Saturday, 2 April 2016

Kệ Ngôn 108 - Sự cầu phúc hợp đạo - TT Bửu Chánh


Psychotheraphy, Meditation
Kệ Ngôn 108

Sự Cầu Phúc Hợp Đạo
KinhPhapCuGiảng Sư: TT Bửu Chánh 

Sự Cầu Phúc Hợp Đạo
Cả đời cúng tế vật
Để cầu mong phúc đức
Không sánh một phần nhỏ
Kính lễ bậc chánh trực

.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali
Ya.m ki~nci yi.t.tha.m va huta.m va loke
Sa.mvacchara.m yajetha pu~n~napekkho
Sabbam-pi ta.m na catubhaagameti
Abhivaadanaa ujjugatesu seyyo.

Minh Hạnh chuyển biên và tóm tắt

TT Bửu Chánh: Trên thế gian bất luận tế vật hay vật thực nào ta có thể cúng dường trong mỗi năm để tạo phước, tất cả những vật ấy không bằng đảnh lễ bậc chánh hạnh cao thượng.
Đây là câu kinh Pháp Cú mang tính so sánh. Trong câu kinh Pháp Cú 108 đọc lên chúng ta thấy so sánh giữa những lễ vật hay vật thực cúng dường và thực tế ở đây ám chỉ để tế thần, dầu việc làm đó chúng ta thực hiện cả trăm năm để mong cầu có phước báu, tất cả những điều ấy không bằng 1/4 sự đảnh lễ các bậc chánh hạnh cao thượng.

So sánh giữa một người có niềm tin khi chúng ta cúng dường lễ vật để tế thần, niềm tin đó không mang lại công đức phước lành bằng đảnh lễ bậc chánh hạnh. 

Lễ vật ở đây là gì? Theo bảng chú giải lễ vật ở đây là những gì người ta dâng tặng trong các dịp lễ, và cái gì người ta sắm sửa để dâng tặng với một niềm tin sẽ gặt hái được kết quả trong vòng nghiệp.

Chữ Yittham là lễ vật để tế lễ

huta.m là lễ vật gì đó mua để biếu tặng hoặc dâng tặng với niềm tin sẽ được gặt hái quả trong việc làm đó.

Ý nghĩa của câu kệ này là đảnh lễ một vị Thánh người đã thành tựu Tu Đà Hườn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán nghĩa là bậc chánh hạnh. Ở đây, trong câu kệ này ám chỉ các vị đã giác ngộ giải thoát là Tu Đà Hườn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán.
Trong phần duyên sự; một người bạn của Trưởng Lão Xá Lợi Phất Sariputta hàng năm tiêu phí rất nhiều tiền để giết các thú vật làm lễ tế thần và Đức Phật thuyết phục ông ta trở về phương pháp cúng dường chơn chánh. Như vậy câu kinh này ám chỉ những lễ vật cụ thể như giết thú để tế thần lửa với niềm tin được nhiều công đức, Đức Phật Ngài dạy công việc làm đó không mang lại công đức trong khi chỉ cần đảnh lễ một vị Thánh nhân một vị đắc được Tu Đà Hườn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán có phước báu to lớn.

Câu chuyện duyên sự xảy ra tại Ấn Độ và ngày hôm nay còn một số người vẫn tin giết thú tế thần có nhiều phước báu, và rõ rệt nhất tại nước Nepal trên đường đi từ Ấn Độ đến nước Nepal hướng đến thung lũng Kathmandu thủ đô của Nepal là nước giáp với Ấn Độ. Tại Nepal có vườn Lâm Tỳ Ni nơi Đức Bồ Tát đản sanh vẫn còn tục lệ giết thú để tế thần lửa dọc theo con đường đi từ Ấn Độ đến nước Nepal. Nepal ngày xưa nằm trong phạm vi nước Ấn Độ cổ đại, hiện nay đã tách ra thành nước nhỏ.

Như vậy sự cúng dường bằng cách giết thú để tế thần điều đó không mang lại kết quả lợi ích nào trong khi chỉ cần đảnh lễ một vị đă đắc Tu Đà Hườn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán phước báu vô cùng to lớn. Như vậy ở đây sự so sánh giữa một người tin theo thần quyền phải dùng tới những lễ vật như thú vật và những lễ vật này mang tính phải giết hại với niềm tin như vậy chúng ta tạo thêm tội không giữ giới sát sanh.

Trong 5 giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, và không dùng các chất say. Thì giới đầu tiên là sát sanh . Và nếu như một người dùng lễ vật bằng hành động sát sanh giết hại chúng sanh để tế thần như vậy không những không có phước mà lại có tội và mang cái nghiệp sát sanh. Và nếu người nào mong cầu phước báu thì chỉ cần đảnh lễ bậc Thánh nhân bậc đã thành tựu giải thoát đã đắc Tu Đà Hoàn đã diệt trừ phiền não, Tư Đà Hàm đã làm giảm nhẹ dục ái và sân đắc. A Na Hàm đã dứt trừ dục ái và sân. Và đắc A La Hán là đã diệt tận ái sắc ái vô sắc ngã mạn phóng dật và vô minh.

