vòng vàng nữ trang. Lúc bấy giờ nàng Kundalakesì chợt khởi lên một ý nghĩ và kế hoạch để thoát thân bằng trí tuệ khéo léo của mình nàng Kundalakesì đã gạt được chàng tướng cướp này và xô ngã xuống vực thẳm.

Sau đó nàng xuất gia làm một nữ đạo sĩ với biện tài lý luận cô đi từ chỗ này đến chỗ khác để tìm các vị sa môn, bà la môn và cô ta đã thắng các vị sa môn, bà la môn này với một ngàn câu lý luận mà cô đã học được từ nơi sư phụ của mình.Một ngày kia người nữ du sĩ này cặm một nhánh trâm trên mặt đất và tuyên bố nếu ai nhổ nhánh trâm này là người đó đã chấp nhận tranh luận với cô. Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phật Ngài đi khất thực ngang qua thấy như vậy Ngài mới bảo đứa trẻ đứng gần đó nhổ bỏ nhánh trâm đi và khi nàng nữ du sĩ Kundalakesì đến nơi thấy vậy liền hỏi những đứa trẻ chỉ cho biết do Tôn Giả Sariputta Xá Lợi Phất dạy cho chúng nhổ lên như vậy. 

Khi nữ du sĩ Kundalakesì đi đến gặp Tôn Giả Xá Lợi Phất, Tôn Giả đã thừa nhận điều đó và một cuộc tranh luận khởi ra. Nữ du sĩ Kundalakesì dùng biện tài lý luận của mình để hỏi Tôn Giả Xá Lợi Phất những câu hỏi thật hóc búa. Tôn Giả Xá Lợi Phất vốn là một vị tướng quân chánh pháp, đệ tử tay mặt của Đức Phật, là bậc đại tuệ, là bậc đệ nhất trí tuệ thượng thủ thinh văn đệ tử của Đức Phật cho nên đối với Ngài thì cả ngàn câu hỏi, cả ngàn luận điệu lý luận như vậy không thấm vào đâu cả, Ngài trả lời một cách thông suốt, cuối cùng khi nữ du sĩ này không còn vấn đề gì để hỏi để nói nữa để tranh luận nữa thì Tôn Giả Xá Lợi Phất mới nêu lên một câu hỏi:

- Cái gì gọi là một?

Nữ du sĩ này bí lối không thể trả lời được cho nên nữ du sĩ này đã xin Tôn Giả Xá Lợi Phất chỉ dạy. Tôn Giả Xá Lợi Phất Ngài bảo rằng nếu như nàng muốn học ý nghĩa này thì cần phải xuất gia làm tỳ kheo ni. Nữ du sĩ Kundalakesì chấp nhận và được giới thiệu đến ni viện xuất gia trở thành một vị tỳ kheo ni, vài ngày sau tỳ kheo ni kundalakesi với trí tuệ của mình với sự nhiệt tâm nỗ lực đã chứng quả vị Alahán với 4 tuệ phân tích.

Khi các vị tỳ kheo hay biết chuyện này đã bàn luận với nhau về tỳ kheo ni Kundalakesì chỉ nghe một câu pháp đã thành tựu được quả vị lớn, trước đây nàng đã từng là một biện sĩ thông suốt ngàn câu lí luận của đạo du sĩ dạy thế mà nàng không được lợi ích gì nay chỉ nghe Tôn Giả Xá Lợi Phất nói một câu thôi nàng tỉnh ngộ. Rồi các vị tỳ kheo lại bàn luận thêm về thân thế của vị tỳ kheo ni này vốn là một tiểu thơ đã yêu thương một tên cướp rồi trong cơn nguy ngập cô tiểu thơ đã tự mình chiến thắng được tên cướp đó, quả thật là một người có trí tuệ vô địch. Khi Đức Thế Tôn đi đến giảng đường Ngài hỏi chúng tỳ kheo về câu chuyện được trình bày sau đó Đức Thế Tôn Ngài ngâm lên hai bài kệ này. Bài kệ thứ nhất

102.
Yo ca gāthā sataṃ bhāse, anatthapadasaṃhitā [anatthapadasañhitaṃ (ka.) visesanaṃ hetaṃ gāthātipadassa];
Ekaṃ dhammapadaṃ seyyo, yaṃ sutvā upasammati.
Cho dù ngàn lý luận
Nghe nhiều chẳng đến đâu
Sao sánh bằng một câu
Khiến tâm tư chuyển hoá

và bài kệ thứ 2 Đức Phật thuyết

103.
Yo sahassaṃ sahassena, saṅgāme mānuse jine;
Ekañca jeyyamattānaṃ [attānaṃ (sī. pī.)], sa ve saṅgāmajuttamo

Dù thắng ngàn binh tướng
Trên trận mạc sa trường
Không bằng thắng tự thân
Ấy vinh quang tối thượng

Ở đây. Hai bài kệ này có ý nghĩa khác nhau mặc dù Đức Thế Tôn đã thuyết cùng trong một duyên khởi,. Chúng tôi sẽ trình bày trước về câu kệ 102

Đức Phật Ngài giải thích hiệu năng của chánh pháp về chân lý cũng như chúng ta đã nghe câu kệ 100 và câu kệ 101 chỉ thay đổi từ vựng.