Thì đãnh lễ cúng dường suốt năm cúng tế thú vật để cầu phước cả đời cũng không bằng 1/4 kính lễ bậc chánh trực. Bậc chánh trực ở đây hay là bậc chánh hạnh, là các vị Thánh nhân Tư Đà Hàm hay A Na Hàm, A La Hán.

Đề cập đến vấn đề cúng dường trong Trung Bộ kinh, bài kinh Cúng Dường Phân Biệt (Dakkhinàvibhanga sutta) Đức Phật Ngài dạy: Bố thí cho các loại bàng sanh, cúng dường này có trăm phần công đức. Bố thí cho những phàm phu theo ác giới, cúng dường này có ngàn phần công đức. Bố thí cho các phàm phu gìn giữ giới luật, cúng dường này có đem lại trăm ngàn lần công đức. Bố thí cho các người ngoại học đã ly tham trong các dục vọng, cúng dường này có hy vọng đem lại trăm ngàn ức lần công đức. Bố thí cho các vị trên con đường chứng quả Dự lưu, cúng dường này có đem lại vô số vô lượng công đức. Và bố thí cho một vị trên đường để chứng Tu Đà Hườn to lớn nhưng cũng không bằng bố thí cúng dường cho vị đã đắc Tư Đà Hàm. Vị đã đắc Tu Đà Hườn phước báu to lớn rồi nhưng cũng không bằng bố thí cho vị trên đường đắc Tu Đà hàm. Bố thí cho người trên đường đắc Tư Đà Hàm phước báu to lớn không bằng Tư Đà hàm. Bố thí cho người trên đường đắc Tư Đà Hàm phước báu không bằng bố thí cho người trên đường đắc A Na Hàm. Bố thí cho người trên đường đắc A Na Hàm phước báu to lớn cũng không bằng người đã đắc A Na Hàm. Bố thí cho người đắc A Na Hàm phước báu đó to lớn rồi cũng không bằng cho người trên đường đắc A La Hán. Bố thí cho người trên đường đắc A La Hán cũng không bằng bố thí cho các bậc A La Hán phước lớn không bằng bố thí cho Phật Độc Giác Bích Chi Phật. Bố thí cho vị Phật Độc Giác phước báu to lớn rồi cũng không bằng bố thí cho cúng dường đến Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác. Cúng dường đến Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác to lớn rồi nhưng cũng không bằng cúng dường đến Tăng Chúng.

Như vậy phước báu chúng ta cúng dường chúng tôi đã nhắc lại kinh Trung Bộ Đức Phật Ngài theo thứ tự 14 đối tượng để cúng dường và theo thứ tự từ thấp lên cao.

Riêng chúng ta giết chúng sanh để cúng tế thần lửa như tập tục của người Ấn Độ thờ thần lửa thời xưa mà hiện nay tại Ấn Độ và xứ Nepal xứ rõ nhất vẫn còn giết những con dê để tế thần lửa, đó không phải là sự cúng dường theo nghĩa bố thí mà đó là một sự sát hại chúng sanh. Niềm tin có một vị thần linh Thượng Đế trong Phật giáo phủ nhận điều này, Phật Giáo không chấp nhận Thần Linh và Thượng Đế Phật Giáo không chấp nhận. Việc làm tế lễ này mang tánh cách để thần quyền, không những không có phước báu mà còn có tội nữa.

Trong câu kinh Pháp Cú 108, khi mình làm những việc tế lễ thần linh bằng cách giết hại chúng sanh dù có làm cả năm trời như vậy cũng không có phước báu không bằng 1/4 chỉ đảnh lễ các vị Thánh chứng đắc đạo quả.

Sự đãnh lễ gọi là abhivandati trong tiếng Pali.

Đảnh lễ đến các vị bậc Thánh nhân, các bậc Alahán Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác. Bậc chánh hạnh hay bậc chánh trực hay bậc Thánh nhân ở đây ám chỉ các vị đắc các quả Thánh. Ví như mình gieo một hạt giống trên một mảnh đất màu mỡ đầy chất phân chất nước trên một mảnh đất tươi tốt thì quả phúc vô cùng to lớn. Còn nếu mình gieo trên mảnh đất khô cằn chắc chắn nó không lên được nhiều khi nó chết. Muốn có sự phước báu thì mình phải gieo trên một mảnh đất màu mở tươi tốt thì chúng ta sẽ gặt hái được.

Đức Phật Ngài dạy trong kinh Đại Bát Niết Bàn trên cõi trời có nhiều vị Chư Thiên dâng hoa trời cúng dường Ngài, cũng có nhiều người đến đảnh lễ Ngài nhưng Đức Phật Ngài nói sự cúng dường đó không bằng giới hạnh của sự tu tập của chính mình. Như vậy một vấn đề khác chúng tôi muốn nói sự cúng dường bằng tâm của mình, bằng tâm định. Sự cúng dường đến một cách cao thượng đó là sự cúng dường bằng sự tu tập giới định tuệ của mỗi người chúng ta./.

No comments:

Post a Comment