Câu 100 Đức Phật Ngài dùng từ Attha. Atthapadam: lời có lợi lạc,

Câu 101 Đức Phật dùng từ Gàthà là kệ ngôn : Gàthà: kệ ngôn

Câu 102 Đức Thế Tôn dùng từ Gàthà.

Ở đây không có một điều gì chúng ta phải thắc mắc Đức Phật Ngài thuyết mỗi trường hợp khác nhau, chúng ta chỉ cần hiểu trong những ý nghĩa Đức Thế Tôn thuyết Ngài nhấn mạnh về hiệu năng chân lý, hiệu năng của chánh pháp. Giáo pháp của Đức Phật không luận nói ít hay nói nhiều mới được lợi lạc, chỉ nói một lời có ích cũng là tốt hơn cả ngàn lời, dù thuyết một câu kệ có lợi ích đúng chánh pháp vẫn tốt hơn cả ngàn câu kệ, cho dù lý luận cả ngàn phương pháp cả trăm phương pháp cũng không tốt hơn là một câu pháp hữu ích.

Cách so sánh đó trước nhất chúng ta phải lưu ý vì do tánh cách của kệ ngôn uyển chuyển văn từ nên Đức Thế Tôn đã thuyết mỗi đoạn có từ ngữ được xử dụng khác nhau. Thứ hai, tùy theo trường hợp, tùy duyên khởi chẳng hạn như trong duyên khởi câu chuyện nêu ra một vị trưởng lão nói một lời nào đó với một người cư sĩ và người này chỉ cần nghe xong một câu khuyên bảo họ được thành tựu được giải thoát chứng ngộ chân lý. như vậy lúc bấy giờ bài kệ này Đức Thế Tôn gọi là vaca. Còn trường hợp ông Bàhiya ở câu kệ số 101 ông Bàhiya chỉ nghe một bài kệ gọi là gàthà.

Đức Thế Tôn đã nhấn mạnh về hiệu năng của chân lý giáo pháp của Ngài không luận phải nói nhiều, chỉ cần nói một câu một bài kệ nếu như có lợi ích đến việc giải thoát đưa đến sự đoạn trừ phiền não cũng có giá trị hơn cả ngàn ngàn lời nói hay một trăm bài kệ, một trăm vần thơ, cả trăm cách lý luận ở ngoài thế gian những điềukhông đưa đến lợi ích giải thoát, những điều vô ích cho dù chúng ta nói có nhiều đi nữa thì cũng chỉ rỗng không.

Vì vậy, khi nghe xong bài kệ này nói về hiệu năng của chánh pháp chúng ta phải biết cho dù chúng ta nói một câu pháp có lợi ích thiết thực cũng vẫn tốt hơn nói một trăm câu kệ, chúng ta ngâm cho người khác nghe cả một trăm một ngàn câu kệ nhưng người nghe xong không có lợi ích gì và không đưa đến sự an lạc cũng không bằng nói một câu.

Vấn đề này khi tu tập chúng ta cũng nên chú ý một điểm là ít nói tốt hơn là nói nhiều, chúng ta ít nói nhưng nói một câu hữu ích và một câu đem đến lợi lạc cho mình và cho người khác như vậy sẽ cao qúi hơn.

Người đời thường có câu nói: "một câu nói hay hơn là hay nói" có ý nghĩa như vậy bởi vì khi chúng ta nói hay tức là nói một lời nói có ý nghĩa sâu sắc và đưa đến lợi ích thì lời nói hay đó sẽ vượt hơn hẳn là chúng ta hay nói, tức là nói nhiều mà nói toàn là những lời vô ích. Ý nghĩa đó cũng tương tự như ý nghĩa trong câu Phật ngôn Pháp Cú chúng ta vừa nghe.

Đó là ý nghĩa của bài kệ 102

Kệ ngôn 103:
Duyên khởi đề cập đến giai thoại của nàng Kundalakesì nhưng ý nghĩa khác biệt hẳn với câu kệ 102. Khi các vị tỳ kheo bình luận về sự chiến thắng của nàng Kundalakesì còn là một tiểu thơ mặc dầu thân liễu yếu đào tơ đứng trước nỗi nguy hiểm một người chồng thất phu bạo ngược và nàng ta đã dùng trí tuệ của mình để chiến thắng anh chồng thì quả thật đây là một chiến thắng kỳ diệu. Khi Đức Thế Tôn nghe sự kiện này Ngài bảo với các vị tỳ kheo:

Dù thắng ngàn binh tướng
Trên trận mạc sa trường
Không bằng thắng tự thân
Ấy vinh quang tối thượng

Nguyên văn ở trong chú giải Pali về câu kệ này dùng từ: Ekañca jeyyamattānaṃ là một ngàn tên tướng cướp cũng không bằng chiến thắng một tên cướp phiền não.

Ở đây, trong ý nghĩa này chúng ta biết ý Đức Thế Tôn Ngài muốn nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự tự khắc phục tự chế ngự bản thân, tự chiến thắng bản thân cho dù mình thắng được người khác, thắng được cả ngàn quân địch ở trên chiến trận nhưng sự chiến thắng đó mặc dầu thế gian cho là vinh quang cho là tốt đẹp nhưng ở đây những con người chiến thắng được như vậy những người đó cũng không thể nào thoát khỏi sự sầu bi thoát khỏi sự trầm luân sanh tử đau khổ, mặc dầu người ta thắng được người khác với sức mạnh phi thường họ có thể vật ngã cả trăm người ngàn người nhưng có một thứ kẻ thù mà họ không thể nào thắng nổi đó là chính nội tâm phiền não của họ:

Khi lòng tham chi phối cho con người chiến thắng vinh quang này thì con người chiến thắng vinh quang đó vẫn bị tham sai xử để làm những điều tội lỗi những điều ác quấy.

Khi phiền não sân chi phối dù người này là người đang chiến thắng vinh quang nhưng tâm sân si chi phối rồi thì người này cũng trở thành một kẻ nô lệ cho phiền não làm những tội ác do phiền não sai khiển.

Khi phiền não si sai khiến thì con người này dù là người đang chiến thắng vinh quang ở bên ngoài nhưng người đó cũng vẫn là con người u mê dốt nát vẫn là người được xem nhưsống trong bóng tối của vô minh.

Do vậy, đối với tinh thần của Đạo Phật thì sự chiến thắng người khác ở bên ngoài, sự chiến thắng đó không có vẻ vang không vinh quang, không bằng tự chiến thắng chính mình.

Trong câu chuyện Hiền Giả Cái Cuốc (Tiền thân Kuddàla) Đức Thế Tôn nhắc lại đời sống quá khứ của Ngài khi còn là vị đạo sĩ Kuddàla. Vị đạo sĩ này có tên Kuddàla bởi vì người đạo sĩ đó trong đời sống tu tập bị chi phối dính mắc bởi một vật ngoại thân đó là cây cuốc. Vì xuất thân là một nông dân trồng trọt ruộng nương cho nên ông đã thuần thục trong nghề nghiệp trồng tỉa của mình. Vào những mùa khô không thể sới đất trồng tỉa được người nông dân này đi xuất gia làm đạo sĩ nhưng đến khi mùa mưa về thì vị đạo sĩ này chợt nhớ đến những nương khoai những nếp đậu mình đã gieo trồng thu hoặc huê lợi như thế nào, người đạo sĩ đó luyến tiếc và xách cây cuốc với gói hạt giống mà vị đó đã mang theo cất gần nơi tịnh thất trở về hoàn tục và làm việc nông nghiệp. Rồi vào mùa khô năm sau lại đi xuất gia. Cứ đi xuất gia rồi trở về trồng trọt đi xuất gia rồi trở về trồng trọt liên tục cho đến lần thứ 7 vị này hạ quyết tâm rằng chính vì cái cuốc và gói hạt giống này đã làm cho ta chi phối dính mắc không thể nào tu tập được không thể nào thuần ý trong thiền định do đó vị đạo sĩ đã đi đến bờ sông sau khi tắm rửa vị này đã can đảm ném cây cuốc và gói hạt giống vào giữa giòng sông. Với một chiến thắng trận giặc lòng vinh quang như vậy đạo sĩ đã reo hò đắc thắng. Khi đó đức vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại vừa hát khúc khải hoàn sau khi tảo trừ bọn cướp ở biên địa Đức Vua về ngang nghe nghe vị đạo sĩ khoan khoái thốt lên như vậy Đức Vua lấy làm khó chịu Đức vua mới đi đến tận nơi và hỏi thăm:

- đạo sĩ đã chiến thắng ai chiến thắng như thế nào, người chiến thắng bây giờ là trẫm mới đúng?

Lúc bấy giờ đạo sĩ Kuddàla đã trình bày với Đức Vua biết rằng Đức Vua đã thắng giặc ở bên ngoài nhưng trận giặc lòng ở bên trong Đức Vua chưa chiến thắng được. Còn bần đạo chiến thắng được giặc ở bên trong bởi vì tâm luyến ái cảnh ruộng nương đồn điền cái cuốc và hạt giống làm trở ngại việc tu hành nên bây giờ bần đạo dứt khoát đã ném bỏ được cái cuốc và gói hạt giống ở giữa giòng sông, như vậy đây là sự chiến thắng lớn lao vinh quang nhất tự chủ được chính mình chế ngự được chính mình. Đức Vua Brahmadatta nghe như vậy lấy làm hoan hỉ và Đức Vua sau đó cũng đã thu xếp triều đình rồi trở vào khu rừng xin xuất gia với đạo sĩ Kuddàla. Sau đó những vị đạo sĩ này đã chứng đắc thiền sau khi mệnh chung sanh về cõi Phạm Thiên.

Đức Thế Tôn nhắc lại câu chuyện đó để ngài dạy một ý nghĩa tầm quan trọng của sự khắc phục nội tâm cao quý hơn là sự chiến thắng người khác ở bên ngoài.

Nhiều khi lầm tưởng chúng ta có quyền uy có sức mạnh về lời nói hay sức mạnh về uy tín, sức mạnh về tài sản chúng ta lại có thể chế ngự khuất phục được người khác, chúng ta tự hào cho mình là người tài, người giỏi, người có bản lĩnh, nhưng nếu chúng ta dùng trí tuệ để suy xét sẽ thấy rằng chúng ta có thể thắng được người khác một cách dễ dàng nhưng để chiến thắng được mình mới là một điều khó. Chính vì vậy chúng ta thắng người khác không vẻ vang bằng chiến thắng chính mình, chiến thắng chính mình tức là chúng ta phải làm sao khắc phục đừng để tham, sân, si tà kiến sanh khởi như vậy mới được xem là chúng ta đã chiến thắng được mình.

Và ở đây, ngày nào chúng ta tu tập chúng ta chưa chiến thắng được nội tâm của mình thì ngày đó chúng ta vẫn phải bị sống ở trong hoàn cảnh khổ đau bởi vì chúng ta chưa khắc phục được chính mình là chúng ta chưa đạt được mục đích cứu cánh phạm hạnh.

Cho dù nữ đạo sĩ Kundalakesi là một nữ nhân khi còn là một tiểu thơ có một trí tuệ có một sức mạnh về tinh thần có thể thắng được một tên cướp hung tàng như vậy nhưng sau đó xuất gia làm nữ đạo sĩ, tâm của vị đạo sĩ này cũng không bao giờ được an ổn không bao giờ được yên vui không bao giờ được thánh thiện chỉ khi nữ đạo sĩ này giác ngộ và xuất gia trở thành một vị Alahán đã đoạn tận tất cả những phiền não thì sự chiến thắng chính mình đó lúc bấy giờ mới được xem như là hoàn mãn và đạt đến đỉnh vinh quang nhất.

Hai bài kệ này đã dạy chúng ta những điều hữu ích về luân lý của giáo pháp, trước hết về hiệu năng của chánh pháp chúng ta phải biết rằng dầu một câu pháp hữu ích và có liên hệ đến mục đích giải thoát và người nghe nghe một câu như vậy được tịnh lạc giải thoát tốt đẹp hơn cả trăm bài kệ thốt ra nhưng nghe chẳng ích lợi gì.

Tầm quan trọng của sự tự khắc phục ở bài kệ 103 chúng ta nên lưu ý và phải cố gắng làm như thế nào để tự chiến thắng bản thân mình và chỉ khi nào chúng ta chiến thắng bản thân mình không bị nô lệ trong vòng cương toả của phiền não, không còn bị phiền não sai xử nữa thì lúc bấy giờ mới thật sự là chiến thắng vinh quang là một sự chiến thắng tối thượng, cho đến khi đó chúng ta mới hoàn toàn được thoải mái an lạc.

Ý nghĩa của 2 bài kệ chúng tôi đã thuyết giảng từng câu mặc dầu cả hai bài kệ được thuyết cùng chung một duyên khởi nhưng có ý nghĩa khác biệt vì vậy phải giảng riêng và những điều nào chúng tôi trình bày trong ý nghĩa của 2 bài kệ này qúi vị có sự hoan hỉ nghe được hãy cố gắng tu tập thực hành theo đó. Bởi vì khi nghe pháp chúng ta hiểu được pháp và thực hành theo pháp bấy giờ mới thành tựu được lợi ích. Nếu chúng ta nghe pháp mà không trú tâm không khéo tác ý để hiểu pháp hay khi hiểu pháp chúng ta biết tán thán ý nghĩa của pháp chúng ta không thực hành như vậy cũng chẳng ích lợi gì ./.
 

No comments:

Post a Comment